“Chuyển đổi số giáo dục” là khẩu hiệu được nhắc đến nhiều trong suốt thời gian qua, đặc biệt là sau dịch Covid-19, với kỳ vọng tạo ra những đột phá trong giáo dục đào tạo, nhất là trong đổi mới giáo dục. Nhìn nhận một cách khách quan, thấy rằng việc chuyển đổi số giáo dục hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều rào cản.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Bên thềm năm mới, phóng viên Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xoay quanh vấn đề này…
+ Phóng viên: Về lý thuyết, chuyển đổi số sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho giáo viên. Thế nhưng thực tế thì nhiều giáo viên than rằng họ phải “thêm” việc khi thực hiện chuyển đổi số, phó giáo sư nhìn nhận thế nào về điều này?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Thực tế, khi nói đến chuyển đổi số, nhiều giáo viên cảm thấy e ngại bởi vì lầm tưởng rằng chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ. Ví dụ, tính toán trong đợt cao điểm giáo viên dạy học trực tuyến trong dịch Covid-19 vừa qua, dễ dàng thấy rằng giáo viên phải học tập các công cụ để tiến hành dạy học trực tuyến, thời gian và sức lao động của giáo viên phải bỏ ra rất cao. Có những trường hợp tới hơn 3 lần so với bình thường. Họ phải học tập những công cụ lao động mới, phải có thời gian thích ứng công cụ đó cho công việc của mình. Để có thể tổ chức một giờ dạy trực tuyến khi đó, thông thường giáo viên lại phải sử dụng rất nhiều công cụ.
Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ trong dạy học
Trong khi đó, thực tế chuyển đổi số trong giáo dục đòi hỏi chúng ta phải tư duy ngược trở lại. Tức là những công việc bây giờ của giáo viên sẽ cần phải thay đổi về nội dung và quy trình như thế nào, để họ có thể có một người đồng nghiệp, một người thầy ảo. Tư duy rằng chuyển đổi số sẽ mang đến một công nghệ hoàn chỉnh hơn, có thể thay đổi hầu hết các quy trình, nội dung mà bây giờ giáo viên đang phải làm.
+ Như vậy, tức là dù chúng ta “hô hào” chuyển đổi số song giáo viên đang thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể tham gia vào chuyển đổi số một cách hiệu quả, đúng đắn nhất?
– Đúng như vậy. Để chuyển đổi số giúp giáo viên thay đổi được quy trình, nội dung mà hiện nay thầy cô đang làm thì giáo viên cần phải được trang bị rất nhiều thứ. Trước hết giáo viên cần phải có các dữ liệu số hóa theo các nguồn tư liệu có thể phân hóa và dễ dàng tạo ra các chương trình học cá nhân. Nôm na là mỗi một câu hỏi, một bài tập, một video thì đều phải được chuẩn hóa và phải được xác nhận rằng nó sẽ giúp phát triển năng lực gì, phù hợp với kiểu người học như thế nào trong những môi trường như thế nào. Khi đó, giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng để biết cách lựa chọn dữ liệu nào tốt cho việc giảng dạy của họ.
Thứ hai, chuyển đổi số giáo dục thì phải tạo ra một hệ sinh thái chứ không phải một ứng dụng cho một mảng phạm vi công việc cụ thể. Khi tư duy hệ sinh thái thì giáo viên sẽ có một dữ liệu để liên thông trong các hoạt động giáo dục chứ không đơn thuần như hiện nay. Một thông tin của học sinh phải dùng rất nhiều công cụ và nhiều nền tảng để chia sẻ, chia sẻ cho phụ huynh thì dùng công cụ nào, chia sẻ lên sổ học bạ thì thế nào, báo cáo với cấp trên ra sao… là một mớ rắc rối khiến giáo viên rất sợ.
Thế nhưng, điều này sẽ không hề dễ, bởi đòi hỏi các trường học, địa phương phải đầu tư hệ sinh thái chứ không phải là đầu tư các công nghệ lẻ tẻ. Đã đầu tư thì không thể miễn phí, do vậy điều này lại cần thiết phải tính toán lại trong định mức kỹ thuật cho kinh tế giáo dục.
Một yếu tố quan trọng nữa là khi chúng ta đã thừa nhận chuyển đổi số là bắt buộc để tạo ra một phương thức giáo dục mới thì cần phải trang bị cho giáo viên một năng lực mới, cốt lõi phải có – đó là năng lực số. Năng lực số không phải chỉ là năng lực sử dụng công nghệ mà còn rất nhiều thành tố khác, ví dụ như sản sinh dữ liệu như thế nào để gọi là dữ liệu số, giao tiếp như thế nào trên nền tảng số, nghiệp vụ sư phạm, chuẩn mực sư phạm như thế nào… Năng lực số phải là năng lực tích hợp vào công việc của giáo viên hàng ngày, là năng lực cốt lõi của thầy cô cho công việc và cuộc sống, được tích hợp vào cùng với các năng lực nghiệp vụ khác.
Chuyển đổi số không làm công việc giáo viên tăng lên
+ Nhiều lo ngại cho rằng, khi chuyển đổi số thì vai trò của người giáo viên sẽ dần mất đi, thậm chí giáo viên sẽ… mất việc. Theo bà, quan điểm này có đúng không?
– Tôi khẳng định, khi chuyển đổi số vai trò, vị thế của người thầy không những không mất đi mà còn nâng cao hơn rất nhiều. Bởi, trong môi trường chuyển đổi số, người thầy giáo ảo – ở đây là hệ sinh thái giáo dục – giúp cho người học dễ dàng tiếp cận với các dữ liệu, kiến thức chuẩn hóa thì vai trò của người giáo viên sẽ phải là người kiến tạo ra bài học từ những kiến thức đã được chuẩn hóa. Khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục, nhu cầu học tập của người học không còn dừng ở việc học kiến thức nữa mà học để phát triển chiều sâu con người xã hội.
Tuy nhiên, để có thể giữ vững được vai trò, nâng cao vị thế đáp ứng với yêu cầu của chuyển đổi số giáo dục thì đòi hỏi giáo viên phải thay đổi lại quan điểm, nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, tập trung để phát triển con người xã hội cho người học, chứ không phải là tập trung trang bị kiến thức như trước đây.
Nếu như trước đây chỉ có người thầy mới có thể mang kiến thức đến cho học sinh khi “không thầy đố mày làm nên”, thì bây giờ trong chuyển đổi số, người thầy phải là người làm cho học sinh biết dùng kiến thức đó để tạo ra con người xã hội của mình như thế nào. Điều này cao cấp và khó hơn rất nhiều. Khi đó, sức lao động của giáo viên sẽ mang chiều sâu về tâm hồn và con người của họ, đòi hỏi họ phải rèn luyện và được hỗ trợ để có thể làm tốt nhiệm vụ đó. Chúng ta rất kỳ vọng vào chuyển đổi số để người giáo viên có cơ hội phát triển năng lực con người xã hội cho học sinh.
+ Xin cảm ơn PGS.TS Chu Cẩm Thơ!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)