- 1 Giáo viên có được quyền thu giữ điện thoại học sinh?
Một phụ huynh học sinh nhắn tin qua điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm thể hiện sự bất đồng với cô giáo, vì cho rằng cô chủ nhiệm thu giữ điện thoại của con mình là sai. Vị phụ huynh này còn viện dẫn ra nhiều “điều khoản pháp luật” để buộc cô chủ nhiệm trả lại điện thoại cho con. Vậy giáo viên thu giữ điện thoại của học sinh là đúng hay sai?

Trong trường hợp này, giữa giáo viên và phụ huynh có “tiếng nói chung” thế nào trong việc giáo dục học sinh?
Đa số giáo viên xử lý theo lệ thường
Hiện nay, nhiều trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường. Trong khi đó, nhiều trường học lại cho phép học sinh mang điện thoại đến lớp để sử dụng như một phương tiện học tập, song có điều cấm là học sinh không được tự ý sử dụng khi chưa có sự cho phép của giáo viên trong tiết dạy. Điều này phù hợp với Khoản 1 Điều 35, Khoản 4 Điều 37 trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT là học sinh được phép sử dụng điện thoại di động cho mục đích học tập khi được giáo viên cho phép; đồng thời cũng căn cứ theo Khoản 2 Điều 34 cùng điều lệ, các em học sinh có nhiệm vụ phải thực hiện theo nội quy nhà trường. Điều này nhằm đảm bảo rằng học sinh tập trung vào việc học tập mà không bị phân tâm bởi các thiết bị công nghệ. Để hỗ trợ các giáo viên và nhà trường trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT đã ban hành thêm Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, ngày 18-12-2020, nhấn mạnh rằng không bắt buộc học sinh phải có điện thoại di động để phục vụ cho việc học tập. Quyền sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ được quyết định bởi giáo viên, và chỉ trong những trường hợp mà thiết bị này thực sự cần thiết cho hoạt động học tập. Giáo viên cần hướng dẫn cụ thể cho học sinh về cách sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ trong quá trình học, đồng thời chỉ rõ những điều học sinh không được phép làm khi sử dụng thiết bị này trong giờ học.
Tuy nhiên, hầu hết các nội quy nhà trường không có quy định cụ thể việc học sinh vi phạm sử dụng điện thoại sai quy định sẽ bị xử lý thế nào. Vì vậy mà đa số thầy cô xử lý theo cảm tính, thói quen, theo lệ thường lâu nay. Đó là thu điện thoại của học sinh trong tiết học ấy rồi cuối giờ trả lại. Có trường hợp thu giữ qua nhiều ngày. Tôi biết trước đây có trường, giám thị còn giữ điện thoại của học sinh đến hơn một tuần lễ. Ứng xử lệ thường này xuất phát từ suy nghĩ của thầy cô là cho rằng học sinh có lỗi thì phải làm cho chừa, cho sợ để thay đổi và mình có quyền làm điều này. Về phía học sinh, đa số có tâm lý sợ thầy cô vì bản thân vi phạm nội quy. Cha mẹ học sinh thì muốn “dĩ hòa vi quý” với nhà trường, nghĩ rằng con mình có lỗi và thiện chí giáo dục của giáo viên nên cũng không phàn nàn, lớn tiếng.
Coi chừng trái quy định pháp luật
Việc học sinh tự ý sử dụng thiết bị điện tử trong giờ học mà không có sự cho phép của giáo viên là vi phạm nội quy. Và giáo viên có quyền yêu cầu học sinh cất điện thoại, hoặc tạm thời thu giữ (rồi trả lại sau đó) là nhằm mục đích nhắc nhở, răn đe để học sinh tập trung vào việc học hành. Cách ứng xử này, không có gì đáng bàn, nó không trái pháp luật và thực tế thường thấy là cả phụ huynh cũng không phản đối. Tuy nhiên, nếu giáo viên thu qua ngày, nhiều ngày; thậm chí tự ý mở điện thoại của học sinh để kiểm tra, xem như đã làm sai.
Trường hợp học sinh là chủ sở hữu của điện thoại thì các em có các quyền theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015. Điều này quy định về “quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Ngoài ra, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu, vấn đề này được quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015: “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản: 1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. 2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Như vậy, việc giáo viên thu giữ điện thoại học sinh là trái với luật về quyền sở hữu đối với tài sản của học sinh. Tuy nhiên, nếu từ ban đầu, giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường có một thỏa thuận (cam kết) về cách xử lý việc sử dụng điện thoại di động không đúng quy định thì học sinh phải có nghĩa vụ chấp hành cách xử phạt này. Song, nếu giáo viên thu giữ điện thoại của học sinh nhằm mục đích sử dụng, cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, thì thầy cô đã vi phạm pháp luật.
Nhiều thầy cô, nhất là giám thị, để điều tra sự việc gì đó, đã tự ý mở điện thoại của học sinh ra xem. Điều này cũng không được phép, trái với Điều 21 Hiến pháp: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Đồng thời, theo các quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015; Khoản 2, Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Tóm lại, việc giáo viên thu giữ điện thoại của học sinh nhằm mục đích nhắc nhở các em tập trung học tập không được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Tuy nhiên, nếu giáo viên đó có hành vi mở điện thoại, xem tin nhắn… là vi phạm quyền bí mật riêng tư. Điều này áp dụng chung cho tất cả mọi người.
Phụ huynh và giáo viên nên “nhẹ nhàng” vì sự tiến bộ của học sinh
Pháp luật quy định rạch ròi như đã nói ở trên. Song, thiết nghĩ giữa phụ huynh với giáo viên nên “nhẹ nhàng” hơn, cần hợp tác hơn trong việc xử lý học sinh vi phạm. Xét cho cùng thì cách xử lý của thầy cô là muốn giúp học sinh tiến bộ trong học tập, trong nền nếp nhưng nhiều khi thầy cô “giận quá mất khôn”, “đơn giản hóa” sự việc. Về phía phụ huynh, nếu cứ “luật hóa” với nhà trường trong tất cả các hoạt động thì cũng không nên. Nó dễ bùng phát mâu thuẫn, làm rạn nứt quan hệ cần thiết trong việc giáo dục học sinh.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)