Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên có nên viết bảng đẹp quá mức cần thiết?

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những kỹ năng mang tính nghiệp vụ sư phạm của giáo viên là năng lực trình bày bảng. Không những luyện tập nét chữ trên bảng sao cho dễ nhìn, nhiều giáo viên hiện nay còn chú trọng nghiên cứu và sáng tạo phong phú các hình thức viết chữ viết hoa, viết thường; các phông (font) chữ khác nhau, và luyện tập vẽ những hình ảnh minh họa theo chủ đề, chủ điểm của từng bài học. Đã có nhiều hội thi viết bảng đẹp thường xuyên được tổ chức, không chỉ đối với giáo viên mà còn dành cho sinh viên đang theo học ở các trường sư phạm. Trình bày bảng đẹp cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên trong các cuộc bình xét, tuyển chọn. Về ý nghĩa thực tế, một giáo viên có kỹ năng viết đẹp, trình bày bảng đẹp là một giáo viên có ít nhiều lợi thế. Vì trình bày bảng đẹp, sinh động, sáng tạo sẽ khiến học sinh cảm thấy thú vị với bài học. Một chiếc bảng với hình thức trình bày đẹp sẽ cuốn hút ánh nhìn của học sinh. Ngoài ra, trình bày bảng đẹp cũng truyền cảm hứng về tình yêu hội họa cho những người thưởng thức.

Tuy vậy, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, việc quá chú trọng, thậm chí sa đà vào việc thực hiện trình bày bảng đã bộc lộ một số vấn đề đòi hỏi người trong cuộc cần phải cân nhắc thêm. Thực tế, việc trình bày bảng sao cho thật xuất sắc luôn chiếm một phần thời gian nhất định của giáo viên. Trong khi giáo viên cầm phấn… trang trí các ý lớn, ý nhỏ của bài giảng cũng là khoảng thời gian khiến học sinh mất tập trung vào bài học, gây ra thời gian trống để các em trao đổi mất trật tự trong lớp. Mặt khác, do tập trung chú ý vào phần hình thức, giáo viên có thể nhất thời bỏ quên một phần nội dung bài học cần truyền tải, khiến học sinh sót kiến thức cần đạt. Nhiều giáo viên lâu dần, theo thói quen, lậm việc trang trí bảng, xem việc trang trí bảng đẹp trở thành mục tiêu cuối cùng của chu trình giảng dạy.

Việc giáo viên trọng hình thức quá mức cần thiết, ở một góc độ nhất định, cũng sẽ tạo tâm lý và tư duy trọng hình thức đối với học sinh. Thực tế cho thấy có nhiều học sinh, tập vở trình bày bài học rất sinh động, phong phú, nhưng kiến thức thu về thì lại là một câu chuyện khác. Các em có thể về nhà “vẽ” lại bài học nhưng không thiếu những học sinh sẽ trổ tài vẽ ngay tại lớp, từ đó xao lãng, mất tập trung đối với bài học trên lớp.

Vấn đề nào cũng có hai mặt, hai khía cạnh để nhìn nhận. Trình bày bảng đẹp là một điều rất đáng hoan nghênh và khuyến khích, giúp kích thích niềm vui dạy và học của cả thầy lẫn trò, nhưng xin thầy cô đừng quá mải mê chăm chút cho tấm bảng mà bỏ rơi việc giảng bài, truyền đạt kiến thức cho các em. Ngoài viên phấn và tấm bảng, giáo viên vẫn còn nhiều lựa chọn cho các dụng cụ giảng dạy khác, nhất là trong thời đại công nghệ đang luôn từng ngày phát triển như hiện nay. Các dụng cụ, hình thức dạy và học cần phải được luân phiên thay đổi để tránh nhàm chán, và tránh gây ra tác dụng ngược ngoài mong muốn do sử dụng quá đà.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)