Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên còn bị buộc làm sáng kiến kinh nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Cụ thể, ngày 13-8-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-8-2020. Nội dung dài, xin tóm tắt là xếp loại cán bộ, công chức, viên chức loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không còn tiêu chí về sáng kiến kinh nghiệm. Nghĩa là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chỉ cần làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, rồi đạt các tiêu chí về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống… là có thể được đánh giá mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đây là một bước cải tiến vô cùng lớn, bởi vì trước đây, dù có làm việc xuất sắc đến mấy mà chưa có tiêu chí “Có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” thì không bao giờ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” thì vẫn cần tiêu chí “Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”. Cái này người nào thích danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” thì làm sáng kiến kinh nghiệm.


Theo tác gi, hin nay vn có không ít hiu trưng không biết lý do gì vn yêu cu giáo viên phi có sáng kiến kinh nghim hàng năm, bng hình thc này hoc hình thc khác (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Vì sao cần bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm? Do quy định về tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm mà từ năm 2020 trở về trước, việc cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải có sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học… hàng năm đã trở thành một tiêu chí bắt buộc. Từ đây đã “đẻ” ra vấn nạn hình thức, gian dối tràn lan. Ai cũng phải “nặn” ra một đề tài, sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm… vào cuối năm. Thế là sinh ra tình trạng mua bán, xin xỏ, chạy chọt, nhờ vả để đạt tiêu chí. Nghị định số 90/2020 ra đời với cải cách như trên nhằm chấm dứt tình trạng giả dối đó.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít hiệu trưởng trường phổ thông, không biết lý do gì vẫn yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm, bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Họ tự đề ra quy định ai không có sáng kiến kinh nghiệm thì bị trừ điểm, hoặc ai có thì được cộng thêm điểm thi đua vào đợt bình bầu cuối năm. Trung ương đã bỏ nhưng hiệu trưởng vẫn ưa, nên giáo viên không muốn cũng phải làm, bởi vì không làm thì bị thiệt thòi trong đánh giá thi đua. Thế là tệ nạn đối phó, hình thức, giả dối vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Trong nhiệm vụ của giáo viên, không có nhiệm vụ nào có tên là làm sáng kiến kinh nghiệm, nhưng rốt cuộc họ vẫn phải è cổ làm. Trong nhiệm vụ giáo viên, cũng không có nhiệm vụ nào là thao giảng, dự giờ cả.

Sáng kiến là cái rất quý, quý bởi vì hiếm. Để nghĩ ra cái mới, có hiệu quả là vô cùng khó. Phải có cái mới, hiệu quả thì mới có sáng kiến được. Đại loại trong 100 giáo viên thì chỉ có vài người có thể có sáng kiến, và trong vài người đó cũng không thể năm nào cũng có, mà chỉ thỉnh thoảng. Cho nên sáng kiến là điều phải vô cùng khuyến khích, trân trọng, phải làm như kiểu thi hoa hậu, thi tài năng, chứ không phải làm ồ ạt kiểu phong trào 100% như rủ nhau đi tập thể dục. Tóm lại, cần phải bỏ ngay mọi hình thức ép buộc cán bộ, giáo viên làm cái gọi là sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.

Trn Quang Đi

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)