Vừa vào kỳ nghỉ hè, thậm chí trước khi tổng kết năm học, nhiều giáo viên đã đăng bài thông báo mở lớp dạy hè cho trẻ tiểu học và tiền tiểu học.
“Thông báo tuyển lớp hè.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và các bé, cô tuyển sinh lớp hè giúp các con không bị quên kiến thức và tự tin hơn khi bước vào năm học mới.
Phụ huynh có nhu cầu gửi con học vui lòng liên hệ với cô qua Facebook hoặc số điện thoại”.
Khi tìm từ khóa “lớp dạy hè tiểu học” trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hoặc TikTok, người dùng không khó để tìm đến những bài đăng tuyển sinh lớp hè do các giáo viên đăng tải. Phần lớn bài đăng đều thông báo mở lớp vào đầu tháng 6 – khi năm học vừa kết thúc. Một số giáo viên thậm chí tuyển sinh ngay trong tháng 5 nên trẻ vừa nghỉ hè đã phải “lao” đi học tiếp.
Đủ thể thoại lớp hè, công khai lộ trình học và học phí
Để thu hút phụ huynh, học sinh, các giáo viên khi đăng bài tuyển sinh sẽ nêu rõ trẻ sẽ được học những gì tại lớp hè, đồng thời thông báo số buổi học mỗi tuần và mức học phí.
Bài đăng tuyển học sinh lớp hè tại TP.HCM.
Ví dụ, một lớp dạy hè cho trẻ tiểu học ở quận Gò Vấp (TP.HCM) thông báo thời gian ghi danh là 1/6 và ngày học sẽ là 2/6. Lịch học từ thứ 2-6 hàng tuần và chia làm 3 ca, mỗi lớp được xếp lịch học riêng. Học phí mỗi tháng là 600.000 đồng, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi học kéo dài trong 1,5 giờ.
Với lớp tiền tiểu học, giáo viên này cam kết cho trẻ luyện chữ đúng chuẩn, bao gồm làm quen với các nét chữ từ cơ bản đến nâng cao, tập viết chữ cái, phụ âm kép, tập viết từ và câu… Ngoài ra, trẻ được dạy luyện đọc, phản xạ ghép vần, đọc trơn.
Trẻ các lớp 2-5 trong lớp hè này được ôn tập kiến thức đã học, lấy lại căn bản và chuẩn bị kiến thức cho năm học mới. Lớp hè này khẳng định việc học kiến thức cho năm học mới sẽ giúp trẻ không bị áp lực và bỡ ngỡ với chương trình giáo khoa mới. Để tăng độ uy tín, tài khoản đăng bài còn chia sẻ hình ảnh của các học sinh đang luyện chữ, làm toán, tập đọc…
Một giáo viên khác ở Hà Nội cũng đăng clip học sinh đang tập đọc lên TikTok để tuyển học sinh cho lớp hè. Giáo viên này nhận dạy trẻ tiền tiểu học và cả học sinh lớp 1 lên lớp 2, lớp 2 lên lớp 3, có lớp bán trú cả ngày cho những gia đình có nhu cầu gửi con.
Thời khóa biểu lớp bán trú dịp hè của một giáo viên đăng tải trên TikTok.
Trang TikTok của giáo viên này có hàng chục clip quay cận mặt học sinh lúc đang tập viết, tập đọc. Thậm chí, cô giáo không ngần ngại “khoe” những hình ảnh học sinh khóc mếu máo vì chưa học bài hoặc bị màu vẽ dính vào tai.
Một giáo viên khác đăng bài tuyển học sinh lớp bán trú dịp hè cũng chia sẻ hình ảnh học sinh tại lớp, đồng thời công khai thời khóa biểu học tập cho trẻ.
Cụ thể, cô bắt đầu đón học sinh từ 7h15 đến 7h30. 30 phút tiếp theo, trẻ được cho tập thể dục buổi sáng. Từ 8h đến 9h30, trẻ học môn Tiếng Việt, sau đó giải lao 15 phút rồi tiếp tục vào học môn Toán cho đến 11h. Đến 14h, sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, trẻ được cho 30 phút để vệ sinh và ăn chiều. Tiếp đó, trẻ được học các môn như Tiếng Anh, luyện chữ đẹp, kỹ năng sống. Ngày học của trẻ kết thúc vào 16h45.
Có cung, có cầu
Nói về việc giáo viên công khai mở lớp dạy hè, chị Thanh Thủy (phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 2) cho rằng giáo viên mở lớp cũng xuất phát từ nguyện vọng gửi con của nhiều phụ huynh.
Ví dụ gia đình chị Thủy, cứ vào dịp hè, vợ chồng chị lại lo sốt vó vì không biết gửi con cho ai. Cả chị và chồng đều là dân văn phòng, đi làm 8 giờ mỗi ngày, không có thời gian ở nhà để chăm sóc con nên phương án duy nhất là gửi con đi học ở những lớp bán trú do giáo viên mở.
Biết rõ việc gửi con đi học hè ngay khi mới tổng kết năm học sẽ khiến con buồn vì không được nghỉ ngơi, vui chơi như các bạn, nhưng chị Thủy vẫn đành phải làm như vậy vì không yên tâm để con ở nhà.
“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, nhiều khi còn đi công tác xa. Ông bà cũng ở xa không chăm cháu được nên tôi đành phải gửi con đi học hè. Nếu các lớp hè, lớp bán trú bị cấm hoạt động, vợ chồng tôi sẽ không biết xoay xở như thế nào”, chị Thủy tâm sự.
Nhiều địa phương cấm dạy thêm dịp hè nhưng giáo viên vẫn mở lớp vì phụ huynh có nhu cầu. Ảnh minh họa: Pexels.
Kỳ nghỉ hè năm 2023, một số địa phương trên cả nước cấm hoạt động dạy thêm trong dịp hè. Ví dụ, Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các trường không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, kể cả trong và ngoài trường, ngoại trừ học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Tương tự, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu trường học các cấp không tổ chức dạy hè từ ngày 1/6-31/8 cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Riêng học sinh lớp 9, 12, trường xây dựng kế hoạch học tập nhưng phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT TP cũng yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức; không tổ chức dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp cho năm học 2023-2024. TP.HCM cũng yêu cầu không tổ chức dạy văn hóa cho học sinh trong dịp hè.
Dù các địa phương đã có quy định về việc dạy thêm dịp hè, tình trạng giáo viên mở lớp vẫn rất khó kiểm soát. Cô T.N., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nói rằng năm nào cũng có lệnh cấm nhưng giáo viên vẫn mở lớp hè vì phụ huynh có nhu cầu gửi con, muốn con học trước kiến thức lớp mới để khi vào năm học không bị tụt lại.
Phụ huynh muốn gửi con để yên tâm đi làm, giáo viên lại muốn kiếm thêm thu nhập trong dịp hè. Có cung có cầu, việc dạy thêm vẫn diễn ra hàng năm và phát triển thêm nhiều hình thức như dạy kèm 1:1, dạy theo nhóm (do phụ huynh tự tổ chức và mời giáo viên), dạy theo lớp (giáo viên tự mở lớp).
Nói thêm về việc giáo viên công khai tuyển học sinh trên mạng xã hội, cô N. nói rằng hình thức này mới xuất hiện trong vài năm gần đây và thường được giáo viên trẻ áp dụng. Cách làm “truyền thống” hơn thường là truyền miệng.
Ví dụ, vào ngày tổng kết năm học, giáo viên sẽ thông báo với lớp là thầy/cô sắp mở lớp dạy thêm, các học sinh có nhu cầu có thể nói với phụ huynh để phụ huynh đăng ký với cô. Sau khi xây dựng được “thương hiệu”, các phụ huynh, học sinh sẽ tự truyền tai nhau rồi kéo đến đăng ký cho con học.
“Đứng trên cương vị là giáo viên thì tôi hiểu việc các giáo viên mở lớp hè cũng vì miếng cơm manh áo. Lương giáo viên không cao, 3 tháng hè rảnh rỗi nên họ muốn mở lớp dạy thêm cho những học sinh có nhu cầu, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc dạy thêm ngay từ đầu tháng 6 và cũng không ủng hộ việc dạy trước kiến thức cho trẻ. Học hè chỉ nên diễn ra trong khoảng 1-1,5 tháng để ôn lại kiến thức cho trẻ, cũng là cách giúp trẻ ‘nhớ lại cách cầm bút’ trước khi vào năm học mới”, cô T.N. nói.
Theo Thái An – Lan Anh/Zingnews
Bình luận (0)