Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Giáo viên cũng kiệt sức trên bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát mới nhất của Tổ chức Hỗ trợ giáo dục ở Anh chỉ ra, có đến 40% giáo viên mới gặp những trở ngại tâm lý khi họ bắt đầu làm việc với học sinh.

Giao vien cung kiet suc tren buc giang
Sức khỏe tâm thần của giáo viên nếu bị bỏ qua sẽ gây ra những hệ lụy đối với giáo dục

 Những giáo viên này cho biết, họ trải qua cảm giác lo lắng, mất ngủ, cảm xúc bất thường hơn nhiều đồng nghiệp khác vì họ chưa chuẩn bị sẵn sàng tinh thần hoặc công việc mới có những tình huống gây khó khăn cho họ. Những tình huống ấy có thể đến từ khối lượng công việc quá lớn, thái độ “thách thức” từ học sinh hoặc định kiến, đánh giá từ đồng nghiệp “ma cũ”.

Cô Anna (24 tuổi), một giáo viên người Anh tham gia khảo sát trên chia sẻ: “Trước kia, tôi hiếm khi gặp rắc rối tâm lý. Tôi từng rất tự tin, rất háo hức nghĩ mình sẽ là một giáo viên nhiệt huyết, không gì làm khó được mình”. Nhưng ngay từ những ngày đầu bước vào nghề, Anna đã vấp phải thái độ lạnh nhạt của đồng nghiệp đi trước. Cách đối xử này trong thời gian dài khiến cô dần kiệt sức, luôn có cảm giác mình bị đánh giá thấp, bị bắt nạt. Hậu quả là cô không thể kiểm soát được cảm xúc, lời nói khi đối diện với học sinh, tạo nên hình ảnh một giáo viên khó kiềm chế cảm xúc, thiếu kỹ năng.

Sau những giờ lên lớp, Anna thường trốn ở đâu đó khóc, tâm trạng vô cùng suy sụp. Anna phải tạm rời bỏ công việc cô từng rất yêu thích để tìm lại chính mình khi cô nhận ra bản thân đang mắc kẹt giữa việc làm sao đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công việc và cân bằng cảm xúc cá nhân. Anna đã tiếp nhận quá trình trị liệu tâm lý trong 18 tháng trước khi quay trở lại với bục giảng. 

Giáo sư Jonathan Glazzard từ Đại học Leeds Beckett nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của giáo viên và đã đưa ra kết luận: “Giáo viên suy sụp tinh thần có thể gây ra những ám ảnh, định kiến lệch lạc đối với học sinh”. Nghiên cứu của giáo sư Jonathan Glazzard đưa ra con số thống kê từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 có tổng cộng 8.668 trường hợp giáo viên phải gọi vào đường dây nóng yêu cầu được hỗ trợ. 

Giáo viên trẻ và cả những giáo viên có kinh nghiệm luôn phải đối diện với áp lực rất lớn từ sự kỳ vọng của đồng nghiệp và họ luôn phải gồng mình chứng tỏ mình ổn trong lớp học. Năm 2017, giáo viên tiếng Anh Robert Welsh dạy tại Trường nam sinh Al Khalidiyah thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã lập nên tổ chức “Teacher Socials” nhằm hỗ trợ giáo viên tiếp cận những nguồn nâng đỡ tâm lý khi cần thiết.

Robert Welsh có kết nối với nhiều giáo viên đến UAE dạy tiếng Anh và hầu hết họ đều gặp khó khăn trong việc thích ứng trong môi trường mới. Họ đều có những vướng mắc về sức khỏe tâm thần, cần nói ra và giải quyết. Khi chưa có kênh hỗ trợ, những giáo viên sẽ giải tỏa căng thẳng bằng cách tìm đến rượu bia và việc này ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như làm giảm mức độ tập trung cho công việc. 

Ban đầu, “Teacher Socials” ra đời với sứ mệnh hỗ trợ giáo viên tiếng Anh ở Anh đến UAE tìm được nguồn hỗ trợ các vấn đề tâm lý nhưng càng hoạt động, “Teacher Socials” càng thu hút nhiều giáo viên khác. Anh Robert Welsh chia sẻ: “Việc nhìn nhận đúng và có những hỗ trợ hợp lý cho các giáo viên giúp sức khỏe tâm thần của họ cải thiện, từ đó chất lượng giảng dạy mới tốt hơn, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là kết quả đào tạo”. 

Thiên Như (theo Independent, national.ae)/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)