Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tổ hợp môn KHTN

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một buổi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh phải giải quyết 3 môn thi thuộc tổ hợp KHTN. Điều này khiến nhiều thí sinh gặp áp lực, lo lắng dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Các giáo viên bộ môn tại Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệm trước ngày thi, giúp thí sinh bình tĩnh để làm bài tốt nhất có thể.


Để đạt kết quả tốt, các giáo viên tại Đà Nẵng cho rằng thí sinh cần bình tĩnh, giải quyết bài thi từ câu hỏi dễ đến khó

* Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Tổ trưởng bộ môn hóa học Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng): Giải đề thi từ dễ đến khó

Cô Nhung chia sẻ, thông thường cấu trúc đề thi môn hóa học có gần 75% câu hỏi liên quan đến lý thuyết, vì vậy trước ngày thi thí sinh cần kiểm tra lại lượng kiến thức các chuyên đề về lý thuyết trọng tâm và nâng cao. 

Để không làm mất điểm đáng tiếc ở những câu hỏi dễ, thí sinh cần rà soát lại để nắm vững lượng kiến thức cơ bản như: khái niệm, phân loại, tính chất, ứng dụng thực tế các chất. Các khái niệm, công thức, phương trình hóa học cần được nắm chính xác. Các dạng bài thoán đơn giản bài toán 1 dữ kiện, 2 dữ kiện, hỗn hợp, xác định công thức (hay tên nguyên tố), hiệu suất cần nắm kiến thức để làm thành thạo. Nắm chắc được lượng kiến thức căn bản này thì thời gian thí sinh giải quyết 32 câu đầu của đề thi sẽ tiết kiệm được thời gian làm bài thi.

Cô Nhung cho rằng, thông thường đề thường sẽ sắp xếp theo độ khó tăng dần. Thí sinh nên làm trước các bài tập lý thuyết tổng hợp; nếu câu hỏi nào còn phân vân, chưa chắc chắn đáp án thì nên để lại xem xét giải sau cùng. Đối với bài tập thực hành, thí sinh nên làm từ câu dễ đến khó. Thường câu phân loại nằm ở các bài toán về este và bài toán về kim loại, phi kim hay hợp chất tác dụng với dung dịch axit. Đối với các dạng bài này, thí sinh tóm tắt đề rõ ràng theo sơ đồ và vận dụng các định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, bao toàn số mol, pi…  Đặc biệt, thí sinh không nên chủ quan. Cần giải quyết câu hỏi đề thi một cách nhanh, chính xác nhưng không nên vội vàng.

* Thầy Phan Tiến Dậu – giáo viên môn vật lý Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng):  Cẩn trọng không để mất điểm ở câu hỏi dễ

Thầy Phan Tiến Dậu cho rằng, theo cấu trúc đề thi minh họa năm 2024 tương tự đề thi năm 2023. Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 70%, câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 30% còn lại. Để đạt được 7 điểm môn vật lý, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK. Với mục tiêu cao hơn, cần có sự đầu tư ôn tập, chiến lược giải quyết các câu hỏi trong đề thi.

Thầy Phan Tiến Dậu cho rằng, các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao thể hiện trong đề minh họa ở chương trình vật lý 12 bao gồm các phần: dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, điện xoay chiều và sóng ánh sáng. Cụ thể, dao động cơ có 1 câu con lắc lò xo và kết hợp đồ thị; sóng cơ và sóng âm có 1 câu giao thoa sóng cơ; điện xoay chiều có 1 câu về đồ thị điện áp theo thời gian của mạc có điện dung C thay đổi; sóng ánh sáng có 1 câu về giao thoa bức xạ đơn sắc. Với thời gian còn lại rất ngắn, vì vậy thí sinh nên tập trung vào dạng bài mình hay làm sai và còn yếu. Lưu ý, hệ thống lại để nắm vững kiến thức căn bản nhằm tránh mất điểm của câu hỏi dễ.

Để có thế ghi nhớ sâu những kiến thức trọng tâm, thí sinh có thể lập bảng so sánh, tìm ra những nội dung tương tự để hiểu bản chất của vấn đề. Cùng với luyện đề thì thí sinh nên tổng ôn để rà soát lại kiến thức.

Bên cạnh đó, thí sinh cần tập làm quen với tâm lý làm bài thi bằng cách tự làm bài thì thử. Thời gian làm bài nên cài thời gian ít hơn khoảng 5 phút so với thời gian làm bài thi thật (60 phút) để rèn luyện chiến thuật làm bài.

* Cô Lê Thị Nga – Tổ trưởng bộ môn sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng): Đọc kỹ yêu cầu câu hỏi để chọn đáp án chính xác

Là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp môn KHTN nên ít nhiều thí sinh sẽ gặp khó khăn vì áp lực làm bài thi từ hai môn thi trước đó. Cô Nga đưa ra lời khuyên, thí sinh cần giữ được sự bình tĩnh để có sự tự tin nhất định. Nhận đề thi, thí sinh nên đọc qua đề một lượt, đọc kỹ lại yêu cầu của câu hỏi để chọn đáp án chính xác nhất. Đối với câu hỏi dễ, trong khả năng, thí sinh nên tô đáp án vào phiếu trả lời để tiết kiệm thời gian và tránh quên tô đáp án hoặc không tô kịp vào cuối giờ.

Với thí sinh thi môn sinh lấy kết quả xét tốt nghiệp thì nên chú ý làm chắc 25 đến 30 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Các thí sinh lấy kết quả xét tuyển ĐH thì nên chú ý tập trung cho 10 câu hỏi mang tính vận dụng và vận dụng cao trong đề thi. Phần kiến thức vận dụng thực tiễn như ở phần sinh thái học, cần phân tích kỹ (thường là các bảng biểu) để tránh nhầm lẫn.

Với các câu hỏi về một quá trình sinh học như: đột biến, tạo giao tử, quá trình tổng hợp protein, hình thành đặc điểm thích nghi, hình thành loài mới… để có câu trả lời chính xác, thí sinh vẽ sơ đồ theo đúng trình tự các kiến thức bài học rồi đối chiếu với các câu trả lời mà đề đưa ra, từ đó chọn phương án trả lời đúng nhất. Đối với những câu hỏi vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề hay giải một bài tập gồm nhiều bước (ví dụ chương về cơ sở vật chất di truyền, công thức…) cũng áp dụng cách làm tương tự như trên. Dùng kết quả tính toán được để so sánh với các câu trả lời để tìm ra đáp án.

Với bài tập quy luật di truyền liên quan đến giới tính, những loài có dấu hiệu đặc biệt (hoán vị chỉ xảy ra ở một  bên đực hoặc cái…) cần chú thích rõ ngay đầu câu hỏi tránh làm lạc hướng.

Thiên Phúc

 

Bình luận (0)