Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên dài cổ chờ lương

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng mỗi tháng chỉ nhận được khoảng 1 triệu đồng, giáo viên mầm non ở Quảng Trị gian nan trụ lại với nghề đã gần nửa năm nay

Sau khi 99 trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có quyết định chuyển đổi sang loại hình công lập từ năm 2011, đa phần phụ huynh, đặc biệt là hộ nghèo rất phấn khởi bởi sẽ được miễn, giảm một phần học phí. Tuy nhiên, 4 tháng trở lại đây, giáo viên vẫn chưa được nhận số tiền lương theo chế độ công lập.
Trước tình hình này, một số trường ở huyện Cam Lộ buộc phải quay ngược lại vận động phụ huynh đóng học phí như lúc đang ở bán công để giải quyết một phần lương cho giáo viên đón Tết…
Giáo viên sống cầm hơi
Những ngày cận Tết, trong khi khắp nơi háo hức với câu chuyện thưởng Tết thì ở nhiều trường trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nhiều giáo viên mầm non vẫn đang sống cầm hơi bằng một nửa số lương hợp đồng để lên lớp hơn 4 tháng qua. Với họ, niềm mong mỏi được nhận đủ số lương còn lại để có chút ít sắm sửa cho con cái ngày Tết có lẽ là câu chuyện đáng quan tâm hơn chuyện thưởng Tết.
Cô Lê Thị Hồng Dương, có thâm niên dạy 10 năm ở điểm trường Trung tâm Hoa Phượng than thở: “Nếu tính tất tật mỗi tháng em có khoảng 2,3 triệu tiền lương nhưng đã 4 tháng nay rồi mỗi tháng chỉ nhận được 1,1 triệu đồng. Đời sống hàng ngày với giá cả hiện tại đã là hết sức khó khăn nói chi tết nhất đến nơi rồi. Giờ chỉ mong sao nhận được số lương còn thiếu để trang trải cuộc sống”.
Không chỉ riêng cô Dương, có nhiều hoàn cảnh còn bi đát hơn. Cô Hoàng Thị Lan, một giáo viên lâu năm ở điểm trường thôn Ba Thung (xã Cam Tuyền) lại có chồng bị bệnh, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học trông chờ cả vào đồng lương của cô. Gánh nặng gia đình dồn lên vai cô dường như quá sức hơn bởi cô chỉ tốt nghiệp bậc sơ cấp mầm non mà bây giờ lại không được nhận đủ lương.
Tâm sự với chúng tôi, cô Lê Thị Mỹ Châu, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (điểm trường trung tâm của xã Cam Tuyền) xót xa: “Mấy tháng nay thiếu lương, giáo viên chỉ nhận được 55% số lương bình thường. Cuộc sống của nhiều giáo viên hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi đã động viên nhau lên lớp. Nhưng thời điểm này là cận Tết rồi, chỉ mong có đủ tiền lương cho giáo viên đã là điều khó. Chuyện thưởng Tết nghe xa vời quá. Cũng không biết đến khi nào mới được nhận số lương còn lại”.
Quay lại thời… bán công
Trước tình hình đó, để giải quyết khó khăn, ngành giáo dục huyện Cam Lộ đã họp bàn xin ý kiến của Phòng Nội vụ và Tài chính để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho giáo viên. Sau thống nhất của chính quyền địa phương, các trường tiến hành vận động phụ huynh đóng tiền để trả lương cho giáo viên. Tuy nhiên điều này đã gặp không ít phản ứng của phía phụ huynh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do phụ huynh phản ứng là từ lúc còn mô hình bán công thì mức học phí được quy định mỗi học sinh thuộc hộ nghèo thu 100 ngàn đồng/ tháng; cận nghèo 115 ngàn đồng/ tháng; hộ bình thường thu 130 ngàn đồng/ tháng. Sau khi chuyển sang công lập (đầu năm 2011 đến nay), hộ nghèo được miễn học phí. Vì vậy, bây giờ nếu vận động phụ huynh đóng tiền học phí để trả lương cho giáo viên từ đầu năm đến nay thì những hộ thuộc diện nghèo phải gánh nặng nhất, vì từ đầu năm đến nay họ chưa đóng đồng nào. Cùng một lúc phải bỏ ra gần cả triệu đồng để đóng học phí cho con lúc áp Tết quả là điều không dễ.
Cô Lê Thị Mỹ Châu, xác nhận: “Sau hơn 4 tháng thực hiện chuyển đổi từ mô hình bán công sang công lập, giáo viên theo hợp đồng 161 (dài hạn) chỉ nhận được 55% lương nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này cho giáo viên, được sự đồng ý của chính quyền xã, nhà trường đã họp phụ huynh vận động phụ huynh đóng góp học phí để trả lương cho giáo viên. Điều này cũng phù hợp với sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện”.
Theo cô Châu, kết quả cuộc họp có phần lớn phụ huynh, đặc biệt là hộ nghèo không đồng ý. Trường Mầm non Hoa Phượng có 5 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường ở Bản Chùa, các em được miễn học phí do thuộc diện vùng sâu, dân tộc thiểu số. Bốn điểm trường còn lại có 235 cháu, nhưng đến nay mới chỉ có 15 cháu được phụ huynh đóng theo yêu cầu này.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lộ nói: “Để giải quyết tình hình đời sống khó khăn cho giáo viên, trong khi chờ Nhà nước cấp số tiền lương còn lại, chúng tôi đã họp cùng Phòng Nội vụ và Phòng Tài chính thống nhất quyết định trước mắt tạm thu tiền của phụ huynh để chia sẻ khó khăn cho giáo viên mầm non trên toàn huyện. Sau khi số tiền lương từ đầu năm 2011 đến nay được cấp, nhà trường tùy theo đó sẽ trả lại số tiền do giáo viên đóng góp này. Hiện chúng tôi cũng đã làm tờ trình gửi Sở GD-ĐT về việc thiếu lương của giáo viên”. Thế nhưng, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị nói, sở chưa nghe về việc này, sở sẽ kiểm tra, xác minh thông tin và có hướng giải quyết.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)