Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên đánh giá đề ngữ văn phân hóa cao

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giáo viên đánh giá đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023 có tính phân hóa cao, đảm bảo 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và sử dụng điểm thi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.


Thí sinh phấn khởi sau giờ thi môn ngữ văn

Thầy Nguyễn Văn Đúng – Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đánh giá, đề thi năm nay không quá bất ngờ song có tính phân hóa. Đề thi có tính phân hóa song thí sinh cũng không khó để lấy điểm trung bình. “Phổ điểm năm nay sẽ từ 6,5 đến 7,5” – thầy Đúng nhận định.

Cụ thể, giáo viên này cho hay, với phần đọc hiểu, tính phân hóa nằm ở câu 2 và câu 4. Phần làm văn có tính phân hóa ở vế 2.

“Câu 4 ở phần đọc hiểu là câu hỏi mở, do đó khó cho đáp án khách quan, chính xác. Giá như đừng hỏi bài học mà hỏi ý nghĩa đoạn trích thì tốt hơn. Hoặc nhận xét thái độ, tình cảm; Câu 2 phần làm văn với ngữ liệu trích phù hợp, đủ vừa. Nhưng yêu cầu của luận đề còn chung chung, chưa thực sự rõ ràng. Vế 2 có tính phân hóa, mới mẻ nhưng không quá xa lạ. Học sinh trung bình đạt 0,25 điểm; khá đạt 0,5 điểm; giỏi thì đạt 0,75 điểm. Nhìn chung đề thi có tính phân hóa, nhẹ nhàng, dễ thở với tất cả trình độ và mục đích của học sinh. Câu nghị luận xã hội có tính mới, không quanh quẩn với những điều hướng tới cộng đồng, dân tộc như lòng yêu thương, sức mạnh của đoàn kết; vấn đề đóng góp… mà hướng tới cá nhân, bản thân và cũng gần gũi, dễ viết” – thầy Nguyễn Văn Đúng phân tích.

Với mức độ đề thi, giáo viên này đánh giá đề thi đáp ứng 2 mục tiêu của kỳ thi là vừa đảm bảo xét tốt nghiệp THPT và sử dụng điểm thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1), nhận xét, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm nay không khác so với các năm trước về cấu trúc. Cách hỏi cũng không có câu hỏi dạng lạ mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước. Đề cũng vừa phải, không dài, gói gọn trên một mặt giấy.

Giáo viên này phân tích cụ thể:

Câu 1: Yêu cầu thí sinh xác định thể thơ của văn bản có thể coi là câu hỏi chống "liệt" dành cho thí sinh.

Câu 2: Yêu cầu thí sinh nhặt ra các hình ảnh, từ ngữ miêu tả cơn giông của mùa hè trong 3 câu thơ. Dạng câu này, Bộ GD-ĐT cũng ra nhiều lần trong các mùa thi trước. Thí sinh có thể làm câu này một cách nhanh chóng mà không cần tốn quá nhiều thời gian suy nghĩ.

Câu 3: Yêu cầu thí sinh nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ cũng là "một câu hỏi cũ tới mức nhàm chán" thường có trong những đề đọc hiểu của Bộ GD-ĐT hơn chục năm nay. Câu hỏi dễ tới mức đã xác định sẵn cả biện pháp tu từ cho thí sinh. Thí sinh không cần nhận diện biện pháp nên sẽ tránh được những nhầm lẫn hoặc sai sót. Tuy nhiên, những học sinh học khá tốt sẽ không làm hài lòng vì câu hỏi này mớm sẵn đáp án nên không có tính phân loại. Bộ GD-ĐT nên để thí sinh tự nhận diện biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4: Yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình" là một câu hỏi khá mở. Dạng câu hỏi như thế này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh. Tuy nhiên, thầy Đức Anh lo ngại, đề thì mở nhưng đáp án chưa chắc mở, khiến giám khảo khó chấm điểm và thí sinh vẫn phải viết trong một khuôn khổ nhất định mới có điểm trọn vẹn.

Câu nghị luận văn học ra đoạn cuối trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm này đã ra đề năm 2016. Đề không yêu cầu phân tích đối tượng cụ thể (nhân vật hay chi tiết) mà yêu câu phân tích một đoạn văn. 

Như vậy, học sinh viết về cả 3 nhân vật: Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt trong đoạn trích. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, học sinh thường làm quen hơn với kiểu đề phân tích một đối tượng trong một đoạn văn. 

Câu hỏi này sẽ làm khó học sinh trung bình và có tính phân loại thí sinh. Nếu học sinh không hiểu bài thì chỉ có thể "láp nháp" được vài dòng. Thí sinh phải hiểu sâu tác phẩm và có kỹ năng khai thác, phân tích đoạn trích mới có thể làm tốt câu này tốt.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)