Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên đạt giải võ trường toản năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thương học trò nghèo, cô Kim Liên luôn gần gũi chia sẻ và động viên các em cố gắng học tốt

Nửa đời gắn bó với học trò nghèoHình ảnh những học trò tóc cháy nắng, da đen sạm, mặt mũi nhem nhuốc… đã quá thân thuộc với cô Trần Thị Kim Liên, Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Phong Phú (huyện Bình Chánh) mấy chục năm nay.
Thương học trò nghèo nhưng ham học hỏi, cô Kim Liên đã cố gắng không ngừng trong việc nghiên cứu phương pháp dạy học cũng như tìm mọi cách để giúp các em đỡ gánh lo âu khi đến trường.
Sẻ chia và yêu thương
Chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km nhưng nhìn ngôi trường Phong Phú chẳng khác gì trường làng ở nông thôn bởi nó nằm gọn trong một vùng trũng của xã Phong Phú – phía sau là đồng ruộng mênh mông. Khi tôi đến Trường THCS Phong Phú – vào một buổi sáng – thời điểm này triều cường đang dâng cao, cả sân trường chìm trong biển nước. Học trò đến trường cố lội qua sân trường nước ngập đến đầu gối để vào lớp nhưng do bàn ghế bị ướt hết nên phải ra về. Trong tâm trạng lo lắng, cô Kim Liên chia sẻ: “Mấy chục năm dạy học ở đây, tôi biết học trò nghèo lắm, giáo viên dạy không hay coi chừng các em chán mà nghỉ học nên tất cả đều phải cố gắng soạn bài thật kỹ để có tiết dạy hay. Điều tôi lo lắng là mấy ngày nay triều cường lên cao, nhà trường buộc phải đóng cửa, giáo viên không ôn thi cho học trò được, bị điểm kém chúng lại chán muốn bỏ học làm chúng tôi trăn trở nhiều lắm”.
Gắn bó với học trò nên cô Kim Liên hiểu các em dù nghèo nhưng sống có tình cảm và có chí hướng, vì thế không được ôn bài kỹ, bị điểm thấp các em sẽ buồn. Ngoài ra, do là giáo viên dạy văn nên cô Kim Liên rất nhạy cảm với những thay đổi bất thường của học trò. Vì thế khi bước vào lớp, bằng con mắt tinh tế của mình, cô như thấy được tâm trạng của từng đứa học trò ra sao. Cuối tiết dạy, cô đều tìm đến những em đang có tâm trạng để chia sẻ như một người bạn. Cô Kim Liên kể, có học trò bây giờ đã lập gia đình, con cái khôn lớn nhưng hễ nhà có việc là lại chạy đến tìm cô để được chia sẻ như người thân thiết trong gia đình.
“Bình Chánh là một huyện nghèo của TP.HCM, dân chủ yếu là nhập cư sống đủ mọi nghề, từ làm ruộng đến buôn bán. Đời sống khó khăn nên mức độ quan tâm của phụ huynh tới việc học hành của con em có hạn, thậm chí có em còn một tháng là tốt nghiệp THCS nhưng cha mẹ vẫn muốn cho nghỉ học bởi đi làm thêm sẽ có được nhiều tiền hơn…”, cô Kim Liên tâm sự.
Giáo dục đạo đức bằng lời văn
Nhiều năm qua, cô Trần Thị Kim Liên là tấm gương tiêu biểu cấp huyện trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và liên tục đạt danh hiệu Phụ nữ 2 giỏi.
Đối với cô Kim Liên, để dạy học sinh nên người không chỉ bằng sự sẻ chia mà còn phải biết yêu thương, càng thương yêu các em bao nhiêu thì cô càng cố gắng nghiên cứu tìm tòi để có những tiết dạy văn mà ở đó các em sẽ “nuốt” từng lời để ghi nhớ bài học.
Một trong những vấn đề trăn trở lớn nhất của cô là học sinh trong trường vận dụng kiến thức đã học vào thực tế còn yếu, trong lớp có 35-40 em thì chỉ có chừng 10 em là viết tốt. Vì thế, ngoài việc giảng bài, cô còn chủ động phân bố thời gian để rèn cho học sinh cách viết từng câu, từng đoạn, từng bài văn theo chủ đề muốn viết. Và đặc biệt, cô luôn cố gắng khơi gợi niềm đam mê văn học của học sinh qua các bài giảng để các em yêu thích môn này hơn.
Theo cô, mục đích cuối cùng của môn văn không chỉ là rèn cho học sinh biết cảm thụ văn học, biết viết chữ viết câu mà còn là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Do đó, sau mỗi bài giảng của mình cô đều liên hệ với thực tiễn để định hướng cách sống cho từng học sinh. Chẳng hạn, khi dạy tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân hay Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, cô đều cho học sinh thấy được điểm chung là “nhiều người đã gạt bỏ cái riêng tư đi xây dựng đất nước”, từ đó giáo dục các em phải cố gắng học tập để xây dựng đất nước. Hay khi giảng những bài văn cổ xưa như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… cô đều nêu rõ cho các em thấy được sự hy sinh bằng xương, bằng máu của cha ông ta để bảo vệ đất nước thì bây giờ các em phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó.
Sống với nghề giáo đã hơn 30 năm, thời gian còn lại đối với nghề không nhiều nhưng cô vẫn đang cố gắng từng giờ, từng ngày để có những sáng kiến kinh nghiệm hay, giúp học trò dễ dàng tiếp nhận kiến thức.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM năm 1980, cô Kim Liên về Đồng Nai dạy học theo sự phân công của nhà trường. 5 năm sau cô chuyển về huyện Bình Chánh (TP.HCM) và lần lượt gắn bó với Trường THCS Bình Hưng rồi THCS Phong Phú. Thời điểm mới tốt nghiệp, nhiều bạn học của cô đã chọn ngã rẽ mới hoặc cùng lắm cũng chỉ dạy được 5-7 năm rồi nghỉ, bởi đời sống giáo viên lúc bấy giờ khổ cực vô cùng. Cô Kim Liên còn nhớ, đến ngày nhận lương chỉ có vài chục ngàn đồng mà vẫn không được phát, giáo viên nhận khoai thay cho gạo là chủ yếu. Khó khăn là vậy nhưng cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng công việc “gõ đầu trẻ” – bởi với cô – nghề giáo là một nghề vẫn luôn cao quý, cao quý nhất trong các nghề khác…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)