Giảng viên Võ Đắc Thịnh hướng dẫn sinh viên thực hành
|
Gần 10 năm đi dạy, điều mà giảng viên trẻ Võ Đắc Thịnh – Phó khoa Động lực, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng – vẫn thường dặn dò sinh viên mỗi giờ lên lớp, cũng như chính mình: “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.
Tưởng đâu sinh viên sẽ… quên nhưng hóa ra, có những em sau khi ra trường đã trở lại để tri ân công ơn năm xưa của thầy với lời dặn dò ý nghĩa!
“Thầy còn nhớ em không?”
Câu hỏi có phần ngập ngừng lẫn nét mặt rụt rè nhưng rất đỗi chân thành từ phía một cựu sinh viên vang lên đâu đó giữa sân trường rợp nắng làm… giật mình thầy giáo Thịnh nhưng cũng đã khiến Ngày Nhà giáo năm ấy của giảng viên trẻ này bỗng trở nên đặc biệt hơn bao giờ. Ngạc nhiên thì ít mà xúc động đến vô ngần, bởi với anh, không có niềm hạnh phúc nào bằng việc được sinh viên nhớ tới, gọi tên hay cúi đầu chào khi gặp mặt. Đó chỉ đơn giản là những lần hội ngộ bất ngờ tại… siêu thị, vào dịp Ngày 20-11 hay những đợt dẫn tân sinh viên đi thực tập… nhưng anh xem niềm hạnh phúc ấy không phải dễ dàng có được.
Anh Võ Đắc Thịnh là một trong 30 giáo viên TP.HCM được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, một giải thưởng truyền thống nhằm tôn vinh những nhà giáo có thành tích nổi bật trong giảng dạy và tận tụy với sự nghiệp trồng người. Còn bấy lâu nay, lớp lớp thế hệ sinh viên lại quen “phong” cho anh chức danh “ông chủ” bởi anh hơi bị nghiêm khắc trong những giờ lên lớp. Anh Thịnh kể, mỗi dịp đầu năm thường là mùa… khàn tiếng của những giảng viên như anh do phải “ra sức” hướng dẫn, uốn nắn tân sinh viên. Một phần vì các em chưa quen, chưa thích nghi kịp với môi trường học tập mới; một phần còn bởi phải giảng dạy các tiết thực hành trong điều kiện tiếng máy ồn ào… Thế nhưng anh lại cười: “Ngày mai sẽ hết ngay thôi!”. Có lẽ điều đó đã trở thành một phần không thể… thiếu của công việc. Với anh Thịnh, nghề giáo, bên cạnh trình độ chuyên môn vững vàng rất cần có lòng yêu nghề. Anh đến với nghề giáo và yêu cái công việc này cũng chỉ đơn giản từ những buổi thực tập đứng lớp thời còn khoác áo sinh viên, mặc dù trước đó anh chỉ đam mê duy nhất ngành ô tô. Sự lựa chọn trong phút giây nào đó có lẽ lại là hướng đi của cả một đời. Cho đến tận bây giờ, ngay cả những lúc bị áp lực của công việc, anh vẫn chưa hề nghĩ mình sẽ thôi nghề giáo. Và sinh viên chính là động lực để anh phấn đấu hoàn thiện bản thân, nỗ lực tìm tòi nhiều phương pháp truyền thụ kiến thức. Những sáng kiến kinh nghiệm phục vụ hoạt động giảng dạy của anh như: “Sử dụng máy ảnh kỹ thuật số và ti vi trong giảng dạy Luật Giao thông đường bộ nước ta”, “Sử dụng hiệu quả phim trong và máy chiếu qua đầu trong giảng dạy lý thuyết chuyên môn”… đã được đánh giá cao và góp phần khắc phục tình trạng thiếu phương tiện giảng dạy tại trường trong những năm 2005, 2006… Thầy giáo Thịnh còn là đảng viên trẻ nhất được kết nạp tại chính ngôi trường anh đang dạy.
Ngày mai sẽ hơn hôm nay…
Sinh viên của anh còn có những em hay đến lớp trễ và thường… ngủ gục trong giờ học. Anh nghiêm khắc là vậy nhưng lại dành sự quan tâm đặc biệt cho những sinh viên này. Bởi anh biết, trong số đó có những em để được đến lớp đã phải tất tả làm thêm đến 1-2 giờ sáng. Vì thế mà, những phút anh nghỉ giải lao giữa buổi dạy đã trở thành giờ phụ đạo thêm kiến thức để các em theo kịp bè bạn. Anh thương sinh viên nghèo, phải tự bươn chải kiếm tiền lo cho học tập. Bởi đâu đó trong các em như có bóng dáng của anh ngày xưa…
Thuở còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, suốt hơn bốn năm ròng rã anh đạp xe 20 cây số mỗi ngày từ Bình Dương đến trường, bất kể trời mưa hay nắng. Hồi ấy, hàng xóm láng giềng ai cũng quen thuộc với hình ảnh người mẹ tảo tần làm nghề đan lát nuôi bốn người con trai ăn học. Cha qua đời khi cậu bé Thịnh mới chỉ tròn 9 tuổi, hình ảnh về ông chỉ còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ nhọc nhằn và qua di ảnh trắng đen nhạt màu cũ kỹ. Mẹ trở thành “cha” làm trụ cột gia đình sau những tháng ngày buồn đau, để rồi khó khăn ngày qua ngày cứ như chồng chất thêm. Sau những đêm mẹ thức trắng để đan lát rồi nặn từng con heo đất, sau những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gương mặt gầy guộc mà Thịnh vô tình thấy đã khiến chàng sinh viên nghèo hiểu rằng việc mình nỗ lực học tập là không chỉ cho riêng bản thân mà còn để đáp đền công ơn của mẹ. Cùng với anh trai, anh Thịnh đã làm biết bao công việc từ giữ xe đến phụ nấu ăn cho đám tiệc, rồi thức đêm nặn heo đất để bán với giá mỗi con chỉ vài trăm đồng… Bao nhiêu nhọc nhằn cứ thế đã theo chân anh cho đến ngày rời giảng đường ĐH.
Cuộc sống đã đổi thay hơn hôm qua, giờ đây, bốn anh em Thịnh đã thực hiện được nguyện ước của mẹ, riêng anh cũng đã có niềm hạnh phúc mới với “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Cùng với trọng trách phó khoa, hiện việc học sau ĐH cũng khiến cho anh tất bật hơn nhưng anh luôn nhủ lòng cố gắng hết sức. Bởi anh tin rằng, một khi đã nỗ lực không ngừng thì chắc chắn ngày mai sẽ hơn hôm nay!
Bài, ảnh: Mê Tâm
Không chỉ đoạt giải nhì tại hội thi “Giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp” TP năm 2006, thầy giáo Thịnh còn được UBND TP.HCM tặng bằng khen với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai năm 2006-2007, góp phần tích cực trong phong trào thi đua TP; bằng khen của TW Đoàn vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào HSSV trung học chuyên nghiệp năm 2005; giấy khen của Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007-2009; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm từ 2003 đến 2010; cấp TP năm 2008… |
Bình luận (0)