Cô Nguyễn Thị Nguyên cùng học viên của trung tâm
|
Dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn phải dạy người. Đối với bộ môn ngữ văn, sứ mạng đó còn cao cả hơn nhiều. Đó là quan niệm của cô Nguyễn Thị Nguyên – giáo viên (GV) Trung tâm GDTX Chu Văn An – 30 năm qua cô đã cần mẫn thắp lên từng đốm lửa văn chương soi sáng tâm hồn mỗi học viên (HV) với một ước nguyện: “Để các em khôn lớn trưởng thành”.
Có người đến với văn chương vì duyên nợ, có người chỉ tình cờ đi qua như một lữ khách bộ hành. Nhưng với cô Nguyên thì lại khác, cô đến với văn chương bằng năng khiếu từ chính bản thân mình.
Mê văn từ bé
Ngay từ thời học phổ thông, giống như người chị ruột, cô bé Nguyên đã “thiên vị” môn văn bằng việc dành thời gian đọc tác phẩm, soạn những bài giảng văn trước giờ đến lớp. Nhưng lực hút hấp dẫn nhất đối với cô bé Trường Cấp 3 Hương Khê (Hà Tĩnh) lúc ấy là những tiết học văn trên lớp. Mở SGK ra, lắng nghe lời giảng của thầy, cô bé như bước vào thế giới khác của những câu chuyện cổ tích, bài ca dao, vần thơ yêu nước cháy bỏng của những chí sĩ cách mạng. Hình ảnh ấn tượng nhất còn đọng mãi trong ký ức của thầy giáo dạy văn Lê Hữu Dân là một cô bé ngồi dưới lớp lắng nghe GV giảng bài với đôi mắt tròn xoe như cố nuốt lấy từng lời. Niềm đam mê văn chương của một học sinh giỏi văn như cánh diều căng gió đã nâng bước cô bé Nguyên đến với Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội 2, năm 1976.
Ra trường, cô giáo Nguyên vào Sài Gòn dạy tại Trường Phổ thông Lao Động (nay là Trung tâm GDTX Chu Văn An). Giai đoạn này miền Nam mới được giải phóng nên HV trong trường đa số là cán bộ kháng chiến và bộ đội xuất ngũ. Đi ra từ khói lửa cuộc chiến tranh nên hầu hết họ là con người của thời đại, là nhân chứng của lịch sử. Tuy rơi rớt về chữ nghĩa nhưng lòng yêu nước và sự xả thân thì ai cũng có thừa. Từ trên bục giảng những lời dạy của cô giáo Nguyên như luồng gió mát thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu văn học đến tận từng ô cửa của tâm hồn. Kiến thức trong sách vở và những trải nghiệm từ cuộc sống đã làm nên một sự cộng hưởng lớn lao trong nhận thức HV…
Trong số đông HV yêu thích bộ môn văn, một số em có lực học còn yếu, kiến thức nhiều lỗ hổng nên tìm cách quay lưng với môn học. Đối với một GV dạy văn, khi chấm một bài viết nghèo ý tưởng thì rất buồn, nghe một HV “ăn không nên đọi nói không nên lời” cũng tự thấy mình như có lỗi. Đó chính là một thách thức mà đội ngũ thầy cô dạy bổ túc văn hóa phải tìm ra hướng giải quyết, mà theo cô Nguyên là phải dày công đầu tư.
Để có những tiết dạy hay, ngoài việc sưu tầm tư liệu, GV còn phải tìm ra lối đi thuận lợi nhất để truyền tải tri thức. Theo cô Nguyên, điều tối kỵ nhất của GV dạy văn là không thuộc thơ, nhớ tác phẩm. Nghe giọng đọc hùng hồn của cô giáo trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu, nhiều HV ngạc nhiên hỏi: “Sao cô thuộc được nhiều như thế”. Cô Nguyên cười, trả lời: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Tình yêu văn chương
Trong suy nghĩ của cô Nguyên, cuộc đời sẽ chỉ là một sa mạc khô cằn nếu thiếu đi mạch ngầm của dòng chảy văn chương. Vì thế trong từng trang giáo án của cô không có nhiều số liệu khô khan, những hình ảnh vô hồn mà ở đó đầy ắp niềm cảm xúc vui buồn trước những số phận, những cuộc đời của nhân vật. Mỗi lời giảng trên lớp của cô là một bài học sâu sắc về đạo làm người chân chính. Là người biết chọn lọc phương pháp, cô không bao giờ thực hiện tiết dạy giáo án điện tử để cổ xúy phong trào, chạy theo hình thức. Bởi vì, theo cô, văn học phải đánh động con người bằng sự lắng đọng của cảm xúc chứ không phải bằng tập hồ sơ tư liệu. Do đó đừng để những góc nhìn trực quan chật hẹp che lấp toàn bộ trí tưởng tượng bay bổng trong thế giới nội tâm con người.
30 năm theo nghiệp dĩ cũng bấy nhiêu năm cô làm công tác chủ nhiệm, không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã trưởng thành từ đôi tay vun xới của người gieo hạt cần mẫn. Có em là trò giỏi nhưng có em chưa được chăm ngoan vì theo cô “mỗi học viên là một cá thể” và đó là “sự tổng hòa của mọi mối quan hệ xã hội”… Trong 10 năm giữ vai trò tổ trưởng, cô Nguyên có nhiều đóng góp hơn cho hoạt động chuyên môn của nhà trường. Hai năm đứng ra bồi dưỡng “nhân tài” thì cả hai lần HV của cô đều đoạt giải cấp thành phố. Một Vương Thị Thùy Trang giải nhì và hai giải ba (Lâm Thanh Nhi và Đào Thị Ngọc Ánh) càng khẳng định hơn bản lĩnh chuyên môn của một cô giáo dạy văn có thâm niên. Niềm hạnh phúc nhất của cô và các đồng nghiệp là nhìn thấy các em ngày một khôn lớn và trưởng thành. Dù đi xa nhưng các em vẫn quay về trung tâm tìm lại “cô của em” để hàn huyên tâm sự. Đó chính là phần thưởng mà người thầy có được dù phải trải qua bao nhiêu nhọc nhằn vất vả.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Để có những tiết dạy hay, ngoài việc sưu tầm tư liệu, GV phải tìm ra lối đi thuận lợi nhất để truyền tải tri thức – theo cô Nguyên – điều tối kỵ nhất của GV dạy văn là không thuộc thơ, nhớ tác phẩm.
“Văn học – bây giờ và mãi mãi về sau – vẫn làm một trọng trách cao cả là giúp thế hệ trẻ giữ được những giá trị truyền thống lâu bền của ông cha đất nước, coi trọng nghĩa tình sâu nặng, gạt bỏ lối sống vị kỷ, hẹp hòi và vô cảm. Với GV văn phải biết tự đốt cháy mình, gặp bài khó thì phải tìm cách dạy cho hay; còn có bài hay rồi thì phải dạy hay hơn nữa. Cẩu thả trong văn chương thì sẽ dạy dối và người chịu hậu quả không ai khác là học trò trong lớp học của mình” – cô Nguyên cho biết.
|
Bình luận (0)