Nhà giáo Nguyễn Thị Như Liêm đang bồi dưỡng đội tuyển học viên giỏi
|
Có giáo viên quan niệm rằng: “Dạy sử bây giờ chán lắm vì học trò không chịu học”… nhưng với cô Nguyễn Thị Như Liêm – giáo viên Trung tâm GDTX Q.8 – tình yêu với bộ môn lịch sử vẫn còn nguyên vẹn như thời đi học phổ thông và nhất là khi bước vào cổng trường sư phạm.
Có nhiều thời điểm cô Liêm buồn lòng vì có học viên chưa thuộc bài, kiến thức bị hụt hẫng. Lòng cô càng trăn trở hơn khi biết tin học trò mình thi rớt tốt nghiệp do điểm môn sử thấp… Nhiều năm gắn bó với bậc học GDTX, cô hiểu rõ hơn hoàn cảnh của từng học viên và những điều kiện khó khăn của trường lớp đã phần nào làm hạn chế kết quả học tập.
Lớn lên từ trang sử
Nhớ lại thời đi học cách đây 40 năm, cô Liêm thấy mình thật may mắn khi được ba mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Mảnh đất Tiền Giang giàu truyền thống anh hùng, thắm tươi từng trang sử đỏ của người anh hùng chống Pháp Trương Định, ghi dấu chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của vị vua Quang Trung đã nuôi dưỡng tuổi thơ cô học trò nhỏ bằng sức mạnh từ hào khí cha ông. Nhưng phải đến khi vào học Trường Cấp 2 Tân Hội Đông (huyện Châu Thành), cô bé mới “bén duyên” với môn lịch sử. Tình yêu đó càng được bồi đắp thêm khi vào trường cấp 3, Nguyễn Thị Như Liêm được học với cô giáo Nguyễn Thị Hồng. “Bài giảng của cô không chỉ hay ở những sự kiện mà hấp dẫn học sinh bằng lối dạy truyền cảm, giọng nói ấn tượng và đặc biệt tư liệu rất phong phú”, cô Liêm nhớ lại. Cô học trò luôn thấy giờ học sử lúc nào cũng trật tự, các bạn chăm chú lắng nghe và cảm thấy tiết học mau hết giờ hơn. Cũng bắt đầu từ đó chân trời kiến thức của Liêm thêm rộng mở. Mỗi trang sách trong từng bài học lúc nào cũng khơi dậy hồn thiêng sông núi. Gấp cuốn sách lại tưởng như nghe được tiếng của sông núi ngày xưa từng đêm vọng về. Từ những bài lịch sử địa phương, Liêm yêu mến hơn mảnh đất “chín nhánh rồng” mà mình đang sống. Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng vẫn còn đây, dấu chân dũng sĩ diệt Mỹ Lê Thị Hồng Gấm tưởng chưa phai mờ trên mọi nẻo đường quen thuộc. Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hồng nuôi lớn từng ngày ước mơ lớn lên trở thành cô giáo dạy sử, và tất cả đã thành hiện thực khi Liêm vào học Trường CĐ Sư phạm Tiền Giang năm 1979.
…30 năm gắn bó với bộ môn lịch sử, cô Liêm càng thấy sứ mạng cao cả của những người đi trước đối với thế hệ trẻ về niềm tự hào và tinh thần tự cường của dân tộc. Vẻ đẹp của Tổ quốc Việt Nam không chỉ ở bề rộng của không gian mà còn có cả chiều sâu về lịch sử. Hiểu hơn về quá khứ con người sẽ sống tốt hơn trong hiện tại và càng yêu quý tương lai. Chính vì thế dù có khó khăn vất vả, nhiều lúc tưởng như buông xuôi nhưng cô không nản chí. Cô Liêm tâm niệm: “Giáo viên dạy môn lịch sử trước hết phải có trí nhớ tốt, có như vậy thì toàn bộ kiến thức của bộ môn mới trở thành máu thịt của mình”. Như thế vẫn chưa đủ nếu thiếu phương pháp truyền đạt. Dân ta vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nên cô không bao giờ mất lòng tin ở các em.
“Thương con, mẹ gắn nhiều hơn nữa”
Như người mẹ biết tính nết từng đứa con, trong lớp học cô phân chia ra nhiều đối tượng để từ đó có cách “chăm sóc” kỹ hơn. Học viên giỏi cô cung cấp thêm tư liệu và mở rộng những hiểu biết ngoài phạm vi SGK. Em nào yếu thì cô yêu cầu trình bày nội dung ngắn gọn, chỉ cần nhớ những sự kiện chính là tạm chấp nhận. Những học viên lười biếng cô uốn nắn cách học bằng những ý gạch đầu dòng, nắm kiến thức cơ bản rồi dần dần mới đòi hỏi đào sâu, suy luận. Cô luôn trao đổi với các em: “Muốn nhớ dai đôi khi phải dùng mẹo luật, gắn sự kiện trong sách với sự kiện ngoài đời hoặc những sự kiện liên quan”.
Cô quan niệm, khi chấm bài không phải đối tượng nào cũng có yêu cầu như nhau. Những bài viết nổi trội thì cô quan tâm thêm về cách hành văn, cách trình bày làm sao trôi chảy, gãy gọn. Không tiếc lời khen với những học trò có tiến bộ…
Nhìn sang các trung tâm khác có đầy đủ cơ sở vật chất như phòng máy chiếu hiện đại, phòng ốc khang trang, sân chơi rộng rãi… cô tự dặn lòng, phải dạy tốt hơn nữa để bù đắp thật nhiều cho những “đứa con nghèo khó” của mình. Thương các con, mẹ gắng nhiều hơn nữa. Chả thế mà gần đây trong một số tiết học, “mẹ” Liêm còn tổ chức thêm các buổi thuyết trình. Tuy có dày công hao sức thêm nhưng các em có được cơ hội để tập nói trước đám đông, biết đưa ra ý kiến của mình trong tập thể là cô mãn nguyện. Bất ngờ hơn là qua “sân chơi” bổ ích này các em lại nhớ bài lâu và bắt đầu yêu bộ môn mà trước đó các em “hầu như chưa từng yêu”. Mỗi lần trao đổi về hoạt động này, cô Liêm tỏ ra phấn khởi lắm: “Không chỉ được ăn nói lưu loát mà các em còn có thêm kỹ năng nghiên cứu, soạn đề cương và thành thạo hơn trong việc thu thập thông tin, tư liệu. Việc ứng dụng CNTT của các em trong khi học bài cũng thường xuyên và có hiệu quả hơn”.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Thời điểm này cô Nguyễn Thị Như Liêm bận rộn hơn khi phải hướng dẫn, bồi dưỡng nhóm học viên giỏi của trung tâm. Tối nào có giờ dạy, dù trời mưa to thế nào cô vẫn có mặt đúng giờ ở trung tâm. Đáp lại sự nhiệt tình của cô là những trang tư liệu đầy dấu mực bôi sửa của các em học viên trong một căn phòng cũ kỹ mà trung tâm “ăn nhờ ở đậu” tại Trường Tiểu học Tuy Lý Vương mấy chục năm nay. |
Bình luận (0)