TP.HCM vừa hoàn thành việc đánh giá kết quả bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Từ kết quả này, những giáo viên không đạt yêu cầu, dù đã được bồi dưỡng vẫn sẽ không được phân công dạy lớp 1 trong năm học tới.
Giáo viên được chọn đứng lớp 1 năm học tới vẫn phải tiếp tục tự bồi dưỡng. Trong ảnh: Một tiết dạy thử lớp 1 chương trình mới SGK mới của giáo viên Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.4)
Các tiêu chí đánh giá giáo viên dựa trên việc đánh giá song song 2 yêu cầu: chuyên cần và quá trình bồi dưỡng. Giáo viên chỉ được phân công dạy lớp 1 khi đạt cả 2 yêu cầu trên.
Tạo điều kiện thực hiện chương trình mới
Năm học 2020-2021, Trường TH Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) có 6 lớp 1. Tuy nhiên, số giáo viên được nhà trường cử đi tập huấn về chương trình, SGK mới lại lên tới 8 thầy cô. Theo thầy Dương Trần Bình (Hiệu trưởng nhà trường), việc cắt cử số giáo viên “dôi dư” lên đến trên 30% đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc lựa chọn giáo viên đảm nhiệm nhiệm vụ giảng dạy lớp 1 năm học tới. “Do năm lớp 1 là năm học bản lề cho các năm học sau, nhất là việc đổi mới chương trình nên những giáo viên được cắt cử đi tập huấn SGK lớp 1 đều được nhà trường chọn lọc rất kỹ, đa phần đều là giáo viên trẻ, ưu tiên có năng lực, đã từng kinh qua dạy lớp 1 hiện hành. Nhà trường cũng đặc biệt ưu tiên giáo viên đã đạt được các thành tích trong công tác”.
Quá trình đánh giá giáo viên lớp 1, thầy Bình cho hay, dựa trên yếu tố chuyên cần thực hiện tự bồi dưỡng theo kế hoạch của trường, tham gia đủ các lớp bồi dưỡng trực tuyến, trực tiếp về SGK đồng thời dựa trên sản phẩm thiết kế bài học của giáo viên từ quá trình học. “Tất cả các giáo viên đều đạt hết. Đây bước đầu là tín hiệu rất mừng, tạo sự thuận lợi cho việc triển khai chương trình mới SGK mới trong năm học tới của nhà trường”.
Tương tự, tại Trường TH Nguyễn Hiền (Q.2), tổng số toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý được nhà trường cử đi tập huấn về chương trình mới, SGK mới lớp 1 lên tới 16 thầy cô. Trong khi đó, số giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của trường là 7 giáo viên. Cô Nguyễn Kim Thành (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, do năm học tới là năm đầu tiên chương trình GDPT mới được triển khai ở bậc lớp 1 nên nhà trường đặc biệt quan tâm đến nguồn lực giáo viên đứng lớp thực hiện chương trình này. Các thầy cô được cử đi tập huấn bậc lớp 1 đều rất trẻ, năng động, có kinh nghiệm và nhất là luôn sẵn sàng đổi mới, chủ động. “Quá trình kiểm tra, đánh giá tất cả các giáo viên đều đạt. Tinh thần của chương trình mới đều được các thầy cô thể hiện rất rõ qua sản phẩm thiết kế bài giảng, trong đó lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo tính cá thể, năng lực học sinh. Số lượng giáo viên được tập huấn nhưng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy bậc lớp 1 trong năm học tới sẽ vẫn tiếp tục kết hợp với Ban Lãnh đạo nhà trường tham gia vào dự giờ, đánh giá các tiết học bậc lớp 1 năm học tới để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh và tinh thần của chương trình mới”.
Giáo viên phải chủ động tự bồi dưỡng
Để triển khai chương trình mới trong năm học 2020-2021, toàn thành phố có hơn 6.000 giáo viên lớp 1 tham gia chương trình bồi dưỡng SGK lớp 1 mới. Nhằm triển khai chương trình mới, các đơn vị nhà trường đều cắt cử bồi dưỡng “dôi dư” số giáo viên thực dạy trong năm học. Số giáo viên được cử đi tập huấn này đều là lực lượng giáo viên nòng cốt, có năng lực của từng đơn vị. Vì vậy, theo ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM), việc đánh giá kết quả bồi dưỡng giáo viên không ảnh hưởng đến nguồn giáo viên được phân công dạy lớp 1 theo chương trình mới, trái lại sẽ giúp các nhà trường một lần nữa nhìn nhận lại chất lượng giáo viên, chọn lọc ra những giáo viên thật sự thích hợp nhất. Không chỉ dừng ở việc đánh giá, ông Vinh cho hay, sau quá trình đánh giá thì từng thầy cô phụ trách giảng dạy lớp 1 đều phải tiếp tục nỗ lực chủ động hơn nữa, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu SGK mới để thiết kế bài giảng phù hợp nhất với đối tượng học sinh.
Về phía nhà trường, thầy Dương Trần Bình cũng cho rằng, việc quan tâm nhất hiện nay của đơn vị vẫn là quá trình đi vào triển khai. Quan trọng nhất vẫn là quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên, mỗi giáo viên phải tự lực để bồi dưỡng hơn nữa trong quá trình giảng dạy. “Tinh thần của giáo viên về chương trình mới hiện nay thông qua sản phẩm thiết kế bài dạy. Vậy nhưng, đó mới chỉ là việc thiết kế trên lý thuyết. Để đi vào thực tế, vẫn phải có sự điều chỉnh, không rập khuôn. Qua việc đánh giá, bước đầu cán bộ quản lý nhà trường căn cứ vào bài giảng thiết kế của giáo viên, xem lại một lần nữa kết quả giáo viên nhận thức được gì, tư tưởng chương trình mới thấm vào đến đâu. Tuy nhiên, để thích ứng với sự đổi mới của chương trình mới thì ngoài sức trẻ còn cần đến tư tưởng đổi mới của mỗi giáo viên. Đây mới chính là hồn cốt quyết định sự thành công của chương trình”.
Cũng vẫn là sự chủ động của giáo viên khi triển khai chương trình mới, SGK mới vào năm học tới nhưng thầy Lê Ngọc Phong (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Bình, Q.4) lại đề cập đến sự chủ động trong việc “kéo gần hơn nữa” mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và học sinh. Trong đó, giáo viên càng phải chủ động để tạo ra mối quan hệ với phụ huynh. “Tinh thần cầu thị trong chương trình mới là rất cần thiết. Thầy cô, nhà trường dám lắng nghe, tiếp thu và sửa chữa. Cơ sở vật chất cũng rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng nữa là phải làm sao để phụ huynh hiểu về chương trình, về SGK mới để chung tay, đồng hành cùng với mỗi thầy cô, mỗi nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình”.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh nữa mà là tài liệu tham khảo, chương trình mới là yếu tố then chốt. Thầy cô được quyền chủ động để thực hiện sao cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh và điều kiện nhà trường.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)