Giáo viên chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ rất cực nhưng phụ huynh không hợp tác xác nhận nên rất khó được hưởng chế độ trợ cấp
|
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi đến các đơn vị trường học công lập. Theo đó đề nghị các đơn vị đảm bảo thực hiện chi đầy đủ chế độ cho các đối tượng được hưởng theo đúng quy định. Trong đó có chế độ hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật. Tuy vậy, không dễ gì các trường thực hiện được…
Muôn hình vạn trạng HS học hòa nhập
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường, nhất là tiểu học và mầm non nhận trẻ khuyết tật học hòa nhập. Và phần lớn những HS này bị bệnh tự kỷ, tăng động. Theo đó, các em thường xuyên có những biểu hiện, hành động rất chướng trong lớp học…
Từ nhiều năm nay, năm học nào Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cũng có HS học hòa nhập. Năm học 2014-2015, cũng có một số HS “có vấn đề”. Điển hình như Đ. “Những ngày đầu mới vào trường, Đ. quậy lắm. Trong khi các bạn ngồi yên trong lớp học thì em đi lang thang hết hành lang rồi xuống sân trường. Thấy cây nào là vặt trụi lá cây đó, chán rồi thì nằm sõng soài giữa sân trường. Không những thế, có em còn thích leo trèo cầu thang. Để tránh nguy hiểm cho bản thân em, tôi thường xuyên phải canh chừng không cho em ra khỏi lớp. Nhưng cứ thấy cô Hiệu trưởng quay đi là Đ. cũng đi theo”, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường – kể lại.
“Sợ” Đ. quậy không cho các bạn ăn, ngủ buổi trưa nên từ chỗ em học bán trú, nhà trường đã khuyên phụ huynh cho ra lớp thường. Buổi trưa Đ. được phụ huynh đón về nhà…
Một HS khác cũng quậy không kém gì Đ., đó là em T. Trước đây, T. học tại một trường quốc tế, do bị các bạn tẩy chay nên phụ huynh chuyển về Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Chưa đầy một tuần sau ngày đầu nhập học, T. đã dọa cô giáo chủ nhiệm chết khiếp. T. có rất nhiều hành vi khiến người khác phải sợ. Mỗi khi em không hài lòng chuyện gì là nắm hai tay vào lan can hành lang gồng mình để kéo. Thích đồ chơi, đồ dùng của bạn là giật, bạn không cho thì hét lên và nói với cô giáo là bị bạn đánh. Thậm chí: “Trong giờ tập đọc, cô giáo cho HS đọc nối tiếp. Khi cô gọi T. đứng lên đọc, em không những không đọc được mà còn ném luôn cuốn sách”, cô Hà cho biết.
Phụ huynh thường… né
Giáo viên Trường MN Bến Thành chăm sóc, dạy dỗ trẻ hòa nhập |
Từ thực tế cho thấy, giáo viên dạy các lớp hòa nhập rất vất vả. Chỉ cần lơ là một chút là nguy hiểm có thể xảy ra với những HS này. Đó là chưa kể các em thường xuyên đánh bạn, cô giáo vừa phải làm trọng tài phân giải giữa các em HS vừa phải nghe phụ huynh của những HS bị đánh “mắng vốn”. Theo đó, năm 2011, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất UBND TP hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập. Cụ thể, dạy một HS học hòa nhập, giáo viên được hưởng 200 ngàn đồng/tháng (bậc mầm non), 260 ngàn đồng/tháng (bậc tiểu học)… Giáo viên muốn được hưởng số tiền này, bắt buộc phải có hồ sơ bệnh án của HS nộp lên phòng GD-ĐT quận, huyện. Sau đó phòng GD-ĐT xuống trường xác minh và chuyển qua phòng tài chính. Lúc đó phòng tài chính mới cấp kinh phí xuống các trường.
Cái khó nhất của quy trình này là nằm ở phía phụ huynh. Cô Vũ Thị Thơ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) – cho biết: “Nhiều phụ huynh không chấp nhận con mình bị bệnh nên khi nhà trường đề nghị đưa HS đi khám, phụ huynh không chịu. Thường những em này nhìn bề ngoài cũng bình thường như các bạn nhưng trong quá trình học, giáo viên quan sát phát hiện các em có vấn đề tâm lý”.
Cũng bởi không có giấy xác nhận của bệnh viện nên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh không có hồ sơ của HS gửi lên Phòng GD-ĐT. Do vậy, dẫu phải vất vả dạy trẻ học hòa nhập, các giáo viên của trường cũng không được hưởng chế độ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.7 cũng cho biết: “Khi đề nghị phụ huynh đưa con đi khám bệnh, họ nói làm vậy con tôi bị mang tiếng là thần kinh nhưng tiền thì giáo viên hưởng, chúng tôi không làm. Phụ huynh không làm nhà trường cũng không thể đuổi học con họ, cũng không thể không dạy con họ…”.
Một giáo viên mầm non nhiều năm dạy trẻ học hòa nhập chia sẻ: “Khi thấy trẻ thường xuyên đánh bạn vô cớ, chỉ chơi một mình, tôi nhắc khéo phụ huynh đưa con đi khám. Một số phụ huynh tế nhị từ chối, một số chửi thẳng mặt giáo viên là nhiều chuyện…”.
Thậm chí ngay cả trường hợp em T. (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) mặc dù “không bình thường” như các bạn cùng lớp nhưng phụ huynh cũng chỉ thừa nhận với nhà trường là con mình có vấn đề về tâm lý và tích cực phối hợp với giáo viên để giáo dục chứ không đưa con đi khám bệnh. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp T. không được hưởng chế độ hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập theo quy định của UBND TP.
Bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 – cho biết: “Địa bàn Q.5 có rất nhiều trường cả mầm non, tiểu học và THCS có HS học hòa nhập. Với những HS này, nhà trường phải thuyết phục phụ huynh để họ đưa con đi khám. Cũng có nhiều phụ huynh họ không chấp nhận nhưng mình phải nói cho họ hiểu rằng, việc họ đưa con đi khám không phải nhà trường ghét bỏ hay có thành kiến gì với HS, lại càng không phải vì chế độ hỗ trợ cho giáo viên mà vì chính con em họ…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)