Học sinh 16-17 tuổi nhưng giáo viên vẫn phải đút cho ăn |
“Tỷ lệ cháu/ cô lý tưởng nhất ở các trường dạy trẻ khuyết tật là 4/1 nhưng hiện nay “bói” không ra người nên 1 giáo viên gánh việc của 2 – 3 người. Ở những lớp trẻ bệnh nhẹ thì cô bớt cực, chứ trẻ bệnh nặng, cô chỉ biết… khóc”, thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu phó Trường Khuyết tật Tương Lai (Q.5) tâm sự.
Vừa làm giáo viên, vừa làm… osin
Tôi tới Trường Khuyết tật Tương Lai khi các em học sinh vừa đi chơi ở Đại Thế Giới về. Thấy có người lạ, các em khoanh tay chào. Tôi nói với cô Hà Thị Bích – Hiệu trưởng nhà trường: “Các em cũng ngoan và lễ phép đấy chứ. Nhìn chúng, ai bảo là khuyết tật…”. Cô Bích cười: “Dạy mười mấy năm rồi mới được như vậy đấy em”.
Khác với trẻ bình thường, học mỗi năm một lớp, học hết mầm non rồi lên tiểu học, hết tiểu học thì lên THCS…, những học sinh khuyết tật ở đây học 2-3 năm một lớp. Thậm chí học hết lớp 1, lên lớp 2 rồi lại quay xuống lớp 1 học lại. Chỉ có một chữ o viết sao cho tròn mà cô và trò đánh vật cả tháng trời. Rồi 1+1=2, 3-2=1… cũng phải học mất mấy tuần mới xong. Nhưng tệ nhất là học trước quên sau, học nhiều quên nhiều. Và trình độ trong một lớp thì không đồng nhất, lớp có 8-10 học sinh thì có tới 3-4 trình độ khác nhau. Em thì trình độ lớp 1, em lại trình độ lớp 2, em khác trình độ lớp 4… Bởi vậy, giáo viên vừa dạy cái chung, vừa phải dạy cá thể.
Đang học, một học sinh đòi đi vệ sinh, hay bỗng dưng la hét… thế là cô giáo phải dừng lại để “xử lý”. Cứ tưởng giải quyết xong em này thì lớp học sẽ trở lại bình thường, nào ngờ học sinh khác lại trở chứng. Và giáo viên cứ bị học sinh xoay như chong chóng.
Giờ học đã cực rồi, giờ ăn còn cực hơn. Học sinh cao gần bằng giáo viên mà cô vẫn phải xúc từng muỗi cơm đút cho các em. Các em vừa ăn vừa nôn ói, nước mắt nước mũi chảy tùm lum, thậm chí còn phun cả thức ăn vào người cô. “Chuyện thường ngày mà, tụi tôi còn phải dọn cả phân khi có em bậy trong lớp, thay đồ lót cho các em gái (dậy thì) khi đến ngày…”, một giáo viên cho biết.
Tại lớp học dành cho những học sinh bệnh nặng, chỉ vào một học sinh nữ dù đã 12 tuổi nhưng không biết nói, không biết đi, thầy Phúc cho biết: “Hồi mới vào trường em này dữ lắm, cứ nắm đầu, nắm tóc cô giáo ghì xuống. Bây giờ thì đỡ rồi, từ lúc tới trường cho đến lúc ra về hầu như chỉ nằm một chỗ”. Những học sinh khác, mỗi khi thấy người lạ vào lớp là hò hét, tay chân múa máy… Có lẽ chỉ những giáo viên yêu nghề hơn cả bản thân mới đủ can đảm để dạy dỗ những học sinh đặc biệt này.
“Cầu” thì nhiều, “cung” chẳng bao nhiêu
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Thành phố hiện có trên 30 trường dạy trẻ khuyết tật, hầu hết các trường đều thiếu giáo viên. Có nhiều trường thiếu triền miên từ năm này qua năm khác…”.
Trường chuyên biệt Bình Minh, Q.Tân Phú có 186 cháu nhưng chỉ có 28 giáo viên. “Trường có 18 lớp – mỗi lớp 10 học sinh và 1 lớp 6 học sinh. Ở những lớp có 10 học sinh, mỗi lớp có 1,5 giáo viên – nghĩa là 3 cô trông 2 lớp. Cô thứ 3 “chạy” việc bên ngoài, chẳng hạn như khi học sinh quấy khóc, la hét hay đòi đi vệ sinh thì giáo viên này phải đưa học sinh ra khỏi lớp để không ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác. Có lúc, tại cả hai lớp đều có học sinh “quậy” cô giáo này không biết phải giải quyết như thế nào. Nhiều năm công tác ở trường khuyết tật, tôi thấy mỗi lớp phải có 2 giáo viên, chứ 1,5 cô hay 1 cô là không ổn”, một giáo viên ở đây cho biết. Theo đó Trường chuyên biệt Bình Minh thiếu từ 9-10 giáo viên.
Cô Hoàng Thị Thu Hường – Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt, Q.2 cho biết: “Mấy năm trước trường cũng thiếu giáo viên nhưng năm nay thì tạm đủ. Trường hiện có 65 cháu với 6 lớp và 12 giáo viên, trung bình 2 giáo viên nuôi dạy từ 10-12 cháu. Nhưng theo tôi, ở trường khuyết tật, lớp càng ít cháu càng tốt. Mỗi lớp chỉ nên có 5-6 cháu, ngoài giáo viên cần có thêm một người phục vụ. Hiện tại trường đang thiếu chuyên viên vật lý trị liệu và cán bộ y tế”…
Trong khi đó ở Trường Khuyết tật Tương Lai có 120 cháu với 15 lớp nhưng chỉ có 16 giáo viên. Ngoài lớp đặc biệt – chỉ toàn những học sinh bệnh nặng, hầu như là ăn nằm một chỗ, thì các lớp khác chỉ có 1 giáo viên. Theo đó mỗi giáo viên phải nuôi giữ 8 học sinh. “Chúng tôi có thể xin thêm biên chế giáo viên từ 4-8 người nhưng không tuyển được người. Hầu hết giáo viên ở đây đều chưa qua đào tạo, nhận vào rồi mới gửi đi học. Còn những người đã qua đào tạo chỉ vào làm 1, 2 ngày là bỏ việc”, thầy Phúc cho biết.
Trong khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các trường dạy trẻ khuyết tật rất lớn thì thành phố chỉ có 2 cơ sở đào tạo, đó là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường Cao đẳng Sư phạm TW. Và mỗi năm 2 cơ sở này cũng chỉ cho “ra lò” khoảng 100 sinh viên. Đặc biệt phần lớn là sinh viên ở tỉnh, trong khi đó các trường thành phố lại không được tuyển những người chưa có hộ khẩu, KT3 ở TP.HCM. Theo đó “cung” đã ít lại càng khan hiếm hơn…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)