Quán cà phê 0 đồng, phòng nghỉ 3 sao, nhà ăn mát mẻ… là những “đặc quyền” mà giáo viên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) được thụ hưởng, giúp thầy cô thoải mái khi đến trường. Tạo môi trường thân thiện, vui vẻ cho giáo viên là một trong những hướng đi được nhà trường lựa chọn khi xây dựng trường học hạnh phúc.
Nhiều năm nay quán cà phê 0 đồng là điểm đến yêu thích của giáo viên
Trường học hạnh phúc trước hết giáo viên phải hạnh phúc
Theo thầy Nguyễn Quang Đạt (Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh), trong nhiều năm nay, khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được nhà trường hiện thực hóa với cả học sinh và giáo viên. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, nhân tố đầu tiên mà nhà trường quan tâm là giáo viên, làm sao thầy cô phải luôn cảm thấy được thoải mái, vui vẻ khi ở trường, hạnh phúc khi đến trường. Bởi chỉ khi thầy cô thoải mái, vui vẻ thì mới có thể tạo ra những giờ học hạnh phúc.
Sau 2 tiết dạy buổi sáng, thay vì trở về nhà, cô Nguyễn Đinh Thiên Kim (giáo viên môn tin học) về phòng nghỉ giáo viên để nghỉ ngơi. Với cô, trường học còn thoải mái hơn… ở nhà vì có phòng nghỉ như khách sạn 3 sao, có quán cà phê “view” đẹp, đồ uống ngon, không gian xanh. “Phòng nghỉ của giáo viên được thiết kế như khách sạn 3 sao với máy lạnh, giường nệm, bàn trang điểm, khu thay đồ. Nhà trường bố trí phòng nghỉ giáo viên nam – nữ riêng, mở cửa từ sáng cho đến khi giáo viên về hết. Nhiều khi không có tiết dạy buổi sáng tôi cũng lên trường, chờ đến chiều lên tiết vì ở trường vẫn có thể nghỉ ngơi thoải mái như ở nhà…”, cô Kim cho biết.
Khu vực nhà ăn giáo viên sạch sẽ, thoải mái
Có thời gian 13 năm gắn bó với trường, cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (giáo viên môn toán) nói vui, tôi chưa bao giờ chán khi ở trường mà ngược lại, đến trường là không muốn về nhà, hết tiết dạy rồi vẫn nấn ná ở lại cho đến khi học sinh tan học mới về. “Ở trường có quán cà phê nên tôi thường đến trường sớm ăn sáng, uống cà phê, tranh thủ nói chuyện với đồng nghiệp trước khi lên tiết dạy. Thời gian nghỉ giữa các tiết hoặc trống tiết thì tôi về phòng nghỉ, thoải mái như ở nhà nên rất thích”, cô Ánh nói.
Với cô Ánh, một điều mà cô thấy được quan tâm là nhiều năm nay nhà trường hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho giáo viên. Cụ thể, giáo viên được nhà trường hỗ trợ 15.000 đồng/người/bữa trưa ở căng tin (suất ăn trưa 35.000 đồng, giáo viên chỉ đóng 20.000 đồng – PV). Dù đồng lương giáo viên không quá cao, song cô Ánh chia sẻ, khi được nhà trường chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, đó là nguồn động viên giúp bản thân cô an tâm công tác. Nhà trường bố trí nhà ăn riêng cho giáo viên, có máy lạnh để bữa ăn thoải mái, mát mẻ. Việc nhà trường chăm lo chu đáo chỗ ăn, nghỉ cho giáo viên đã giúp các thầy cô cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đến trường. Đặc biệt, điều quan trọng nữa là giáo viên được nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục, nhà trường khảo sát nhu cầu giáo viên để tổ chức thêm các lớp nâng cao về công nghệ thông tin, giúp thầy cô tự tin ứng dụng trong giờ dạy. Trước đó, nhà trường còn mạnh tay hỗ trợ toàn bộ chi phí khi giáo viên học tập nâng cao trình độ lên thạc sĩ. “Khi đổi mới giáo dục, điều mỗi giáo viên cần nhất đó là sự chia sẻ, đồng hành hỗ trợ của cán bộ quản lý. Và khi giáo viên được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, được hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện để bồi dưỡng các phương pháp giảng dạy mới thì đó là động lực để mỗi thầy cô vững tâm hơn khi đổi mới ngay từ thời điểm đầu”, cô Ánh bày tỏ.
Để thầy cô đứng lớp với tâm thế vui vẻ
Cô Trương Thị Tuyết Loan (Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Tây Thạnh) cho biết, công tác chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn là nhiệm vụ quan trọng được Công đoàn trường quan tâm, thực hiện sát sao trong nhiều năm qua. Vào các dịp lễ, Tết, Công đoàn đều phối hợp với lãnh đạo nhà trường chăm lo cho con em cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng những phần quà động viên, tạo sân chơi gắn kết đội ngũ trong trường. Khi thầy cô ốm đau, Công đoàn dành sự quan tâm hỏi thăm, động viên. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới giáo dục, Công đoàn hỗ trợ thầy cô mượn kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy học. “Để xây dựng trường học hạnh phúc thì tất cả các bộ phận trong nhà trường phải cùng tham gia, chung tay góp sức tạo nên ngôi trường mà cả thầy cô và học sinh mỗi ngày đến trường đều cảm thấy vui vẻ. Như vậy, Công đoàn trường cũng không nằm ngoài nhiệm vụ đó, cùng chung tay với nhà trường chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, trở thành điểm tựa để thầy cô chia sẻ những tâm tư của mình trong quá trình đổi mới, trong thực hiện nhiệm vụ và đời sống cá nhân. Bởi vì, chỉ khi thầy cô cảm thấy được lắng nghe, chia sẻ mới có thể thoải mái khi đến trường, từ đó mới có những giờ dạy học vui vẻ nhất”, cô Loan bày tỏ.
Phòng nghỉ của giáo viên được ví như khách sạn 3 sao
Thầy Nguyễn Quang Đạt nhìn nhận, để có trường học hạnh phúc thì bắt đầu từ những lớp học hạnh phúc, trong đó mỗi thầy cô, học sinh cùng hạnh phúc. Để thầy cô hạnh phúc thì thầy cô phải thấy thực sự thoải mái khi đến trường, cảm thấy gắn bó, có động lực cống hiến cho ngôi trường của mình. “Quan điểm của nhà trường là phải chăm lo tốt nhất cho đội ngũ thì đội ngũ mới có thể an tâm đứng lớp giảng dạy, mới có những giờ dạy học chất lượng, đổi mới. Do đó, chỗ ăn, nghỉ, môi trường làm việc cho thầy cô hàng năm luôn được nhà trường quan tâm nhất. Lắng nghe những tâm tư của giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ để cùng gỡ khó cho thầy cô. Môi trường cởi mở, thân thiện, gần gũi sẽ là chất xúc tác quan trọng nhất để thầy cô đứng lớp với tâm thế hạnh phúc”, thầy Đạt chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)