Ngành giáo dục Q.3 (TP.HCM) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa 75% nội dung chương trình giáo dục lên hệ thống quản lý học tập (LMS). Xác lập mục tiêu đó, hàng ngàn giáo viên trên địa bàn quận đã được tập huấn, bồi dưỡng về trí tuệ nhân tạo (AI)…
Giáo viên chủ động ứng dụng AI trong dạy và học
Sử dụng AI hỗ trợ công tác giảng dạy
Mới đây, hơn 1.000 giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Q.3 đã tham gia khóa học “Ứng dụng AI trong dạy và học”. Khóa học này nằm trong chuỗi các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn do Phòng GD-ĐT Q.3 tổ chức cho giáo viên trên địa bàn quận nhằm nâng cao năng lực công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục. Trong khóa học, giáo viên được tìm hiểu về AI, sử dụng các ứng dụng của AI trong các hoạt động tương tác trên lớp, soạn bài giảng, kiểm tra, đánh giá học sinh… Cô Cao Phan Hà Vy (giáo viên môn toán tại Trường THCS Lê Quý Đôn) chia sẻ, chuyển đổi số trong giáo dục luôn đòi hỏi giáo viên phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực. Trước đây, yêu cầu đổi mới chỉ đòi hỏi giáo viên thay đổi phương pháp dạy học. Hiện nay, đổi mới giáo dục đặt ra cho giáo viên năng lực ứng dụng công nghệ trong dạy và học, sử dụng AI trong dạy học thế nào cho phù hợp. “Để hòa mình vào bối cảnh chuyển đổi số chung của ngành giáo dục, tôi thường tham gia các khóa học bồi dưỡng ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Có khóa học miễn phí nhưng cũng có những khóa giáo viên phải tự bỏ chi phí ra đóng. Bởi, nếu mình giậm chân tại chỗ thì sẽ tự đi lùi…”, cô Vy chia sẻ.
TS. Phạm Đăng Khoa (Trưởng phòng GD-ĐT Q.3) nhìn nhận, AI giống như một đứa trẻ và chính người giáo viên sẽ “nuôi dưỡng” theo cách của mình. Sử dụng AI như thế nào để hỗ trợ công tác giảng dạy lại phụ thuộc vào chính mỗi giáo viên. Theo đó, giáo viên phải có kiến thức để thẩm định và phải biết điều chỉnh theo thực tế của bài học để không bị lệ thuộc hoàn toàn vào AI. “Khóa học “Ứng dụng AI trong dạy và học” trước hết trang bị cho giáo viên cái nhìn đúng đắn về AI, để không còn e dè về AI, làm sao tận dụng hiệu quả các ứng dụng của AI làm sinh động bài giảng của mình. Qua đó, giáo viên mạnh dạn khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong môn học và hoạt động giáo dục để đạt mục tiêu chuyển đổi số của ngành giáo dục cũng như xây dựng các lớp học số, trường học số hạnh phúc”, TS. Khoa cho biết.
AI hỗ trợ đắc lực trong dạy học, song giáo viên không nên lạm dụng
TS. Khoa cho biết thêm, sau khóa học, Phòng GD-ĐT Q.3 sẽ triển khai các khảo sát về nhu cầu của giáo viên trong chuyển đổi số, từ đó tiếp tục tổ chức thêm các buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ.
Trong bối cảnh mới, giáo viên không nhìn học sinh bằng điểm số
TS. Lê Khánh Duy (ĐH Kinh tế TP.HCM) thông tin, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, ước tính có khoảng hơn 300 triệu việc làm phổ thông có thể bị mất đi trong thời gian tới do AI thay thế. Những công việc liên quan đến sự lặp đi lặp lại chắc chắn sẽ bị thay thế. “Câu chuyện AI thay thế nhiều công việc của con người là câu chuyện xảy ra rất nhanh. Vấn đề là chúng ta ý thức đúng điều này, chuẩn bị các kịch bản để không quá bất ngờ”, TS. Duy nói. Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Đại Nghĩa cho rằng AI, Big Data chỉ là công cụ hỗ trợ giáo viên chứ chưa thực sự thay thế giáo viên. Bởi lẽ bản chất AI còn có rất nhiều vấn đề cần cải tiến, con người vẫn phải can thiệp vào thì AI mới có thể nhận ra các thành quả của con người. AI đồng hành cùng con người trong học tập, nghiên cứu.
Cần sự cộng hưởng ở mỗi giáo viên, mỗi nhà trường Ngành giáo dục Q.3 đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa 75% nội dung chương trình giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lên hệ thống LMS, xây dựng kho học liệu số dùng chung cho toàn quận. So với mục tiêu đặt ra của ngành giáo dục TP.HCM – phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 35% nội dung chương trình giáo dục được đưa lên trực tuyến thì chỉ tiêu của Q.3 là gấp đôi. Năm nay là năm đầu tiên Q.3 tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi trên nền tảng kỹ thuật số dành cho giáo viên THCS. “Chỉ tiêu chuyển đổi số được Phòng GD-ĐT đưa vào chỉ tiêu đánh giá giáo viên và đánh giá giữa các trường. Ngoài tổ chức các khóa tập huấn đại trà về AI, Phòng GD-ĐT còn tổ chức các buổi bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên cốt cán. Để đạt được mục tiêu này cần đến sự cộng hưởng của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường”, TS. Phạm Đăng Khoa (Trưởng phòng GD-ĐT Q.3) cho biết. |
GS. Dương Nguyên Vũ (sáng lập viên APCS, nguyên Giám đốc JVN) nhìn nhận, vấn đề AI thay thế con người đã được đặt ra cách đây rất nhiều năm. Trong đó, người ta lo lắng rằng AI sẽ khiến con người mất việc làm. Theo GS. Vũ, AI chắc chắn sẽ thay thế một số công việc của con người. Đòi hỏi con người thay vì tập trung cho những công việc đó thì phải trở thành những con người có tư duy cao hơn trong công việc đó. Cụ thể, trong giáo dục, thay vì giáo viên trong lớp học chỉ giảng dạy, hướng dẫn bài tập thì giáo viên phải suy nghĩ những điều khác hơn với sự ứng dụng của AI. Quan tâm cách sử dụng AI như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. “Chuyển đổi số giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về giáo dục, cách học của học sinh. Tuy nhiên, chuyển đổi số lại là con dao 2 lưỡi, nếu quá theo một thành kiến thì có thể đánh giá chưa phù hợp học sinh. Trong bối cảnh mới, giáo viên phải nhìn học sinh bằng trái tim của mình chứ không chỉ nhìn vào điểm số. Với ChatGPT chỉ cần đưa một cuốn sách vào là đã tóm tắt cho mình. Điều này rất nguy hiểm. Đối với việc học văn trong bối cảnh chuyển đổi số là cách thức sử dụng ngôn từ. Giáo viên phải tạo được động cơ, động lực cho học sinh”, GS. Vũ khẳng định.
GS. Vũ cho biết thêm, chuyển đổi số thay đổi việc dạy học không còn là truyền thụ kiến thức mà còn bao gồm sự chuyển giao khám phá tri thức. Do đó, việc đánh giá cũng phải thay đổi theo hướng này. Cách dạy học cá nhân hóa không phải là cá nhân hóa chương trình học mà là cá nhân hóa cách dạy. Không phải học là so sánh học sinh với những học sinh khác, so sánh học sinh với cái chung…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)