Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên đoạt giải võ trường toản năm 2011: 30 năm, người bạn tin cẩn của học trò

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô Nhơn chụp hình
lưu niệm với học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn
 

Hơn 30 năm giảng dạy tại Trường
THPT Lê Quý Đôn, có lẽ thường trực trong suy nghĩ của cô giáo Trương Thị Hữu
Nhơn – tổ trưởng tổ bộ môn sinh của trường – chỉ có hai từ: sợ và cố gắng. 
“Chính vì sợ nên tôi phải cố
gắng!”, cô Nhơn nói. Và sợ ở đây, theo cô, đó là cảm giác hồi hộp, lo lắng và bất
an nếu không hoàn thành tốt công việc, dẫn đến một phần ảnh hưởng đến công tác,
uy tín của nhà trường và trên hết là nỗi lo… sợ học sinh không phục.
“Chạy” theo nhu cầu học sinh
Nghiêm khắc và luôn ý thức về
vai trò, trách nhiệm của mình nhưng khi hỏi cô Nhơn về những điều đã làm được,
cô cho biết không nhớ mình đã làm được gì sau bao nhiêu năm công tác nhưng một
điều chắc chắn là tôi luôn cố gắng, trăn trở làm sao để công việc được hoàn
thành trên chuẩn, dạy sao cho học sinh thấy thích và đạt kết quả cao trong học
tập. Phương pháp để học sinh thích học, với cô Nhơn, không giống như nhiều giáo
viên khác vốn dạy theo kiểu rập khuôn, áp đặt – tức là lên lớp theo giáo án
mình chuẩn bị. Ở đây, cô Nhơn vạch một lối đi mới: hoàn toàn dạy theo yêu cầu của
học sinh. Điều đó có nghĩa là trong khuôn khổ bài học, những chỗ nào học trò
chưa hiểu hay có thắc mắc cần giải đáp, cô sẽ là người hướng dẫn và giải đáp. Bởi
theo cô, sự phát triển của xã hội kéo theo sự phát triển đa dạng của các phương
tiện truyền thông như sách báo, các trang mạng… làm cho nhu cầu hiểu biết của học
trò đã không còn dừng ở bài giảng giáo khoa nhỏ hẹp. Tiếp cận với lượng thông
tin khổng lồ mang lại cho các em nhiều kiến thức, song không phải học sinh nào
cũng hiểu rõ cội nguồn, bản chất của sự việc. Đơn cử như nhiều em đọc một bài
viết về… người mọc sừng hay da người sần sùi như rễ cây, lão hoặc trẻ hóa… thường
tỏ ra thắc mắc và tất nhiên, để giải đáp, người đầu tiên các em nghĩ đến chính
là cô giáo của mình. Với những trường hợp như vậy, để “đuổi” theo học trò, bản
thân cô Nhơn cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi rất nhiều mới có thể trả
lời được. Dù vậy, cô Nhơn thừa nhận: “Không phải cái gì mình cũng biết bởi có
nhiều em nhanh nhạy, thường “đi tắt, đón đầu” thông tin trước cả cô giáo, dẫn đến
không ít lần tôi… lúng túng với câu hỏi các em đưa ra. Những lần đó, tôi thường
xin học trò một cái hẹn, sau đó miệt mài tra cứu từ sách vở, hỏi đồng nghiệp,
thậm chí phải nhờ đến các giáo sư là giảng viên tại các trường đại học giúp đỡ
để đi tìm lời giải”.
Cũng như bao giáo viên lâu
năm khác, bản thân cô Nhơn trước đây không rành vi tính, internet nhưng chính bởi
khởi nguồn từ nhu cầu học trò, cô còn dành thời gian cho việc học tập, nghiên cứu
về công nghệ, từ đó đưa ra những sáng kiến, phương pháp dạy phù hợp với đòi hỏi
của học sinh. Điển hình là sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy,
nhất là trong các tiết thực hành môn sinh. Theo cô Nhơn, kinh nghiệm cho thấy
là thường những tiết thực hành “chay” theo phương cách cũ khiến học trò mỏi mệt
nhưng kết quả lại đạt không cao. Điều này khiến cô trăn trở và suy tư về một
phương án khác thay thế. Theo đó, cô tự mình thực hành và quay phim lại, sau đó
chiếu cận cảnh để các em dễ dàng nắm bắt trước khi đi vào thực hành. Sáng kiến
này của cô được đồng nghiệp đánh giá cao, học hỏi và nhân rộng.
Tất cả vì học trò
“Một, hai lỗi của học
trò không thể nói lên hạnh kiểm của một năm rèn luyện… Tôi tâm niệm, nếu học
trò có lỗi lầm, vấp ngã hay thất bại thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về
người thầy”, cô Trương Thị Hữu Nhơn.
 
Không dừng lại ở vai trò một
giáo viên giỏi chuyên môn khi liên tục tìm tòi đưa ra sáng kiến, phương pháp dạy
phù hợp theo nhu cầu học trò, cô Nhơn còn được nhiều lớp học trò dù đã “qua
sông” vẫn nhắc nhớ bởi sự tâm huyết của mình. Là bởi với cô, tuy đã… hết bổn
phận, trách nhiệm giảng dạy của mình nhưng vẫn không ngừng dõi trông theo các
em. Đơn cử dễ thấy nhất là tấm lòng của cô đối với nhiều học trò giỏi môn sinh
của mình. Trong nhiều năm giảng dạy, cô Nhơn đã phát hiện và đào tạo được nhiều
em vinh dự đứng trong đội tuyển giỏi sinh của TP, chuẩn bị cho kỳ thi toàn quốc.
Biết rằng khi các em đã nằm trong đội tuyển của TP, cô Nhơn đã không còn trách
nhiệm bồi dưỡng, bởi lúc này các em thường được tập trung về các trường chuyên,
được bồi dưỡng chuyên sâu ở môi trường chuyên nghiệp, song cô vẫn chưa cho phép
mình chấm dứt bổn phận. Ngược lại, cô Nhơn vẫn tiếp tục theo các em bằng cách sẵn
sàng giải đáp thắc mắc ở mọi nơi, mọi lúc. Cô cho biết nằm trong đội tuyển của
TP, được bồi dưỡng chung với các học trò vốn học ở trường chuyên, xuất sắc hơn
về năng lực nên nhiều học sinh của cô tỏ ra e dè, ngại ngần, thậm chí nếu có
khúc mắc cũng không dám hỏi bạn, hỏi thầy. Vì vậy mà sau mỗi buổi ôn luyện, cô
thường gọi hỏi thăm các em để nắm bắt tình hình và giảng giải tận cùng những
câu hỏi nếu có…
Một điều nữa, hiếm thấy là ở
Trường Lê Quý Đôn, cô Nhơn còn được nhiều học trò tin cẩn như là một người bạn,
chỗ dựa tinh thần và thậm chí là nhà tư vấn riêng của mình khi không ít lần cô
lắng nghe, ngồi lại với các em sẻ chia tâm sự. Đó là chuyện em N. nửa đêm tìm đến
cô nhờ giải giùm bài toán… tình yêu, khi N. quá đau khổ do “lỡ” rung rinh một bạn
nam cùng lớp song người bạn này lại dửng dưng, hờ hững. Hoặc chuyện các em “đỏ
mặt” không biết hỏi ai ngoài cô giáo Nhơn về những biến chuyển, khác lạ xảy ra
trong cơ thể do có sự đổi thay nội tiết ở lứa tuổi dậy thì… Để được học trò tin
yêu như vậy, bản thân cô đã cố gắng rất nhiều để xóa bỏ khoảng cách, lằn ranh của
sự sợ hãi vốn thường có giữa một giáo viên với học trò bằng sự gần gũi, bao
dung. Điều đó còn giúp cô thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng và cảm thông nhiều
hơn với các em, nhất là với những học trò có cái tên chung là “cá biệt”, để từ
đó tìm chọn một phương pháp giảng dạy phù hợp. Bởi cô quan niệm, ba năm phổ
thông là giai đoạn các em rèn luyện không chỉ kiến thức mà còn cả tác phong, nhân
cách, hạnh kiểm. Do đó, bổn phận của người thầy không chỉ săm soi trách phạt lầm
lỗi mà đòi hỏi phải thấu đáo ngọn nguồn dẫn đến hành vi sai trái của các em, từ
đó biết đưa ra những quyết định đúng về nhận xét, trách phạt.
Bài, ảnh:
Ngân Du

 
Với những cố gắng của
mình, cô Trương Thị Hữu Nhơn vinh dự nhận bằng khen giáo viên giỏi cấp TP, giữ
vững danh hiệu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp TP từ năm 2000 đến nay; được
Bộ GD-ĐT (năm 2003) và UBND TP (2008, 2010) trao bằng khen là giáo viên gương mẫu,
hoàn thành xuất sắc công việc được giao…
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)