Khi cả thầy và trò đều là F0 – lớp học đặc biệt đã được thiết lập. Trong lớp học đó, thầy trò cùng động viên, dìu nhau vượt qua dịch bệnh.
Giáo viên TP.HCM “vượt khó” đứng lớp trong bối cảnh dịch
Lớp học đặc biệt
Những ngày này, tiết học toán của thầy Hà Minh Sơn (giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) thật đặc biệt. Xen với những bài toán, thỉnh thoảng những lời hỏi thăm lại được thầy trò trìu mến dành tặng nhau… qua màn hình máy chiếu.
“Thầy ơi, hôm nay thầy cảm thấy thế nào ạ?; Thầy có triệu chứng gì không ạ?; Thầy cố gắng ăn uống nhiều thầy nhé…”, “Các em thấy hôm nay thế nào; P.H đã ổn chưa, nhớ mang khẩu trang nhé…” khiến không khí lớp học mùa dịch rộn rã, yêu thương.
Suốt một tuần qua, cùng với một số học sinh là F0, F1, thầy Sơn đứng lớp tại nhà do bản thân là F0, còn học sinh vẫn học trực tiếp ở trường. Các tiết học thầy trò kết nối với nhau qua máy chiếu, qua phần mềm Google Meet. Với 3 lớp dạy, trong đó có 2 lớp 12 và 1 lớp 10, số tiết dạy trong tuần của thầy vẫn đảm bảo 25 tiết.
“Nhà trường không bắt buộc giáo viên F0 đứng lớp nhưng vì tôi không có nhiều triệu chứng, lại cảm thấy mình vẫn có đủ sức khỏe để dạy trực tuyến học sinh nên tôi xung phong nhận lớp. Được gặp học sinh, được nghe các em chia sẻ trong những ngày này, tôi thấy vui vẻ hơn rất nhiều, sức khỏe vì thế cũng nhanh ổn định”, thầy Hà Minh Sơn bày tỏ.
Không chỉ duy trì các hoạt động giảng dạy như bình thường, trong thời gian cách ly điều trị tại nhà thầy Sơn cũng đứng lớp tiết sinh hoạt chủ nhiệm online. Các tiết học đặc biệt khi thầy là F0, nhiều học sinh là F0, F1 không còn khoảng cách.
“Tiết học sẽ có bộ phận giám thị hỗ trợ giáo viên giám sát học sinh song khi thấy thầy bệnh mà vẫn đứng lớp, học sinh rất có ý thức, các em tự quản lớp, tự giác học tập. Trong giai đoạn dịch bệnh, thầy trò cùng nhau chia sẻ các trải nghiệm của mình, cùng nhau tạo tinh thần, tâm lý thoải mái để tăng sức đề kháng trong dịch bệnh. Quan trọng hơn cả là từ các tiết học đặc biệt này sẽ giúp học sinh thích nghi tốt hơn với bối cảnh dịch bệnh hiện tại”, thầy Hà Minh Sơn chia sẻ.
Thầy Vũ Thanh Hùng (GVCN lớp 5T1, Trường TH Trần Hưng Đạo Q.1) cũng vừa hoàn thành thời gian cách ly, điều trị F0 tại nhà. Gần 2 tuần ở nhà, lớp học được thầy chuyển đổi sang trực tuyến.
Nền tảng Zoom sau gần 1 tháng được cất đi, nay thầy trò lại mang ra sử dụng song lần này không đơn thuần là dạy trực tuyến như xưa mà thầy đã là F0, trong lớp cũng có học sinh F0. Tuy nhiên, tâm thế của lần chuyển đổi này đã khác khi đã được chuẩn bị từ trước nên cả thầy và trò đều thích ứng rất nhanh, không còn lúng túng. Phụ huynh cũng chia sẻ, đồng hành.
“Khi kích hoạt trạng thái dạy trực tuyến, thời khóa biểu trực tuyến được sắp xếp linh hoạt hơn, xen kẽ các bộ môn như tin học, tiếng Anh để giáo viên có thời gian để nghỉ giữa các tiết. Thời gian mỗi tiết học cũng được rút ngắn, đảm bảo sức khỏe của thầy và trò. Trong các buổi học, tôi sử dụng các phiếu học tập để học sinh tương tác, thiết kế các trò chơi để không khí lớp học sôi động hơn, học sinh cũng hứng thú hơn khi học trực tuyến”, thầy Hùng cho hay.
Những ngày đầu chớm bệnh, thầy Hùng bị viêm họng, khàn tiếng. Biết thầy bệnh, trong lớp bạn nào cũng ý thức giữ trật tự, chỉ bật mic khi được thầy hỏi. Những lúc giải lao giữa các tiết, học sinh “tranh nhau” hỏi thăm sức khỏe thầy.
“Khi thông báo thầy trở thành F0, nhiều học sinh, phụ huynh hỏi thăm sức khỏe, động viên thầy. Vui nhất là sự an ủi, hiểu chuyện của học sinh. Trong tiết học thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng hỏi thăm của các em. Các em luôn nhắc thầy uống thuốc, ăn nhiều, nhanh khỏe để trở lại trường. Sự vững vàng của thầy lúc này cũng là điểm tựa để các em vượt qua bệnh tật, không sợ hãi trước bệnh tật …”, thầy Vũ Thanh Hùng bày tỏ.
Liều thuốc bổ vượt lên trên dịch bệnh
Nếu như thời điểm đầu năm học, việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến phòng chống dịch, đâu đó vẫn còn giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa thực sự sẵn sàng. Thì hiện nay, ngay cả khi trở lại trường học trực tiếp, tâm thế sẵn sàng chuyển đổi bất cứ khi nào lại được giáo viên, phụ huynh và học sinh thành phố thích nghi hơn bao giờ hết.
“Tinh thần của mỗi thầy cô là rất quan trọng. Khi là F0, nếu giữ một tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái thì sẽ dễ dàng vượt qua. 1 tuần, 2 tuần học trực tuyến lúc này không đơn thuần chỉ còn là trang bị kiến thức cho học sinh mà còn là sự động viên, cổ vũ lẫn nhau giữa thầy trò, cùng vượt qua dịch bệnh để lại được đến trường học trực tiếp”, thầy Vũ Thanh Hùng nhìn nhận.
Học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) trong một hoạt động rèn luyện trực tiếp tại trường
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ trong vòng 1 tháng dạy và học trực tiếp (từ 7-2 đến 2-3), thành phố đã ghi nhận hơn 44.000 ca nghi nhiễm Covid-19 ở cả giáo viên, học sinh. Trong đó, số cán bộ, giáo viên, nhân viên nghi nhiễm Covid-19 là 3.689 ca, phát hiện tại trường là 381 ca. Số học sinh thuộc ca nghi nhiễm là 40.385 ca, phát hiện tại trường là 2.160 ca.
UBND TP.HCM quy định, nếu trong cùng 1 ngày lớp học xuất hiện từ 2 ca F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của trường sẽ quyết định hình thức học tập của lớp. Nếu trong cùng 1 ngày, trường học xuất hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện sẽ quyết định hình thức học tập của trường.
Từ chính sự linh hoạt này đã tạo tính chủ động, thích ứng trong mỗi nhà trường giữa lúc dịch bệnh còn nhiều diễn biến. Không còn tâm lý sợ sệt, hoang mang khi xuất hiện F0 trong lớp, trong trường, trái lại đó là sự bình tĩnh xử trí tình huống, chuyển đổi phương thức.
“Đến giờ này toàn trường đã có hàng chục giáo viên, nhân viên là F0. Đa phần các thầy cô đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Khi thầy cô là F0, trường sẽ cố gắng sắp xếp giáo viên dạy thay, song việc sắp xếp này cũng rất khó. San sẻ khó khăn với nhà trường, nhiều thầy cô là F0 vẫn xung phong dạy trực tuyến. Đây là tinh thần rất đáng trân quý, không chỉ chung tay cùng nhà trường vượt khó mà tinh thần đó còn là liều thuốc bổ động viên học sinh thêm vững vàng trong mùa dịch. Bởi sau cơn mưa, trời lại sáng…”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) bày tỏ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)