Thông tư 22 ra đời dựa trên sự sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học khiến nhiều người tỏ ra vui mừng. Bởi giáo viên đánh giá năng lực học sinh thuận tiện, chính xác hơn; công việc bớt nặng nề hơn.
Với Thông tư 22, giáo viên tiểu học đỡ “nặng đầu” với khâu sổ sách vì đã được tinh giản (ảnh minh họa). Ảnh: T.Ngọc |
Những điểm sửa đổi rất phù hợp
Xét về đánh giá thường xuyên thì Thông tư 22 chú trọng đến nhận xét. Bao gồm nhận xét của giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, phụ huynh với học sinh, coi trọng động viên khuyến khích tinh thần học tập của các em, giúp các em phát huy tối đa khả năng. Còn đánh giá định kỳ, được thực hiện vào 4 thời điểm giữa hai học kỳ, cuối học kỳ 1 và cuối năm. Căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, vào chuẩn kiến thức kỹ năng, giáo viên sẽ đánh giá học sinh theo ba mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Xét về năng lực, phẩm chất, giáo viên căn cứ vào các biểu hiện kỹ năng, nhận thức, thái độ trong đánh giá thường xuyên, từ đó đánh giá các em ở ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng.
Cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM) cho biết: “So với Thông tư 30, hướng dẫn đánh giá tại Thông tư 22 phần nào thể hiện sự toàn diện. Các mặt đánh giá được đưa khá cụ thể, giúp giáo viên có căn cứ đánh giá một cách dễ dàng và chính xác hơn. Đặc biệt, việc yêu cầu học sinh lớp 4, lớp 5 phải có thêm bài kiểm tra giữa kỳ hai môn tiếng Việt, toán sẽ giúp các em biết được học lực của mình đang ở đâu để cố gắng hơn nữa. Phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt được năng lực học của con cái để giúp đỡ các em”. Tuy nhiên, cô Hà cho biết thêm: “Nếu như ngay từ lớp 2, các em cũng có thêm các bài kiểm tra giữa kỳ thì hay hơn nữa”.
Một trong những điểm sửa đổi khác được nhiều người hài lòng là khâu sổ sách đã có sự tinh giản. Trước đây, giáo viên phải ghi nhận xét học sinh vào vở, sổ theo dõi hàng ngày, sổ học bạ…, nhưng đến Thông tư 22, giáo viên chỉ cần bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp và sổ học bạ. Trong các giờ học, giáo viên trực tiếp nhận xét bằng lời đối với học sinh, tùy từng trường hợp mới ghi vào vở.
“So với Thông tư 30, hướng dẫn đánh giá tại Thông tư 22 phần nào thể hiện sự toàn diện. Các mặt đánh giá được đưa khá cụ thể, giúp giáo viên có căn cứ đánh giá một cách dễ dàng và chính xác hơn”, cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM), nói. |
Tại TP.HCM, hầu hết các trường học đã sử dụng sổ liên lạc điện tử, mọi việc đều thao tác dựa trên công nghệ thông tin, vì thế công việc càng giảm bớt sự khó khăn cho giáo viên. Một giáo viên tiểu học ở Q.Gò Vấp chia sẻ, sổ sách giảm bớt, giáo viên chủ yếu nhận xét bằng lời nói, kết hợp với sử dụng sổ liên lạc điện tử sẽ giúp khối lượng công việc giảm đi rất nhiều, không nặng nề như trước kia. Qua đó, giáo viên có nhiều thời gian đầu tư cho bài giảng, quan tâm đến năng lực học sinh của mình hơn. Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, giáo viên có thể trực tiếp góp ý với phụ huynh, tăng tính kết nối giữa nhà trường và phụ huynh.
Cần quán triệt đúng tinh thần của thông tư
Không thể phủ nhận tính tích cực của Thông tư 22, tuy nhiên, để thông tư này được thực hiện hiệu quả, thực sự giảm tải cho giáo viên, giúp học sinh học tốt, cô Võ Ngọc Thu (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM) cho rằng Sở GD-ĐT phải triển khai thực hiện đúng như tinh thần của thông tư.
Theo cô Thu, các hình thức nhận xét được khuyến khích linh hoạt, không cứng nhắc. Theo đó, giáo viên có thể nhận xét bằng lời hoặc ghi vào vở, tùy trường hợp. Chính vì điều này sẽ khiến lãnh đạo một số trường lo ngại không kiểm soát được chất lượng giáo dục, dẫn đến không tin tưởng giáo viên. Từ đó quay lại bắt các giáo viên phải viết, phải ghi chép vào sổ sách, như thế thầy cô lại hết sức vất vả, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. “Phải có sự tập huấn, chuẩn bị kỹ càng và triển khai đúng như tinh thần của thông tư”, cô Thu cho biết.
Một vấn đề mà cô Thu cũng kiến nghị thêm, đó là với bài kiểm tra cuối lớp 5 nên giao cho phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT ra đề thi. Như vậy kết quả học tập suốt 5 năm của học sinh được đánh giá chính xác, khách quan, không cào bằng. Quy định này còn “nhắc nhở” giáo viên có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục học sinh trong bất kỳ thời điểm nào. Ngược lại, nếu tiếp tục giao cho nhà trường ra đề, sẽ có đề thi dễ, đề thi khó, kết quả đánh giá năng lực học sinh không giống nhau. Điều này còn gây khó khăn cho các trường THCS khi xét tuyển lớp 6.
N.Trinh
Bình luận (0)