Câu chuyện hàng chục nữ giáo viên (GV) trẻ đẹp bị điều đi làm tiếp tân tại các hội nghị, lễ hội ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận tuần qua. Truyền thông trích lại lời các cô giáo cho biết sau khi làm nhiệm vụ “rót nước, pha trà”, các cô còn đi phục vụ bia, rượu và hát karaoke với các quan khách. “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách, thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…” – một cô giáo chia sẻ.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, cho rằng việc chính quyền điều GV tiếp khách là do nhiệm vụ chính trị. Nhiệm vụ chính trị theo ông Hổ là các sự kiện hội nghị xúc tiến đầu tư và liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Ông Hổ còn cho hay việc tuyển các cô giáo có ngoại hình đẹp sẽ khiến việc tiếp khách hiệu quả hơn. Vị chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh khẳng định những người được cử đi phải hãnh diện. Sắp tới nếu có sự kiện lớn địa phương sẽ tiếp tục điều động.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc làm này của thị xã Hồng Lĩnh là có dấu hiệu lạm quyền. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Có những lúc cần thiết thì phải điều động như cứu hộ, cứu nạn, thiên tai. Nhưng bình thường mà điều động GV đi làm những việc không đúng với chức năng của một nhà giáo như đi tiếp khách thì đó là hành động rất phản cảm. Dù có biện hộ bằng cách nào thì cũng không thể chấp nhận được. Bản thân GV không phải là người đi tiếp khách, đi làm lễ tân mà phải tập trung cho giáo dục”.
Việc phê phán của dư luận đối với vụ việc điều nữ GV đi “tiếp tân” như thế là quá đủ, có lẽ không cần phê phán thêm. Tuy nhiên, sự việc trên đã để lại niềm ray rứt đối với các nhà giáo. Xét cho cùng vì đâu có chuyện quan chức địa phương dễ dàng điều GV làm tiếp tân mà không chút băn khoăn, thậm chí xem đó là vinh dự cho GV?
Theo chúng tôi, có lẽ nguyên nhân chính là vị trí xã hội của người thầy đã đổi khác, hay nói cách khác là xuống rất thấp. Ngày trước, người làm thầy rất được xã hội tôn trọng. “Quân, sư, phụ” – vua rồi tới thầy, sau đó mới cha mẹ. Nên không chỉ người dân bình thường mà cả các quan chức, thậm chí có người đỗ trạng nguyên, làm đến chức cao nhất trong triều đình cũng rất mực kính trọng người thầy. Có thể kể ra nhiều câu chuyện trong lịch sử về các trạng nguyên vinh quy bái tổ thường tới nhà thầy trước để bái tạ tri ân công dạy dỗ của thầy, sau đó mới về nhà cha mẹ. Ngày nay, nhiều người mới nắm chức lãnh đạo (mới hạng thấp thôi) đã có cái nhìn rất lệch lạc về người thầy. Họ ký văn bản muốn điều người thầy nào đi làm tiếp tân thì điều. Việc làm nào phản ánh nhận thức ấy: họ xem GV như cấp dưới, kẻ thừa hành. Cái nhìn lệch lạc này có lẽ bắt nguồn từ xu hướng của một bộ phận xã hội hiện nay thường lấy thước đo vật chất để đo giá trị con người. Người giàu thì được tôn vinh, người nghèo thì bị coi thường, rẻ rúng. Một khảo sát mới đây của HĐND TP.HCM cho thấy thu nhập trung bình của GV khoảng 6 triệu đồng/tháng, với người mới vào nghề thì khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nếu lấy thước đo vật chất để đánh giá con người thì đôi khi nhà giáo còn thua cả nhân viên tiếp tân khách sạn, tiếp viên nhà hàng. Bởi vậy, khi ký điều GV đi làm tiếp tân có người không thấy đó là điều sĩ nhục mà còn cho là vinh dự cho GV.
Quả thật phẩm chất người thầy đã bị thử thách quá nhiều bởi những việc làm tầm thường hóa. Thiết nghĩ phải ngăn chặn ngay những hoạt động tương tự, không để tái diễn trong tương lai. Các tổ chức bảo vệ nhà giáo như hội giáo chức, công đoàn cần lên tiếng chính thức. Thay vào đó hãy tạo điều kiện cho nhà giáo làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình: Đào tạo thế hệ trẻ cho đất nước vững bền muôn đời sau.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)