Cô Hạ Vy đang nuôi con nhỏ lo lắng về việc phải đi dạy xa |
Đầu năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Quảng Nam có công văn tuyển dụng viên chức Nhà nước đối với các giáo viên đang dạy hợp đồng tại các cơ sở bán công và công lập, đóng bảo hiểm xã hội đến trước 1-9-2010, đem đến cho các giáo viên này niềm vui khôn xiết. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến không ít trường hợp dở khóc dở cười…
Theo các giáo viên vừa được tuyển dụng thì, nếu theo nghề các cô phải đến công tác ở những nơi xa nhà cả trăm cây số trong khi con cái còn nhỏ dại, cha mẹ già yếu cần chăm sóc. Nếu vì gia đình mà ở lại thì chịu… mất việc!
Cơ chế thắt nút
Các giáo viên bấy lâu nay thấp thỏm với cái hợp đồng giảng dạy không biết bị cắt lúc nào thì nay lại có cơ hội trở thành giáo viên biên chế hẳn hoi. Đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình sống chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi do họ kiếm được sau mỗi tiết đứng lớp, đặc biệt là với nhiều người yêu nghề giáo, giây phút được cầm trên tay quyết định vào biên chế như “tấm căn cước” bất ly thân thì không có gì hạnh phúc bằng. Thế nhưng, có rất nhiều giáo viên đứng trước cái quyết định ấy họ lại rơi nước mắt. Trớ trêu thay, nỗi buồn ấy lại xuất phát từ chính những tờ quyết định được vào… biên chế!
Tìm hiểu được biết, việc có quyết định tuyển dụng giáo viên trong năm học mới này Sở GD-ĐT Quảng Nam nhằm hướng tới mục đích bổ sung nguồn nhân lực cho các trường đóng trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng trung du, trường phổ thông dân tộc nội trú… Xét trên mặt lý thì đây là quyết định không hề sai trái. Nhưng việc chỉ tuyển giáo viên cho các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa… vô tình đã trở thành cái eo “thắt” nhiều giáo viên, đặt họ trước sự lựa chọn: hoặc là bỏ cha mẹ già, con dại để có nghề nghiệp hoặc bỏ nghề.
Cô Đỗ Thị Mỹ Nga – giáo viên môn văn, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Hội An) có thâm niên 10 năm đứng lớp rưng rưng nước mắt: “Được vào biên chế ổn định thì chúng tôi rất mừng. Nhưng oái oăm ở chỗ, sở đưa ra nơi công tác cho chúng tôi chọn lựa lại là những trường ở miền núi hoặc các điểm trường cách xa gia đình chúng tôi từ 50 đến gần cả trăm cây số. Với những giáo viên chưa lập gia đình hoặc gia đình có điều kiện thì không sao nhưng hoàn cảnh ba mẹ già, con cái còn quá nhỏ dại thì việc đi xa quả là vấn đề nan giải. Nếu không chọn những nơi đó thì đồng nghĩa với việc chúng tôi phải bỏ nghề. Mà bỏ nghề thì không biết lấy gì để sống”.
Không riêng cô Nga, ở Trường THPT Nguyễn Trãi có 16 trường hợp thì trong đó có 4 cô giáo đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Chính họ đang cầm những quyết định đến nơi công tác mới và đang trong thời gian đợi con của họ đủ 12 tháng thì sẽ phải lên đường đến nhiệm sở mới.
Trọn lý nhưng chưa trọn tình?
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường Cẩm Hà, TP.Hội An, cô Hạ Vy, giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Trãi buồn bã cho biết: “Nhà mình neo người, mẹ già 80 tuổi đang mắc bệnh tim cần chăm sóc. Nhà có hai cháu nhỏ, cháu đầu được 3 tuổi, cháu thứ hai mới 3 tháng. Chồng mình đang phải theo học ở TP.Đà Nẵng thêm 3 năm nữa. Bây giờ mình đã có quyết định và đang đợi cháu nhỏ đủ 12 tháng tuổi thì sẽ phải đi dạy ở huyện Đại Lộc cách xa nhà hơn 50 cây số, mình cũng chưa biết phải sắp xếp việc gia đình như thế nào. Mình muốn xin ở lại lắm nhưng như thế mình không biết xin dạy ở đâu?”.
Đồng cảnh ngộ, cô Thu Hà hiện đang phải đi về 100 cây số mỗi ngày. Để làm tròn “nghĩa vụ”, cô Hà phải thức dậy từ 3 giờ sáng, cơm nước cho con cái xong, lại tất bật chạy xe gần 50 cây số trên quãng đường trơn trượt, bùn đất nhầy nhụa của huyện Đại Lộc để tới trường. Tan học buổi chiều lại vội vã chạy về để kịp lo cơm nước cho gia đình và đứa con 2 tuổi. “Nhiều lúc mệt muốn đứt hơi, muốn bỏ dạy nhưng nghĩ các em cần mình và chính mình cũng cần công việc cho cuộc sống nên chấp nhận. Dẫu biết rằng với tâm thế như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học của các em nhưng mình không còn sự lựa chọn nào khác”, cô Hà sụt sùi nói.
Ngoài những trường hợp như cô Vy, cô Hà, vì hoàn cảnh gia đình, nhiều giáo viên đành phải ngậm ngùi rời bục giảng dẫu rất tiếc nuối. Cô Như Mai, giáo viên Anh văn và thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên thể dục của Trường THPT Nguyễn Trãi là những trường hợp điển hình. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng Trường THPT Nguyễn Trãi, ở Quảng Nam còn có nhiều trường như Trường THPT Thái Phiên (huyện Thăng Bình) cũng có trường hợp tương tự. Theo đánh giá của các hiệu trưởng quản lý ở nhiệm sở cũ, tất cả họ đều là những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết, có kinh nghiệm và đam mê nghề nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Đỗ Thị Mỹ Nga nói: “Là giáo viên, việc nhận nhiệm vụ theo sự phân công của sở là trách nhiệm chúng tôi cần phải tuân theo. Có điều chúng tôi không biết phải chọn lựa như thế nào và thực sự bế tắc khi phải giải bài toán nghề nghiệp với gánh nặng gia đình”. “Chúng tôi chỉ mong Sở GD-ĐT Quảng Nam xem xét cho chúng tôi công tác gần gia đình cho đến khi con cái mình đủ 3 tuổi để có thể gửi con vào mẫu giáo, lúc đó nhận nhiệm vụ ở xa tôi cũng đồng ý”, cô Nga bộc bạch.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)