Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên khuyên học sinh không bói đề, không mở bài kết bài theo văn mẫu trong kỳ thi 10

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thầy Võ Kim Bảo giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), việc bói đề, đoán đề thi tuyển sinh 10 sát ngày thi sẽ khiến học sinh hoang mang, lo lắng. Thay vào đó thí sinh cần ôn lại kỹ năng làm bài.


Giáo viên khuyên học sinh không bói đề, đoán đề thi tuyển sinh 10 mà nên tập trung ôn lại kỹ năng làm bài

Càng gần đến ngày thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 (ngày 6, 7-6) trên các diễn đàn mạng lại xuất hiện những dòng trạng thái “bói đề”, đoán đề thi. Điều này khiến không ít thí sinh hoang mang…

“Năm ngoái đề thi chủ đề lòng yêu nước thi năm nay em bỏ có được không”; “Topic: đoán đề thi tuyển sinh 10 môn văn”; “Top các bài đề thi tuyển sinh 10 có thể ra”… những dòng trạng thái đăng tải trên trang fanpage học sinh TP.HCM với gần 400.000 thành viên thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm nay.

Tuy nhiên, theo các giáo viên, thí sinh cần cẩn trọng với tình trạng bói đề, đoán đề thi tuyển sinh vào lớp 10.

Thầy Võ Kim Bảo – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) khuyên, thời điểm này thay vì bói đề, đoán đề, thí sinh nên tập trung ôn lại kỹ năng làm bài. Trong trường hợp nếu đề 1 nghị luận văn học không rơi vào phần thí sinh đã ôn kỹ thì các em vẫn có thể chọn đề 2 và đạt được điểm nếu nắm chắc kỹ năng làm bài.

“Đề ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM không đặt nặng yêu cầu thí sinh phải viết thật sâu, thật kỹ, chau chuốt mà đòi hỏi thí sinh nhiều về kỹ năng làm bài. Do đó, các em cần tập trung ôn lại kỹ năng làm bài, xem lại kiến thức phần tiếng Việt học kỳ 1 tránh bỏ sót kiến thức. Không nên coi những trang mạng để bói đề, đoán đề, không nghe tin đồn… từ bạn bè, sẽ làm cho các em bị hoang mang, lo lắng”.

Đặc biệt, theo thầy Bảo, thời điểm này chính phụ huynh cũng phải tỉnh táo trước những thông tin không chính thống về đề thi tuyển sinh 10 trên mạng xã hội, để tránh tạo thêm áp lực và hoang mang cho con trong kỳ thi.

Bước vào làm bài thi, thầy Bảo khuyên học sinh cần cân đối thời gian làm bài, làm chắc những câu lấy được điểm. Khi làm bài thi xong, tránh trao đổi đáp án cũng như lên mạng dò đáp án, không dùng mạng xã hội, tránh đọc nhận định đề. Đáp án chính thức phải do Sở công bố.

“Một trong những băn khoăn của thí sinh khi làm bài thi ngữ văn tuyển sinh 10 là với câu nghị luận văn học thì chọn đề 1 hay đề 2. Việc chọn đề nào là cần sự cân nhắc phù hợp với năng lực học sinh. Đề 2 không yêu cầu cao hơn đề 1, học sinh chỉ cần đảm bảo yêu cầu của đề là có thể đạt được điểm tốt” – thầy Bảo nói.

Giáo viên này đặc biệt nhấn mạnh, học sinh không nên có tâm lý học thuộc các mở bài, kết bài từ văn mẫu để áp dụng khi làm bài thi tuyển sinh 10 môn ngữ văn. Mở bài không đòi hỏi yêu cầu quá cao mà thí sinh chỉ cần giới thiệu được vấn đề và nêu nhận định được vấn đề là đã có thể đạt từ 0,25-0,5 điểm.

“Trên thực tế, hàng năm vẫn còn tình trạng học sinh học thuộc lòng văn mẫu, học thuộc lòng mở bài theo kiểu… “đục lỗ”. Từng nhiều lần chấm ở hội đồng thi mà có tới 30-40% thí sinh trong hội đồng đó có cùng 1 kiểu mở bài, kết bài với những câu văn mượt mà. Điều này rất gây phản cảm cho giám khảo khi chấm…”.

“Ở môn ngữ văn, trong quá trình ôn tập, nhiều học sinh thường dùng phương pháp loại trừ các tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh những năm trước đó để đỡ mất nhiều thời gian ôn tập. Tuy nhiên, việc một tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh các năm trước không có nghĩa là không được đề cập đến trong năm nay. Đồng thời, môn ngữ văn thường đòi hỏi liên hệ với các tác phẩm khác có chung chủ đề, do đó việc học theo phương pháp loại trừ sẽ khiến các em có thể thiếu tư liệu để bài viết phong phú.

Để làm bài thi đạt điểm cao không thể nhờ vào may rủi từ việc học tủ, học lệch mà trong quá trình ôn tập các em phải có chiến lược ôn tập hiệu quả và nghiêm túc ở từng môn thi. Việc học tủ, học vẹt sẽ khiến các em gặp khó khi làm bài thi” – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc khuyên.

Theo ông Trần Tiến Thành – chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM, hạn chế của học sinh khi làm bài Nghị luận văn học trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn là thường diễn xuôi lại tác phẩm. Bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.

Ngoài ra, việc phân bổ thời gian không hợp lí cho các phần, các câu; đọc đề không kĩ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về 1 ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài)… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến bài làm mà học sinh cần phải khắc phục. Mặt khác, cũng có em quá lo lắng, căng thẳng dẫn đến ảnh hưởng đến bài làm.

“Hiện tại, các em cần nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học. Rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện. Đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong sách giáo khoa. Dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể” – ông Trần Tiến Thành khuyên.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)