Tại hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 9, 12 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 5-3, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, với thông tư 27 trao quyền chủ động chọn sách giáo khoa cho từng cơ sở giáo dục thì thầy cô là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc chọn sách giáo khoa.
Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh mỗi thầy cô là nhân tố quan trọng quyết định chọn sách giáo khoa
Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa của các nhà xuất bản được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức rộng rãi bằng nhiều hình thức: trực tiếp, trực tuyến đến các điểm cầu, ghi hình để chuyển đến giáo viên… nhằm giúp quá trình nghiên cứu, tiếp cận sách giáo khoa của giáo viên được tốt nhất.
Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, những năm trước việc hướng dẫn chọn sách giáo khoa được TP.HCM tổ chức theo các quy định của Bộ GD-ĐT qua các thông tư 01, 25. Tuy nhiên điểm mới của công tác chọn sách giáo khoa năm nay đó là thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT, trong đó rõ rệt nhất là giao quyền chủ động chọn sách giáo khoa cho từng cơ sở giáo dục. Mỗi nhà trường là nhân tố quan trọng để tổ chức giảng dạy các môn học theo đầu sách giáo khoa mà trường đã lựa chọn phù hợp nhất cho công tác dạy học.
Phòng Giáo dục Trung học sẽ hướng dẫn việc thực hiện thông tư 27 đến các phòng giáo dục quận, huyện và TP.Thủ Đức, các cơ sở giáo dục, làm sao thực hiện tốt việc chọn sách, đảm bảo tiêu chí sách giáo khoa phải phù hợp với cơ sở giáo dục.
“Trong buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa hôm nay, các nhà xuất bản với vai trò ở các bộ sách của mình làm sao thể hiện, giới thiệu được các nét đặc trưng của từng đầu sách, bộ sách, giúp giáo viên nhận diện lựa chọn chính xác nhất, phù hợp với điều kiện từng đơn vị nhà trường. Đây là mong muốn của Sở GD-ĐT TP.HCM đến các nhà xuất bản” – ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Đối với giáo viên, nhà trường, ông Dương Trí Dũng yêu cầu việc chọn sách cần căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức giảng dạy ở nhà trường, theo điều kiện tình hình kinh tế xã hội của địa phương để lựa chọn đầu sách giáo khoa phù hợp nhất với môn học đó. Mỗi thầy cô là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc sách giáo khoa sẽ sử dụng trong đơn vị mình trong năm học tới.
Hiệu trưởng cần nghiên cứu thật kỹ thông tư 27
Theo ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, từ trước khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, TP.HCM đã tổ chức dạy học theo chương trình. Khi Chương trình GDPT 2018 triển khai, TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò đó.
Do vậy, với việc chọn lựa sách giáo khoa, ông lưu ý các nhà trường cần xác định việc chọn lựa sách giáo khoa phù hợp với học sinh của trường mình. Các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục cần tổ chức quán triệt thông tư 27 và triển khai các nội dung để tổ chức thực hiện việc chọn sách giáo khoa đúng quy định, đảm bảo tiến độ.
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa cho năm học mới
“Khác với năm trước, năm nay cơ sở giáo dục là chủ thể để trực tiếp chọn sách giáo khoa sử dụng trong trường mình, còn các năm trước thì trường làm đề xuất chọn lựa. Như vậy, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường là cần phải nghiên cứu thật kỹ thông tư 27 để thực hiện tốt quyền mà Bộ GD-ĐT đã quy định. Làm sao phát huy đúng tinh thần tại TP.HCM là thầy cô thì sử dụng tất cả các sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt, làm tư liệu để dạy học. Đồng thời trang bị tất cả các đầu sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt ở thư viện để phục vụ cho giáo viên, học sinh nghiên cứu. Quy trình chọn sách giáo khoa cần chọn lựa bộ sách phù hợp nhất với học sinh trường mình, làm đầy đủ hồ sơ theo quy định của Thông tư 27, gửi về cơ quan quản lý. Trên cơ sở chọn lựa chọn nhà trường, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT tổng hợp, trình UBND TP.HCM phê duyệt kết quả và công bố” – ông Lê Duy Tân lưu ý.
Chia sẻ tại buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa, ông Nguyễn Tiến Công – Giám đốc Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM cho biết, đợt tập huấn sách giáo khoa lớp 9, 12, Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM đã lựa chọn những tác giả tiêu biểu đại diện cho các nhóm tác giả đã dày công biên soạn, hoàn thành các đầu sách giáo khoa. Từ đó mang triết lý giáo dục chuyển đến thầy cô, giới thiệu đến thầy cô ưu điểm từng cuốn sách để có cơ sở lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất trong cơ sở giáo dục.
“Việc tập huấn chỉ là bước đầu, trong suốt quá trình thầy cô giảng dạy, các nhà xuất bản, tác giả, thông qua nhiều kênh sẽ tiếp tục hỗ trợ thầy cô, kịp thời giải đáp những vấn đề còn chưa thông suốt của thầy cô trong quá trình giảng dạy” – ông Công nói thêm.
Yến Hoa
Bình luận (0)