Trong hội nghị giao ban cấp tiểu học, THCS mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết việc lạm dụng đổi mới phương pháp dạy học như thuyết trình sẽ tạo áp lực cho học sinh, đồng thời yêu cầu giáo viên không quá lạm dụng.
Giáo viên phải hài hòa phương pháp đổi mới hướng đến giảm áp lực cho học sinh
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, gần đây có ý kiến học sinh phản ánh thầy cô giao quá nhiều nhiệm vụ học tập về nhà cho học sinh như bài thuyết trình, đề án, dự án học tập rồi yêu cầu học sinh lên báo cáo để đánh giá. Việc giao các yêu cầu này mà giáo viên không hướng dẫn thì chưa đảm bảo các yêu cầu dạy học theo yêu cầu.
Theo ông, TP.HCM đang định hướng xây dựng Bộ học liệu số tương tác theo Chương trình GDPT 2018 và lộ trình đến năm 2025 Bộ học liệu số tương tác sẽ chiếm tối thiểu 35% thời lượng, nội dung chương trình giáo dục. Bộ học liệu số không đồng nghĩa với việc tổ chức thành tiết dạy trên internet mà là phục vụ cho quá trình chuyển đổi dạy học, đẩy mạnh chuyển đổi số để giúp quá trình tự học, học theo hướng dẫn, đọc hiểu của người học trước khi lên lớp, tạo điều kiện cho giờ học trực tiếp có nhiều thời gian hơn để giờ dạy đạt kết quả… Chuyển đổi số trong kiểm tra đánh giá. “Các trường không nhầm lẫn việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, đổi mới dạy và học với việc lạm dụng đổi mới” – ông Tân lưu ý.
Ngoài ra, ông cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50 trường học chuyển đổi số. Do đó, đề nghị 100% trường cùng thi đua chuyển đổi số, biến trường học thành trường học số song không lạm dụng ứng dụng CNTT thái quá mà phải mang tính mục đích.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thời gian qua có tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị thuyết trình ở nhà để vào lớp thuyết trình.
Theo ông, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây ra phản cảm nặng nề trong việc dạy và học. Do vậy, giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong 1 tuần, 1 tháng thì vừa sức với học sinh, chứ không lạm dụng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ: Việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT khác với giao bài tập về nhà. Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.
“Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học thì không giao bài tập về nhà để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức”.
Đối với việc xếp thời khóa biểu các môn học thuộc chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng. Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Trước khi xếp lớp phải được sự đồng thuận của phụ huynh thì sẽ không có tình trạng đang giờ học chính khóa đến giờ học đề án có học sinh không học. Sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận thì phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh để có sự đồng thuận.
Thực hiện tất cả các khoản thu trên hệ thống Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, TP.HCM là địa phương đầu tiên có Nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM. Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường triển khai thực hiện một số nội dung giáo dục trên tinh thần dịch vụ, cung ứng dịch vụ. Để tổ chức thu, Sở GD-ĐT đã yêu cầu trường xây dựng dự toán thu – chi cụ thể về những nội dung gì, sau khi dự toán xong mới tính ra số học sinh của lớp, trường để quy ra con số thu cụ thể. Do đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường nào thu “chẵn” số tối đa 300 ngàn đồng/học sinh/tháng là Phòng Kế hoạch Tài chính – Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ xuống kiểm tra xem cách dự toán của trường như thế nào và sẽ xử lý nếu không làm rõ. Liên quan đến các khoản thu, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị phòng giáo dục tham mưu với UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chấn chỉnh xử lý các trường hợp thu không đúng quy định. Theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn do đó thu sai là phải xử lý. Trong trường học, tất cả việc thu của ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng cần nắm rõ, để bàn bạc, đảm bảo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh. Nếu ngó lơ hoặc không quan tâm chỉ đạo thì lỗi lớn của hiệu trưởng nhà trường. “Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch Tài chính hướng dẫn tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống không dùng tiền mặt, để sở quản lý được việc trường thu như thế nào” – Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu.
|
“Nghị quyết 04 của HĐND TP quy định về các khoản thu dịch vụ, tức là học sinh nào có nhu cầu thì nhà trường mới cung cấp chứ không bắt buộc. Trong hướng dẫn của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) thì khi giáo viên trong trường đã dạy hết giờ nghĩa vụ rồi (23 tiết/tuần) mà còn dư giờ theo giờ chính khóa là 35 tiết/tuần thì trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh” – ông Hiếu nói thêm.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng làm rõ: Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày thì không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khóa biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hòa với năng lực tiếp thu của học sinh. Xếp thời khóa biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải. Những nội dung liên quan Chương trình GDPT 2018, chương trình 2 buổi/ngày thì trong kế hoạch nhà trường xây dựng từ đầu năm học có sự đồng thuận của phụ huynh thì được xếp vào các tiết học trong ngày của học sinh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)