Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị giáo án chu đáo dạy càng “khỏe”

GV phải biết tính toán thời lượng để không phải rơi vào tình trạng “cháy” giáo án (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Khi soạn giáo án, giáo viên (GV) phải dựa vào sách giáo khoa (SGK) để tìm các ý tưởng, nhất là sách GV. Do chương trình thay đổi nên có một số thuật ngữ cũng khác hẳn trước đây nên cách truyền đạt tri thức cũng phải thay đổi theo. Con đường truyền thụ không chỉ khác mà còn có nhiều lối đi hơn so với trước đây. Trong khâu chuẩn bị lên lớp, nếu GV xa rời SGK thì sẽ không thống nhất trong cách dẫn dắt nội dung. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm chấm bài thi, bài kiểm tra của học sinh cũng giúp GV có cách giải quyết vấn đề mới mẻ hơn. Vì thế mới có hiện tượng bài giảng ở lớp học thêm khác với bài giảng chính khóa trên lớp. Đó là do người dạy chính khóa bám sát chương trình. Một số GV có kinh nghiệm lại thường ỷ lại nên cách diễn đạt thường đi theo lối mòn do họ không nắm được bản chất vấn đề. Trong khi đó, GV trẻ lại không biết xử lý tình huống, thiếu kinh nghiệm ứng xử bất ngờ trên bục giảng, dù khâu chuẩn bị trước giờ lên lớp rất chu đáo. 
Xin nói thêm, sách GV nếu không biết sử dụng sẽ dễ trở thành “con dao hai lưỡi”, vì người thầy phải biết tùy thuộc vào đối tượng học sinh mình đang quản lý mà sử dụng. Và đặc biệt là không được máy móc, khiên cưỡng khi vận dụng chúng. Tôi lấy ví dụ, tuy giải cùng một bài tập nhưng ở mỗi lớp có thể được thực hiện các cách khác nhau, vì còn tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận và trình độ của học sinh.
Có người cho rằng soạn giáo án môn toán “khỏe” hơn các môn khác. Đó là một quan niệm chưa đúng, vì GV mà lơ là chủ quan là dễ bị “tắc tị” khi giảng bài trên lớp. Không thể cho ra đáp số nếu khi giải GV bị nhầm dấu, cho giả thiết bằng những con số lẻ… Ngoài ra, nếu thiếu sự chuẩn bị chu đáo, chỉ dựa vào tính nhẩm thì rất dễ mắc phải hậu quả đáng tiếc. Nói chính xác là người dự giờ môn toán thường thấy GV lên lớp rất thoải mái nhưng muốn thế GV phải chuẩn bị rất kỹ càng và đầu tư rất nhiều thời gian. Dạy càng “khỏe” chứng tỏ GV càng chuẩn bị rất chu đáo. Điều tưởng như nghịch lý mà lại là sự thật.
Nguyễn Thị Lê Hương 
(Trưởng bộ môn Toán Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.HCM)
LTS: Sau khi Giáo Dục TP.HCM đăng loạt bài “Để có tiết dạy thành công?”, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của quý thầy cô, bạn đọc. Để thầy cô giáo ở các bộ môn, các bậc học có điều kiện trao đổi kinh nghiệm về công việc “bếp núc” trước giờ lên lớp, Giáo Dục TP.HCM mở diễn đàn: “Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?”. Rất mong nhận được các ý kiến chia sẻ của thầy cô giáo (đang đứng trên bục giảng hay đã về hưu hoặc nhà quản lý giáo dục…) và độc giả. Trong số báo này, tòa soạn xin giới thiệu hai ý kiến chia sẻ đầu tiên.
 

Phải lường trước những tình huống không có trong giáo án
Dạy đúng chuẩn và quy củ thì GV bao giờ cũng cực hơn. Hiện nay có một thực tế là giáo án có sẵn được in ra rất nhiều, nếu GV chỉ đọc mà không nghiên cứu thì dạy không sâu, nhưng xài giáo án của người khác lại càng không nên. Có thể dựa vào giáo án của người khác rồi thay đổi, thêm bớt một chút, nghiên cứu tiến trình dạy sao cho phù hợp. Tuy nhiên diễn tiến lớp học có khi không đi đúng định hướng giáo án, chỉ có GV dạy lâu năm mới lường trước được những tình huống “ngoài giáo án” này. Có một thực trạng thường xảy ra, đó là GV trẻ ít có kinh nghiệm xử lý tình huống. Tuy trong giáo án những tình huống này không xuất hiện trước nhưng chúng ta phải biết lường trước để tìm cách ứng phó một cách chủ động. Nếu thiếu “tầm nhìn” thì dễ bị “chới với” trong lúc dạy. Đó là những câu hỏi lạ của học sinh, một bài tập khó đáp án không chính xác hay một hình vẽ sai… mà GV phải biết tiên liệu trước. Ngược lại, GV lâu năm thường đi theo lối mòn, ít sáng tạo linh động mà biểu hiện rõ nhất là ít khi lật ngược vấn đề, thiếu tính biện luận, chỉ dạy một cách xuôi chiều.
Theo tôi, khi dạy GV phải biết gợi mở vấn đề, xoáy vào trọng tâm để các em học sinh khắc sâu kiến thức. Gợi mở vấn đề có thể từ phía người dạy và cả người học. Làm tốt chuyện này nhưng lại có “hệ lụy” khác xuất hiện, đó là tiết học phải mất nhiều thời gian. Lúc này đòi hỏi GV phải biết tính toán thời lượng làm sao để không phải rơi vào tình trạng “cháy” giáo án. Đó cũng là cách xử lý tốt tình huống sư phạm thường xảy ra phổ biến trong các tiết học.
Thầy Dương Hữu Đức
(Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)