Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên lo lắng trước đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Dù muốn hay không, phải thừa nhận rất nhiều giáo viên (GV) đang lo lắng trước chương trình phổ thông mới sẽ áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2019 – 2020.

 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không phải GV ngại đổi mới cũng chẳng phải do chương trình mới không hay mà vì các thầy cô, những người sẽ trực tiếp lăn xả vào công cuộc đổi mới này, hơn ai hết nhìn thấy thực tế không lạc quan như những người đang thiết kế chương trình đề cập.
Tôi gặp không ít GV ở độ tuổi trên dưới 40 đang dạy ở các trường nổi tiếng của TP.HCM, thậm chí có người còn tham gia dạy học sinh đội tuyển thành phố. Nói như thế để thấy đây là thành phần ưu tú, giảng dạy ở một trong những môi trường tiên tiến nhất nước. Thế nhưng các GV này, khi được hỏi, đều tỏ ra không mấy lạc quan trước chương trình mới sẽ diễn ra. Theo các GV, có 2 điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công khi thực hiện chương trình mới là chất lượng đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất. Nhưng cả 2 nhân tố này đều đang có vấn đề, kể cả ở những thành phố lớn.
Chỉ lấy một trường hợp làm dẫn chứng. Hầu hết các GV hiện nay đều chưa hiểu rõ thế nào là tích hợp nhưng chương trình mới lại tập trung vào vấn đề này. Trong một hội nghị cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng sẽ bồi dưỡng cấp tín chỉ cho GV để có thể dạy tích hợp. Nhưng với nhiều GV đây chỉ là để giải quyết tình thế, khó có thể thay đổi về chất. Sự thay đổi mạnh mẽ phải đến từ các trường ĐH, CĐ sư phạm đầu ngành thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có sự chuyển biến đáng kể trong chương trình đào tạo, tuyển sinh ở các trường sư phạm. Trong khi đó, thời gian để bắt đầu chương trình mới không còn bao lâu nữa.
Còn nhìn về chất lượng của đội ngũ tương lai, những người chủ đạo thực hiện chương trình mới, nỗi lo này càng rõ. Chưa biết năm 2018 có được như mong muốn của Bộ GD-ĐT là học sinh học ngành sư phạm phải là người ưu tú nhất và điểm tuyển sinh sư phạm phải nằm trong tốp đầu. Còn thực tế vài năm gần đây, đặc biệt năm vừa qua, nhìn chung đầu vào của khối ngành này rất đáng lo. Liệu chất lượng đội ngũ như thế có đáp ứng được yêu cầu mới? Đây chính là câu hỏi mà chúng tôi nghe rất nhiều GV đặt ra khi nói về chương trình phổ thông mới.
Cơ sở vật chất không đáp ứng kịp với thực tế là nỗi lo ở tất cả các địa phương. Với chương trình hiện tại, đây đã là một thách thức huống hồ khi thực hiện chương trình mới với việc học tích hợp, học theo nhóm, chương trình hoạt động trải nghiệm… Bao lâu nay vẫn không giải quyết được tình trạng sĩ số vượt gấp nhiều lần quy định, đặc biệt ở các tỉnh thành lớn. Bước vào chương trình mới với yêu cầu sĩ số học sinh thấp, học 2 buổi/ngày…, lãnh đạo nhiều địa phương phải thừa nhận không biết làm thế nào để thực hiện được.
Phải đổi mới. Đó là điều bắt buộc, không thể chần chờ. Thế nhưng Bộ GD-ĐT cũng như những người có trách nhiệm thiết kế chương trình mới phải lắng nghe những tiếng nói thật sự từ phía GV để có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đừng khăng khăng phải làm bằng mọi cách như đã định để phải sửa lại trong quá trình thực hiện rồi cho rằng vì mục tiêu đề ra quá lớn như “vết xe” bao nhiêu dự án, đề án khác của Bộ GD-ĐT.
Mà thay đổi lần này là rất lớn, vượt khỏi cách truyền thống lâu nay của giáo dục VN, ảnh hưởng đến cả một thế hệ nên cần phải cẩn trọng nhiều hơn, chuẩn bị chu đáo hơn.
Nhiên An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)