Chuyện dạy chéo bậc học tưởng như đã chấm dứt từ chục năm học trước nay lại “tái sinh” do tình trạng thiếu giáo viên (GV) tiểu học trầm trọng. Trước khó khăn này, nhiều địa phương buộc phải áp dụng những giải pháp tình thế.
Giáo viên mầm non ở một số trường phải chuyển lên dạy tiểu học. Ảnh: MAI HẢI
|
Đợi chờ hoặc… lớp 1, chọn đi!
Đầu năm học 2009 – 2010, Bình Chánh phải dồn hơn 30 giáo sinh mầm non mới tốt nghiệp, cho học nghiệp vụ cấp tốc lên đứng lớp tiểu học. Theo ông Đỗ Văn Vọi, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, trường đã phân công một GV có kinh nghiệm hướng dẫn GV mới theo phương thức “1 kèm 1” nên có thể yên tâm về chuyên môn. Trái ngược với Bình Chánh, Củ Chi lại dư GV bậc THCS nên linh động điều chuyển số này xuống dạy ở tiểu học. Tương tự, Thủ Đức, Tân Phú, Nhà Bè… cũng linh động điều chuyển GV dôi dư, song song đó là hợp đồng với GV nghỉ hưu, GV nghỉ việc trước đây trở lại làm việc; thậm chí ở một số trường, ban giám hiệu phải xuống đứng lớp.
Nhiều PHHS tuy ngỡ ngàng khi GV đứng lớp không tốt nghiệp từ lò tiểu học nhưng cũng dễ dàng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn hiện nay của ngành. Tuy nhiên, PHHS băn khoăn, liệu việc học của con em mình năm nay có như “con thuyền không bến” khi mỗi bậc học đều có đặc thù. Bản thân người thầy “tình thế” cũng chưa sẵn sàng cho hoàn cảnh mới. Cô T., một trong những GV THCS được bố trí dạy tiểu học kể: Tôi tốt nghiệp môn Văn và đã trúng tuyển công chức ngành GD-ĐT. Nhưng khi cầm giấy điều động về địa phương, Phòng Giáo dục nói tôi có 2 sự chọn lựa: Hoặc là chờ năm sau có trường mới sẽ được bố trí công tác. Hoặc là xuống dạy tiểu học tạm ngay trong năm nay, sau đó, nếu bậc THCS có nhu cầu, T. sẽ được trở về dạy đúng trình độ”. Chấp nhận dạy tiểu học, T. và vài người bạn gặp nhiều bối rối nằm ngoài sức tưởng tượng khi cùng một lúc, nhiều học trò nhõng nhẽo với cô giáo trẻ: “Cô ơi, con muốn đi vệ sinh”; “Con đói bụng quá!”, “Cô ơi, bạn này đánh con”…
Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT, GV mầm non lên dạy tiểu học sẽ có nhiều thuận lợi về tâm lý sư phạm hơn so với GV THCS, dù rằng kiến thức của GV bậc THCS được đảm bảo. Trước giải pháp tình thế luân chuyển GV hiện nay, Sở GD-ĐT có trách nhiệm tổ chức khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy tiểu học cho cả GV bậc mầm non và THCS.
Tuyển không hạn chế số lượng
Qua 2 đợt tuyển công chức vừa qua, Sở GD-ĐT chỉ tuyển được hơn 100 GV tiểu học trong khi quận nào cũng kêu thiếu, xin thêm người. Sở GD-ĐT phải công bố tuyển thêm đợt 3 không hạn chế số lượng, kéo dài đến ngày 20-9 nhưng không hy vọng có thêm được bao nhiêu, vì 2 đợt đầu đã “vét” gần hết.
Tình trạng thiếu thốn hiện nay thật đối lập so với thời huy hoàng thuở xưa. Mười năm trước, xã hội báo động tình trạng dư thừa GV bậc tiểu học. GV cầm mảnh bằng tốt nghiệp ngành này không có nơi để dạy, nhiều người phải rời bỏ ngành. Sở GD-ĐT giải thể Trường Trung học Sư phạm, sáp nhập trường này thành Khoa Giáo dục tiểu học của Trường CĐ Sư phạm TPHCM (nay là ĐH Sài Gòn) nhằm thu hẹp quy mô và nâng chuẩn đào tạo.
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận 4 trong giờ dạy môn Tiếng Việt. Ảnh Mai Hải
|
Nguyên nhân “khát” GV tiểu học hiện nay, theo lý giải của các chuyên gia, là do HS tiểu học tăng, số trường tư với mô hình sĩ số ít xuất hiện ngày càng nhiều, lượng GV tăng cường cho các trường này rất đáng kể. Mặt khác, định biên GV/lớp của Bộ điều chỉnh từ 1.2 tăng lên 1.5 khiến tình hình thiếu càng thêm thiếu. Nhưng, dù với nguyên nhân nào đi chăng nữa, rõ ràng công tác dự báo, đào tạo bồi dưỡng GV của ngành GD-ĐT còn chưa theo kịp với tình hình.
Để giải quyết tình trạng thiếu GV, mỗi quận mỗi cách làm linh động. Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nhà bè cho biết: “THCS thiếu GV có thể ghép dạy choàng nhưng đối với đặc thù của bậc tiểu học, ngành GD-ĐT khó linh động áp dụng theo cách làm của bậc THCS. Đến nay, Nhà Bè tạm ổn với định mức GV 1.1. Nhìn xa hơn, chúng tôi đang kết hợp với ĐH Sài Gòn mở lớp cử nhân đào tạo GV tiểu học. Quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh… cũng đã liên kết với ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn mở 2 lớp cử nhân đào tạo GV tiểu học”. Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Giáo dục Thủ Đức lạc quan: “Thủ Đức đang có 178 người của địa phương theo học lớp cử nhân tiểu học. Năm 2010, số giáo sinh trên chưa ra trường nhưng đến 2011, chúng tôi sẽ hết sức “thoải mái”.
Giải pháp “địa phương hóa” GV một số quận, huyện đang thực hiện đang là một “lối ra” cho ngành GD-ĐT trong bối cảnh thiếu GV tiểu học. Nhưng, bên cạnh đó là câu hỏi: Liệu việc đào tạo quy mô lớn ở các quận, huyện và các trường sư phạm, trong vài năm nữa, chu kỳ khủng hoảng thừa lại “tái xuất”? Mặt khác, đối với 2 chức danh giám thị và y tế học đường vừa được Bộ GD-ĐT công nhận định biên, ngành GD-ĐT TPHCM đã chủ động kết hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng như thế nào để không rơi vào vòng lẩn quẩn “thiếu – thừa” như các bộ môn khác?
Hồng Liên (SGGP)
Bình luận (0)