Đề nghị của Bộ GD-ĐT về việc xem xét giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non, tối đa 5 năm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các giáo viên mầm non.
Theo đánh giá, giáo viên mầm non gặp nhiều áp lực trong công việc
“Những người trong cuộc” cho rằng giáo viên mầm non là một nghề đặc thù so với các bậc học khác khi không chỉ dạy dỗ mà còn phải chăm sóc trẻ, đòi hỏi cao về thời gian, công sức và áp lực công việc.
Tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét việc giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 năm). Theo Bộ GD-ĐT, giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và về nhà muộn. Trong suốt buổi học, các thầy cô phải múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ hiếu động… nên sức khỏe phải tốt, phản xạ nhanh. Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định. Như vậy, căn cứ Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 55 tuổi với nữ và 57 tuổi với nam. Đề nghị này của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của đông đảo giáo viên mầm non.
Hết năm học này, cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng Trường Mầm non 14, Q.Tân Bình, TP.HCM) sẽ nhận quyết định về hưu. Tính đến nay, cô Hiệp đã có gần 40 năm gắn bó với công việc giáo viên mầm non. Cô Hiệp chia sẻ, giáo viên mầm non là một nghề hết sức đặc thù, mặc dù là giáo viên song công việc lại đòi hỏi cao hơn đối với các bậc học khác. Thông thường, giáo viên mầm non phải đến trường từ 6 giờ sáng và chỉ ra về khi trẻ đã về nhà hết. Tại lớp, ngoài chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ, còn muôn vàn những công việc không tên mà giáo viên mầm non phải đảm nhận vì trẻ còn quá nhỏ. Chính vì thế, không phải giáo viên nào cũng có thể bám trụ được với nghề. “Nhiều giáo viên mầm non khi đã 55-60 tuổi, sức khỏe giảm sút rồi mà vẫn phải hát hò, vỗ về trẻ khiến các thầy cô rất áp lực. Điều này khiến các thầy cô vẫn lên lớp nhưng tâm thế không còn được như các giáo viên trẻ, nhiều giáo viên chấp nhận xin nghỉ hưu sớm vì sức khỏe không cho phép trước áp lực của công việc”, cô Hiệp nhìn nhận.
Đề xuất giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non của Bộ GD-ĐT được đông đảo giáo viên mầm non đồng tình
Do đó, cô Hiệp đánh giá, giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn so với các bậc học khác là điều cần thiết, không chỉ tác động đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ mà còn có thể trở thành điều kiện để thu hút giáo viên mầm non đến với nghề, bám nghề trong bối cảnh hiện nay.
Giáo viên mầm non cũng phải đổi mới giáo dục, đa dạng các hoạt động chăm sóc
Một giáo viên mầm non công tác tại TP.Thủ Đức cho rằng, giáo viên mầm non 55 tuổi đã được gọi là ông/bà rồi. Với sức khỏe giảm sút, việc trẻ mầm non hiếu động, cần những tiết học thu hút, đổi mới, yêu cầu giáo viên phải hát hò, nhảy múa thì liệu… các ông/bà có theo kịp được hay không. “Việc giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non là phù hợp, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho thầy cô mà còn tạo cơ hội cho các sinh viên mới ra trường làm việc. Bởi thực tế, có những trường giáo viên mầm non luống tuổi chiếm đa số hơn giáo viên trẻ, gây khó khăn cho công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ nhất là với yêu cầu đổi mới hiện nay”, giáo viên này bày tỏ.
“Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn so với các bậc học khác là điều cần thiết, không chỉ tác động đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ mà còn có thể trở thành điều kiện để thu hút giáo viên mầm non đến với nghề, bám nghề trong bối cảnh hiện nay”, cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng Trường Mầm non 14, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết. |
Đề xuất giảm tuổi hưu giáo viên mầm non đã được ngành giáo dục đưa ra rất nhiều lần, song đến nay chưa được chấp thuận. Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam khảo sát cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy về tuổi nghỉ hưu. Kết quả, gần 10.700 ý kiến (96%) kiến nghị nữ giáo viên mầm non và 2.900 ý kiến (93%) đề nghị nữ giáo viên thể dục được nghỉ hưu ở tuổi 55. Ba năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ít nhất hai lần kiến nghị xếp giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. “Đổi mới giáo dục đang ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu cho thầy cô, và giáo viên mầm non cũng không ngoại lệ. Giáo viên mầm non phải thay đổi phương pháp tiếp cận trẻ, đa dạng hơn các hoạt động chăm sóc, giáo dục rèn luyện để trẻ không chỉ đến trường vui chơi mà còn là học hỏi thêm nhiều điều, tự tin mạnh dạn hơn khi chuyển tiếp bậc học ở bậc tiểu học. Điều này khiến công việc của giáo viên mầm non vốn đã áp lực càng trở nên áp lực nhiều hơn. Như vậy, nếu kéo dài tuổi hưu thì rất khó cho thầy cô, các nhà trường”, cô N. (giáo viên mầm non công tác tại Q.3, TP.HCM) nêu ý kiến.
Do đó, cô N. hoan nghênh đề nghị của Bộ GD-ĐT về việc giảm tuổi hưu đối với giáo viên mầm non và cho rằng, lẽ ra đề nghị này nên được chấp thuận từ rất lâu. “Giáo viên mầm non khó tuyển dụng hơn so với giáo viên ở các bậc học khác. Công việc vất vả, đòi hỏi cao, lương không tương xứng nhưng tuổi nghỉ hưu cũng kéo dài, khiến cho áp lực công việc gia tăng rất lớn”, cô N. dẫn chứng thêm.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)