Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên mầm non được thêm 300.000 đồng hàng tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi sơ kết học kỳ 1 khối mầm non năm học 2008 – 2009 của TP.HCM sáng nay (10/2), nhiều ý kiến đề xuất cần  có kế hoạch cụ thể và tìm nguồn để trả lương phụ trội cho giáo viên. 
Trong giờ ăn. Ảnh: Đoan Trúc
Tùy theo thâm niên, mỗi giáo viên sẽ được trả 200.000 – 300.000 đồng hàng tháng. Đây là thu nhập từ số giờ dạy thêm được tính trong lương phụ trội (theo quy định không quá 200 giờ/năm) mà Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở cũng khẳng định: “Các trường tư thục, dân lập khi được cấp phép thành lập đều có đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu. Nhưng trong qua trình hoạt động, vì lương thấp nên giáo viên bỏ nghề, và trường buộc phải tuyển thêm giáo viên mới, có khi không đạt yêu cầu”.
Trước tình hình này, bà Thanh nói: “Một trong những việc cần làm hiện nay là nâng cao đời sống giáo viên để giáo viên gắn bó với trường, yêu trẻ.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục quận 3 thắc mắc: “Tại sao tiền phụ trội chỉ dành riêng cho giáo viên, còn bộ phận quản lý như ban giám hiệu lại không có?”.
Bà Nguyệt cũng cho rằng, văn bản hướng dẫn phụ cấp cho giáo viên, đối với giáo viên mầm non cần có kế hoạch, con số cụ thể.
Chứ nói chung chung là “tùy theo tình hình tài chính của địa phương thì chưa ổn” .
Nhân dịp này, Trưởng phòng mầm non của Sở cũng kiến nghị: “Cần hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp tiền phụ trội cho giáo viên theo đúng luật lao động, nếu ngân sách không chi được thì phụ huynh cùng có trách nhiệm đóng góp. Bởi giáo viên các trường mầm non phải làm việc 10 – 11 tiếng/ngày".
Ngoài ra, nhiều cấp dưỡng ở các trường đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học nhưng không có mã ngạch,  vẫn phải tính theo lương nhân viên tạp vụ và lao động giản đơn. Vì thế, nhiều trường không giữ được nhân viên cấp dưỡng có đào tạo”.
Để có nguồn trả lương phụ trội cho giáo viên, bà Lê Thị Lan, Phó phòng giáo dục quận 1 đồng tình với ý kiến của bà  Minh Nguyệt là các trường có thể mở thêm dịch vụ ăn sáng tại trường.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có thể vận động phụ huynh làm công trình nhằm hỗ trợ giáo viên 1giờ/ngày.
Các ý kiến cũng quan tâm đến việc giảm tải cho giáo viên bằng cách sắp xếp lệch giờ. Cụ thể, mỗi lớp hiện nay thường có 2 cô giáo và một bảo mẫu. Vì thế, các trường có thể linh hoạt sắp xếp để các cô giáo có thể đi trễ hoặc về sớm hay có thời gian nghỉ trưa.
Đoan Trúc (vietnamnet)

Bình luận (0)