Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên mầm non hiếm mà không quý

Tạp Chí Giáo Dục

Căn bệnh thiếu giáo viên mầm non ở TP.HCM càng trở nên trầm kha khi số người bỏ nghề ngày càng tăng do công việc vất mà lương quá thấp.

Sau 2 năm gắn bó với nghề giáo viên (GV), cô Nguyễn Thị Hiền ở Quận Bình Thạnh (TP.HCM), quyết định bỏ việc. “Dù vẫn muốn gắn bó với nghề nhưng khó duy trì cuộc sống quá”, cô tâm sự.
 

Lương không “níu” nổi người

Sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp GV mầm non, cô Hiền xin vào dạy tại một trường mầm non ở Quận Bình Thạnh.   Quê ở Quảng Bình nên phải ở trọ, với đồng lương hơn 2 triệu đồng/tháng, ngoài tiền trọ, ăn uống và xăng xe, cô không còn tích lũy được đồng nào. Khoản tiền cha mẹ ở quê vay cho cô ăn học vẫn chưa thể trả được. Hiền và một đồng nghiệp quyết tâm vay mượn số vốn ít ỏi mở một quán cà phê nhỏ để mưu sinh. “Bán cà phê dù cực nhọc mấy cũng không khổ bằng nuôi dạy trẻ, lại có đồng ra đồng vào để dự tính tương lai”, Hiền nói.
Cô giáo T, GV một trường MN tại Q.1 cũng vừa quyết định xin thôi việc. Nhà ở xa trường nên tiền xăng xe đã “ngốn” hết non nửa khoản lương hàng tháng. Cô phải có mặt sớm, tối mịt mới về, không còn thời gian lo cho chồng con. Cô kể, công việc của GVMN phải lo cho các cháu từ việc học hành, miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều trẻ ương bướng khiến rất nhiều GV buồn bực, có khi trầm cảm. “Nghề buộc mình phải cười cả ngày nhưng nỗi khổ thì ít người biết và chia sẻ”, cô T nói.
Bà Ngô Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường MN Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM), cho biết năm nào trường cũng có GV xin nghỉ vì thu nhập không đủ sống làm cho hoạt động của trường rất khó khăn. Mặc dù nhà trường đã tìm đủ mọi cách để động viên, hỗ trợ tạo thuận lợi về thời gian nhưng GV vẫn xin nghỉ việc.
Đi nhiều, đến ít   
Thiếu giáo viên, nên năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã phải nới rộng diện xét tuyển so với mọi năm. Chỉ cần có KT3 (giấy đăng ký tạm trú dài hạn ở TP.HCM) là đủ điều kiện dự tuyển. Tuy nhiên, sau đợt tuyển đầu tiên của năm học 2011 – 2012, mới tuyển được trên 500 GVMN, còn thiếu trên 400 GV. Khó khăn trong việc tuyển dụng GVMN không chỉ xuất hiện ở các trường MN ngoại thành mà ngay ở các trường nằm ở trung tâm thành phố, trường nào cũng kêu thiếu và khó tìm được GV. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết trong đợt tuyển dụng GVMN lần đầu, Q.3 có 25 ứng viên đăng ký. Tuy nhiên đến rà soát dữ liệu chỉ có 20 ứng viên, trong đó có 19 ứng viên trúng tuyển, vẫn còn thiếu 27 GV so với nhu cầu. “Tuyển được người nhưng chưa hết lo vì vẫn sợ GV đến trường vài bữa rồi bỏ việc”, bà Nguyệt nói.
Dù được coi là địa phương đi đầu trong việc phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi nhưng việc thiếu trầm trọng GVMN khiến lộ trình và chất lượng của việc phổ cập tại TP.HCM ảnh hưởng không nhỏ. TP.HCM có gần 700 trường MN và 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục đáp ứng nhu cầu đến trường cho trẻ trong độ tuổi nhưng chỉ có gần 4.000 GVMN, trong khi phải đảm nhận việc nuôi dạy cho hơn 81.000 trẻ 5 tuổi. Bình quân mỗi cô giáo chăm sóc hơn 20 trẻ. Nếu tính cho tất cả số học sinh MN thì càng quá tải nghiêm trọng. Đặc biệt là khối các trường MN ngoài công lập, do thiếu GVMN nên có đến 1.500 bảo mẫu được dùng để thay thế.
Mặc dù Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều chương trình, kế hoạch giúp đỡ GVMN nhưng xem ra nếu không cải thiện được về mặt bằng lương và phúc lợi cho giáo viên thì việc khát nhân lực sẽ vẫn còn kéo dài.

Theo Kiến Giang
(datviet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)