Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên ngại đổi mới phương pháp giảng dạy, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Báo Tuổi Trẻ vừa phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp dạy học” với sự tham gia của gần 50 nhà nghiên cứu giáo dục, nhà giáo và các nhà quản lý. Buổi tọa đàm mổ xẻ ba vấn đề chính: Có hay không những rào cản trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới như thế nào, theo hướng nào và cần những chính sách gì cho việc đổi mới.

GV không mặn mà đổi mới

Giờ học môn giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn AnhTS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả thực sự tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: Tâm huyết và trí tuệ của người dạy; cách đánh giá học sinh (HS) hàng ngày qua thi cử và hàng ngày của ngành giáo dục (bằng điểm, qua cách ra đề trong các kỳ thi…); đánh giá giáo viên (GV) qua tỉ lệ HS lên lớp, thi cử; hoàn cảnh và trình độ nhận thức của HS; trang thiết bị của nhà trường. Do trong quá trình đào tạo, người thầy không mặn mà trong việc đổi mới phương pháp, đã vậy chương trình còn quá nặng, ôm đồm. Theo TS. Hùng, những tồn tại trên chính là rào cản trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

TS. Hùng kiến nghị: Cần mở trang web về đổi mới phương pháp giảng dạy cho từng cấp, bậc học theo từng môn học để làm diễn đàn cho GV bộ môn trao đổi kinh nghiệm. Các công ty sách – thiết bị mua lại các tư liệu quý mà GV tích lũy để thiết kế lại, nhân bản, thành lập ngân hàng tư liệu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Tháo gỡ những trở ngại cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy từ gốc: triết lý giáo dục; thiết kế nội dung và chương trình sư phạm, trường PT; cách đánh giá HS và GV…

Cô Hoàng Tuyết, giảng viên Trường ĐHSP lý giải vì sao GV tự tiện quay lưng với việc đổi mới phương pháp dạy học? GV không muốn, không biết hay không thể làm? GV bám vào những gì quen thuộc, những định chế, cơ chế đã được thiết lập. Cản trở công cuộc đổi mới giáo dục là do cải cách cấu trúc giáo dục thiếu đồng bộ, phiến diện, chưa tạo ra được tính thực tế, nói cách khác là cơ sở hạ tầng cho đổi mới giáo dục còn yếu. Thiếu tính thực tế được cô Hoàng Tuyết chỉ ra: Mặc dù có ban hành những nghị định, công văn trao quyền tự chủ cho cấp quản lý giáo dục cơ sở nhưng điều cơ bản hơn cả là thay đổi cơ chế biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Cơ chế chỉ đạo chuyên môn theo kiểu độc tôn, độc đạo, độc quyền vẫn không thay đổi. Trong triển khai các chương trình mới nhất vẫn còn tồn tại: Một kế hoạch dạy học phân tiết cố định đến từng bài dạy, một bộ SGK, một bộ sách GV, những tài liệu tập huấn nghiệp vụ với những chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cụ thể đến từng chi tiết. Những hạn chế trên sẽ làm mài mòn tư duy độc lập sáng tạo của người thầy, người quản lý.

Đổi mới từ gốc

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Tổ trưởng tổ sử Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 cho rằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bộ môn sử thì việc biên soạn sách phải giảm bớt một số bài không cần thiết để thay vào những tiết thực hành theo từng chuyên đề. Cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 khẳng định việc đổi mới thì người quản lý phải đồng hành, chia sẻ với GV. Đổi mới ngay từ cái nhỏ nhất, trước hết GV phải hiểu như thế nào là đổi mới phương pháp giảng dạy; xác định đối tượng HS để đổi mới phương pháp, vận dụng đúng phương pháp. Người GV phải có tầm nhìn, năng động, sáng tạo. GV đổi mới thành công hay không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ về dụng cụ học tập, dụng cụ thực hành của phụ huynh học sinh…

 Trong cách tiếp cận, xây dựng cải cách chương trình giáo dục theo kiểu “làm đi rồi tính”. Chẳng hạn chương trình tiểu học được thiết kế cho HS học 2 buổi/ngày. Thế nhưng qua 10 năm thực hiện thử nghiệm lẫn đại trà chỉ có 35% tổng số trường trên cả nước được sắp xếp học 2 buổi/ngày. Ở bậc THPT, mục đích quan trọng của chương trình phân ban là đáp ứng nhu cầu và định hướng nghề nghiệp cho HS sau trung học. Thế nhưng hiện nay hầu hết HS chọn ban cơ bản (chương trình chuẩn). Nguyên nhân là do việc biên soạn chương trình không tính đến ảnh hưởng của yếu tố nhu cầu xã hội và cơ chế thi ĐH hiện nay cùng việc học và chọn ban của HS. Lẽ ra phải cải cách thi cử và cải thiện cơ chế và định hướng giáo dục nghề nghiệp rồi mới xây dựng chương trình phân ban. Việc phân ban để HS lựa chọn môn học sở trường thì lại cho HS chọn môn học đáp ứng thi cử.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải được GV làm tốt công tác tư tưởng với HS. Cô Dương Thu Trang, GV văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho rằng: Hiện nay, xu hướng học của HS quá thực dụng, môn nào thi thì học, không thì thôi. Chính vì vậy phải cho HS thấy rằng phải học môn văn vì đó là công cụ để học tốt các môn khác. Trong chương trình ngữ văn THPT có những bài rất hay, có tính ứng dụng cao nhưng những bài này thường không nằm trong chương trình thi cử, đây cũng là một thiếu sót dẫn đến HS có tâm lý ỷ lại, “học gì thi nấy”.

Thầy Hoàng Đức Huy, GV văn Trung tâm GDTX quận 4 gay gắt phê bình sách hướng dẫn GV ngữ văn 9 là “còng số 8” còng tay GV. Thầy Huy chỉ dẫn, sách này có ghi rõ từng hoạt động, từng bước trong hoạt động cho GV làm theo là kìm hãm sự sáng tạo của GV, nếu GV không làm theo thì bị xem là dạy không đúng chương trình đưa ra.

Thầy Nguyễn Việt Bắc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn khẳng định các phương pháp đổi mới không tự thân nó có giá trị mà giá trị ở chỗ sử dụng nó vào lúc nào, ở đâu và mục đích gì. Hiện nay, GV còn hạn chế tính chủ động do yêu cầu dạy chính xác từng tiết, từng bài, từng phân đoạn theo sách hướng dẫn giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, việc đổi mới cần bám chặt vào mục tiêu đào tạo, phá bỏ sự trở ngại giữa việc tổ chức thi và bài dạy để GV mạnh dạn đổi mới.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ làm rõ các vấn đề xung quanh việc đổi mới phương pháp giảng dạy như cách tháo gỡ những rào cản, đổi mới như thế nào, vì sao… Chịu trách nhiệm trong đổi mới phương pháp, ông Nhân cho rằng đó chính là nhà trường (khuyến khích GV đổi mới); các tỉnh thành (xây dựng phong trào đổi mới); Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để khuyến khích GV tích cực đổi mới…

TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu giáo dục để nghiên cứu và ứng dụng một cách hiệu quả nhất.

Trần Tuy An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)