Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng. Ông Trần Phúc, giáo viên trường THPT, hỏi khi nghỉ hè ông có được thanh toán tiền tàu, xe nếu về thăm nhà không?
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.
Trường hợp nghỉ phép được thanh toán tiền tàu, xe
Hiện nay, chế độ thanh toán tiền tàu, xe khi nghỉ phép được áp dụng theo Thông tư số 108 TC/HCVX ngày 30/12/1993 của Bộ Tài chính quy định chế độ phụ cấp tiền tàu, xe cho cán bộ công nhân viên Nhà nước đi nghỉ phép hàng năm (đang còn hiệu lực). Đối tượng áp dụng chế độ này là: Công chức, viên chức hành chính sự nghiệp đang công tác ở miền núi và hải đảo có ngày nghỉ hàng năm theo chế độ quy định, được thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị cấp giấy nghỉ phép năm để đi thăm người thân (bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng con); Công chức, viên chức hành chính sự nghiệp có đủ điều kiện nghỉ lao động hàng năm theo chế độ quy định, được thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị cấp giấy nghỉ phép năm để đi thăm người thân bị ốm đau, tai nạn phải điều trị, bị chết (bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con).
Tiền tàu xe đi nghỉ phép năm chỉ thanh toán cho các đối tượng nói trên mỗi năm chỉ một lần (cả lượt đi và lượt về) theo giá cước thông thường của các phương tiện vận tải thông thường như: Ô tô, tàu hoả, ca nô, tàu chạy ven biển. Trên các tuyến đường có nhiều loại phương tiện vận tải thông thường, người đi phép đã sử dụng phương tiện nào thì được thanh toán theo giá cước của loại phương tiện đó. Nếu mua vé máy bay hoặc thuê xe du lịch riêng cũng chỉ được thanh toán theo giá cước của các loại phương tiện vận tải thông thường.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2012
Ngày 20/10/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 thay thế Thông tư số 108 TC/HCVX. Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép năm quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với những ngày được nghỉ phép từ năm 2012 trở đi.
Tại Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 4 Thông tư 141/2011/TT-BTC quy định việc áp dụng chế độ thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm như sau:
Cán bộ, công chức đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc) có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán; Cán bộ, công chức công tác tại vùng còn lại có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm để thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau, bị chết.
Người đi nghỉ phép được thanh toán tiền phụ cấp đi đường (tương đương với mức phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành) và tiền phương tiện đi lại khi nghỉ phép năm.
Tiền phương tiện đi lại bao gồm: Tiền phương tiện vận tải (trừ phương tiện máy bay) của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật bao gồm tiền phương tiện chiều đi và về từ nhà đến ga tàu, bến xe; vé tàu, xe vận chuyển đến nơi nghỉ phép và theo chiều ngược lại.
Mức thanh toán: Theo giá ghi trên vé, hoá đơn mua vé; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác (Tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu). Trường hợp cán bộ công chức đi nghỉ phép sử dụng phương tiện là máy bay khi có vé hợp pháp sẽ được thanh toán tối đa theo giá cước vận tải khách công cộng bằng phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy phù hợp với tuyến đường đi nghỉ phép. Đối với những đoạn đường không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi nghỉ phép phải thuê phương tiện vận tải khác thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện mà người đi nghỉ phép đã thuê trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi và đơn giá khoán được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Nếu người đi nghỉ phép năm tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi, tương ứng với mức giá vận tải phổ biến của loại phương tiện công cộng tại địa phương nhưng không vượt quá mức khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị
Trường hợp ông Trần Phúc, là giáo viên THPT, thời gian nghỉ phép hàng năm được thay bằng thời gian nghỉ hè hàng năm, do đó ông cần tham khảo các quy định nêu trên để biết mình có hay không thuộc đối tượng hưởng chế độ thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi về thăm gia đình trong thời gian nghỉ hè.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nộ
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)