Sự kiện giáo dụcTin tức

Giáo viên ngoại ngữ: Khảo sát để nâng cao trình độ

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1)

Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học,ngày 16-10, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Anh văn Hội Việt Mỹ tổ chức khảo sát và bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho 756 GV các trường tiểu học công lập. Trước kỳ khảo sát này, không ít GV lo lắng, băn khoăn vì khó đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Kế hoạch khảo sát lần này nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của GV cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo tiêu chí IELTS, TOEFL, FCE hoặc tương đương trình độ B2 nhằm nắm bắt thực trạng về năng lực tiếng Anh, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hơn nữa.
Lo lắng về trình độ…
Trong buổi tập huấn cho GV tiếng Anh tăng cường diễn ra ngày 12-10 tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), nhiều GV đã đưa ra không ít băn khoăn. “Việc đạt trình độ B2 rất khó đối với GV tiểu học. Hầu hết khi GV đứng lớp chỉ chuyên sâu kỹ năng nghe và nói để giảng dạy cho các em là chính. Kiến thức ngữ pháp khó, phức tạp chưa phải sử dụng giảng dạy bậc tiểu học, qua thời gian không sử dụng cũng mai một dần”, cô Châu Vương, GV tiếng Anh Trường TH Trương Quyền (Q.3) chia sẻ.
Cô Đặng Thị Bích Thủy, GV tiếng Anh, Trường TH Trung Nhất (Q.Phú Nhuận) cũng thừa nhận: “GV trẻ chúng tôi nhận thấy khó đáp ứng yêu cầu trong kỳ khảo sát, và điều này càng khó hơn với GV lớn tuổi. Họ đứng lớp hơn chục năm, kiến thức có thể đã mai một, không cập nhật kịp thời, hơn nữa, thời gian chuẩn bị cho kỳ khảo sát đã cận kề, quá gấp rút, GV không thể ngày một, ngày hai mà chuẩn bị được hết, làm sao có thể vượt qua. Thiết nghĩ, sẽ có rất nhiều GV không đạt kết quả trong kỳ khảo sát lần này”.
Xác định được tính chất kỳ khảo sát “không dễ thở”, hơn nữa từ thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã từng tổ chức khảo sát trên phạm vi cả nước yêu cầu trình độ GV đứng lớp đạt B2 nhưng kết quả đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, trong 100 GV chỉ 1-2 GV đạt yêu cầu. Vì lẽ đó, trong kỳ khảo sát lần này, nếu GV không đạt trình độ B2, chỉ đạt B1 hay A2 thì phải tiếp tục ôn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực để tiếp tục khảo sát lần hai.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong giờ học tiếng Anh
Nhiều GV cũng đưa ra ý kiến: Với những GV đạt trình độ đại học, trước khi đứng lớp, họ đã trải qua yêu cầu kiểm tra của trường cũng như Sở GD-ĐT đưa ra. Việc tổ chức thi trình độ B2 chẳng khác nào đi ngược lại kiến thức mà họ được đào tạo trong bốn năm đại học. Theo ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD-ĐT thì: “Nếu GV tham gia khảo sát trình độ B2 không đạt yêu cầu thì Sở GD-ĐT sẽ tạo điều kiện để GV tiếp tục ôn thi, rèn luyện nâng cao năng lực. Sở cũng chưa có quyết định cụ thể khi GV không đạt yêu cầu tại nhiều lần khảo sát. Tuy nhiên, vì chất lượng giảng dạy thì bản thân mỗi GV cần cố gắng tự bản thân nâng cao năng lực hơn nữa”.
Không có kinh phí để tự bồi dưỡng
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: GV chưa đạt trình độ B2 thì các trường nên đưa GV đạt trình độ B1 đứng lớp giảng dạy, song song đó tiếp tục ôn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Thời gian có thể là 1 hoặc 2 năm, chậm mà chắc.
Việc tổ chức khảo sát sẽ thúc đẩy tinh thần, tạo động lực, định hướng cho GV tiếng Anh thay đổi nhận thức, có ý thức tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tiếng Anh tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài việc lo lắng nếu không đạt kết quả tốt tại hai lần khảo sát thì vấn đề mà nhiều GV quan tâm nữa là: “Tại sao khi GV đạt B1thì sẽ được bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 và tiếp tục thi chứng chỉ First Certificate in English (FCE) của Cambridge. Ngược lại, nếu GV đạt cận B1 và vào khoảng A2 thì tự túc đóng khoản phí từ 4,2 triệu đồng – 7,3 triệu đồng để tiếp tục bồi dưỡng, khảo sát lần hai. Một khoản tiền không nhỏ so với mức lương hiện tại của GV ngoại ngữ”, một giáo viên tiếng Anh ở Q.1 bộc bạch. Cũng xoay quanh vấn đề tiền nong khi GV qua khảo sát bị “out” khỏi mức B1, cô Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường TH Trương Quyền (Q.3) tâm tư: “Đối với GV biên chế, ngoài lương căn bản khoảng 1,8 triệu đồng cộng với tiền đứng lớp thì hàng tháng các cô cũng được khoảng 4 triệu đồng. GV hợp đồng thì thiệt thòi hơn vì họ không có lương căn bản. Vậy sẽ rất khó cho họ khi phải tự bỏ tiền túi ra để học… bồi dưỡng”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Thầy L.C.T (GV Trường TH Bình Triệu, Q.Thủ Đức): “Tôi nhận thông báo vào thứ 5 từ phòng đưa về, nhưng tôi chỉ có duy nhất tối thứ 7 để ôn vội. Tôi làm xong hết nhưng không biết kết quả như thế nào. Hầu hết các thầy cô thi cùng chúng tôi đều chậc lưỡi: Kỳ khảo sát này quá khó”.
Nhóm GV Q.1: “Thời gian ôn để khảo sát chỉ vài ngày, việc định hướng ôn không có, không rõ, chỉ chung chung dàn trải là tập trung bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Nhận đề, chúng tôi chỉ cố gắng làm hết là tốt lắm rồi. Phần nghe có 100 câu nhưng thời gian chỉ 20 phút mà chủ yếu tập trung vào phần trọng âm. Chúng tôi chỉ kịp nghe và đánh theo cảm tính, thậm chí vừa nghe và chưa lựa chọn câu để đánh thì đã chuyển sang câu khác. Ngược lại phần ngữ pháp, đoạn văn dài, nhiều từ mới, cấu trúc ngữ pháp khá phức tạp, GV phải khái quát được toàn bộ kiến thức ngữ pháp đã học trong đại học mới có thể hoàn thành, trong khi thời gian chỉ 45 phút. Hầu hết chúng tôi chỉ làm theo cảm tính là chính”.
Cô Nguyễn Thị Lệ (Hiệu trưởng Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Khi nghe quyết định cho năm GV khảo sát trình độ B2, tôi và các cô cũng khá lo lắng vì thời gian biết và chuẩn bị thi quá ngắn. Điều may mắn và lợi thế đối với trường tôi đó là các cô vừa giảng dạy, vừa được tham gia học, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tại Trung tâm Anh ngữ Apollo. Tuy nhiên, kết quả thi như thế nào các cô cũng không chắc chắn. Hầu hết các cô cho rằng làm được nhưng lại không thể tự bản thân nắm được kết quả”.
Ngọc Trinh (ghi)

 

Bình luận (0)