Thứ năm, 4/7/2024, 14h52

Giáo viên nói gì về chứng chỉ hành nghề?

Đồng tình với quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo song nhiều giáo viên tại TP.HCM cho rằng chứng chỉ này cần được thực hiện có lộ trình, chỉ nên cấp cho sinh viên mới ra trường, những giáo viên không được đào tạo từ cấp ngành sư phạm…


Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng chứng chỉ hành nghề nhà giáo chỉ nên cấp cho sinh viên mới ra trường, giáo viên không từ cấp ngành sư phạm (ảnh minh họa)

Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được nêu ra trong dự thảo Luật Nhà giáo, đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến.

Chỉ nên áp dụng đối với giáo viên mới ra trường

Với quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1) bày tỏ sự đồng tình, song cô nêu băn khoăn rằng chứng chỉ hành nghề có giá trị đối với từng cấp học như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hay sử dụng chung cho các cấp học? Thời gian có hiệu lực trong bao lâu? Thời gian học để được cấp chứng chỉ hành nghề trong bao lâu?

Hiệu trưởng này đề xuất, chỉ nên yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với những giáo viên không được đào tạo từ cấp ngành sư phạm như ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin.

Theo ông Lê Văn Chương (Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, Q.5), việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo cần có lộ trình thực hiện. Quy định này chỉ nên áp dụng đối với giáo viên mới ra trường, còn với giáo viên đã có thâm niên đi dạy nhiều năm, đã có tuổi rồi thì không cần thiết. “Thầy cô đã đi dạy nhiều năm mà bây giờ còn đòi chứng chỉ hành nghề thì sẽ không tránh khỏi những ưu tư, vì như vậy chẳng khác nào trước giờ thầy cô dạy… chui khi chưa có chứng chỉ hành nghề”, ông Lê Văn Chương thẳng thắn.

Đồng tình với quy định cấp chứng chỉ hành nghề hay còn được gọi là giấy phép hành nghề cho nhà giáo nêu ra trong dự thảo Luật Nhà giáo, cô Cao Phan Hà Vy (giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) cho rằng chứng chỉ hành nghề sẽ giúp tăng thêm vị thế cho nhà giáo, đảm bảo chuẩn nhà giáo cũng như giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho nhà giáo an tâm công tác.

Theo cô Cao Phan Hà Vy, để thuận lợi cho nhà giáo thì cần số hóa giấy phép hành nghề, thủ tục gọn lẹ, tránh tạo thêm áp lực cho thầy cô. Đặc biệt cần có quy định rõ hơn để sử dụng giấy phép hành nghề hợp lý, từ đó cũng giúp quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm.


Dự thảo Luật Nhà giáo cần có quy định cụ thể chi tiết về bảo vệ nhà giáo (ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức) nhìn nhận, trong dự thảo Luật Nhà giáo, lần đầu tiên việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và hoàn thiện các chế độ, chính sách với nhà giáo, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tạo nên sự bình đẳng giữa nhà giáo trong hệ thống công lập và nhà giáo đang công tác ở các cơ sở giáo dục tư thục. Tuy nhiên, với quy định chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, có nhiều ý kiến cho rằng nhà giáo không cần chứng chỉ hành nghề vì nhà giáo là nghề đặc thù, không cần thiết chứng chỉ hành nghề như các nghề khác. “Nếu nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề thì cần xem xét thủ tục cấp chứng chỉ để tránh phát sinh rắc rối, gây khó khăn cho nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì có khác nhau hay không. Nếu 2 chứng chỉ này khác nhau thì cần cân nhắc, chỉ nên áp dụng đối với sinh viên mới ra trường”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nêu đề xuất.

Đề xuất nhiều chính sách trong dự thảo

Ngành giáo dục TP.HCM trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo đã ghi nhận tới hơn 60.000 ý kiến đóng góp. Số liệu này đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên của TP.HCM đối với việc xây dựng chính sách, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Cô Đặng Thị Lệ Hằng (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh, huyện Bình Chánh) đề xuất có thêm chính sách cho giáo viên giáo dục đặc biệt trong dự thảo Luật Nhà giáo. Đặc biệt là đề xuất tuổi nghỉ hưu với giáo viên giáo dục đặc biệt ở tuổi 55. Cụ thể, cô Đặng Thị Lệ Hằng cho biết, giáo viên giáo dục đặc biệt rất vất vả. Mỗi lớp có 12-15 em từ mức độ nặng đến rất nặng. Giáo viên phải chăm sóc các em từ sáng đến tối. Vất vả nhất là với lứa tuổi lớp lớn từ 13-18 tuổi, khi phân công giáo viên giảng dạy lớp này thì thầy cô rất nản, không muốn dạy dù rất yêu nghề. “Vì quá vất vả nên giáo viên giáo dục đặc biệt hiện nay thiếu trầm trọng, chưa đến 55 tuổi là thầy cô đã nghỉ rồi. Do vậy, nếu đưa giáo viên giáo dục đặc biệt như giáo viên khác thì không phù hợp mà cần có chính sách cho giáo viên giáo dục đặc biệt, ngoài ra tuổi nghỉ hưu của thầy cô cũng nên là 55 - tương đương với giáo viên mầm non trong dự thảo”, cô Đặng Thị Lệ Hằng kiến nghị.

Tương tự, thầy Nguyễn Thanh Tòng (Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh) kiến nghị dự thảo Luật Nhà giáo nên có đặc thù riêng trong tuyển dụng giáo viên cho các thành phố lớn như TP.HCM. Đồng thời, thầy cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo cần có quy định cụ thể chi tiết về bảo vệ nhà giáo vì hiện nay áp lực của nhà giáo rất lớn, điều này là rất cần thiết để nhà giáo an tâm công tác.

Ông Phạm Đăng Khoa (Trưởng phòng GD-ĐT Q.3) kiến nghị dự thảo Luật Nhà giáo cần có thêm chính sách thu hút, giữ chân giáo viên ở những bộ môn khó tuyển dụng như âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, tổng phụ trách Đội… Đặc biệt, theo ông, hiện nay ngành giáo dục rất “nhức đầu” với việc tinh giản biên chế 5-10% đến năm 2025 vì thực tế dân số tăng cơ học hàng năm cao, sĩ số học sinh mỗi năm đều tăng. Mà có học sinh thì phải có giáo viên. Do đó, ông kiến nghị ngành giáo dục không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Bài, ảnh: Quang Long