Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên nộp lệ phí để được… “lên hạng”

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm qua, vì thiếu giáo viên dạy tiểu học, nên một số giáo viên THCS của huyện Mường Nhé được đưa xuống dạy tiểu học. Đến nay, quy mô trường lớp của bậc học THCS phát triển, đội ngũ giáo viên bậc Tiểu học đã đáp ứng đủ. Nên số giáo viên THCS nay được chuyển lên dạy đúng chuyên ngành đào tạo. Thế nhưng ở Mường Nhé để được dạy THCS thì nhiều giáo viên, phải nộp từ 5 – 6 triệu đồng để làm thủ tục chuyển ngạch.

Có phải là “tự nguyện”…!?
Trung tuần tháng 11-2011, báo Điện Biên Phủ nhận được đơn thư tố cáo lãnh đạo GD-ĐT huyện Mường Nhé. Nội dung đơn có đoạn: “Sau Hội nghị giao ban tháng 10-2011 kết thúc, đồng chí Phan Văn Uyên (cán bộ tổ chức) cùng đồng chí Trần Thị Hải (Phó trưởng Phòng Phòng GD-ĐT) mời 11 hiệu trưởng các trường có giáo viên được xét lên dạy THCS ở lại họp. Đồng chí Uyên và đồng chí Hải chỉ đạo, mỗi giáo viên được lên dạy THCS, phải nộp tiền để phòng đi ngoại giao đổi quyết định. Đồng chí Hải nói đây là chủ trương của tập thể lãnh đạo nên các đồng chí thực hiện phải hết sức khéo léo và nghiêm túc”.
Trưa 8-12, chị H. T . T. – bán hàng tạp hoá, là vợ một thầy giáo ở Trường PTDT Bán trú THCS Mường Toong, huyện Mường Nhé – tâm sự: “Vừa rồi chồng em cũng phải mất gần 10 triệu để chuyển từ giáo viên tiểu học lên dạy THCS! Chồng em dạy tiểu học phải đi bản vất vả lắm! Về dạy cấp 2 không phải đi xa, trường chồng em đang dạy cách nhà khoảng 4 cây số”.

Giáo viên chuyển ngạch dạy trường THCS xã Mường Toong, huyện Mường Nhé trong buổi làm việc với báo chí. Ảnh: K.C
 14 giờ ngày 8-12, chúng tôi có mặt tại trường PTDT bán trú THCS Mường Toong, huyện Mường Nhé, nơi đơn vị trường có 5/6 giáo viên đã nộp tiền để làm lệ phí đổi quyết định chuyển ngạch.
Thầy Trần Quang Phúc, giáo viên Toán – Lý, tâm sự: “Em dạy ở tiểu học 4 năm vừa rồi mới được chuyển lên dạy THCS, dạy ở tiểu học trái chuyên ngành vất vả lắm! Mình đào tạo không đúng chuyên ngành phải đi học lại phương pháp của tiểu học từ đầu. Cố gắng lắm thì chuyên môn cũng xếp loại đạt yêu cầu. Vừa rồi chúng em cũng phải nộp 5 triệu cho anh Phan Văn Uyên, cán bộ tổ chức Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé để anh ấy lo quyết định hộ.
Em tính đây là quyền lợi của mình thì mình cũng phải tự lo, hơn nữa nhiều người làm vậy mình không làm cũng không được. Lương tháng hai vợ chồng em 8 triệu lại phải nuôi con nhỏ, mẹ em lên trông cháu, ở nhà còn thằng em đang đi học. Mẹ vợ em lên đây rồi ruộng không ai cấy nên phải nuôi cả cậu em, lương tháng nào hết tháng đó. 8 triệu đồng lương của hai vợ chồng thầy chia bình quân cho 5 người trong gia đình, đi dạy học cả năm có cũng chỉ dành dụm được 5 triệu để về nhà ăn Tết”.
Cô giáo Vũ Thị Tươi, giáo viên cùng trường với thầy giáo Phúc, chia sẻ: “Mỗi tháng lương được 5 triệu, gửi cho bà 1,5 triệu đồng nuôi đứa lớn gửi ở quê. Vợ chồng tôi vẫn phải thuê nhà ở cách đây gần 10 cây số, con bé 4 tuổi trời rét cắt da cắt thịt, sáng nào cũng được mẹ đưa đi đón về ngày 4 lần”. Chồng chị Tươi làm thư viện ở trường, vừa rồi chị cũng nộp 5 triệu cho anh Uyên để đổi quyết định lên dạy THCS.
Cô giáo Lò Thị Biên, giáo viên trường THCS Quảng Lâm, tiếp chúng tôi bằng tâm trạng lo lắng như thể sợ chúng tôi đến để thu thêm tiền: “Em đã nộp cho chị Oanh 5 triệu rồi. Ngày thì em không nhớ, nhưng trong tháng 9-2011. Chị Oanh còn điện thoại cho em nói, nếu ai thu tiền thì bảo nộp cho chị rồi”.
Được biết đợt chuyển ngạch, từ giáo viên tiểu học lên dạy THCS của huyện Mường Nhé, đầu tháng 10-2011 có tổng số 49 giáo viên, thuộc 11 trường trên địa bàn huyện.
Không ít giáo viên tâm sự: “Chúng em chỉ là giáo viên nên có nộp tiền cũng không tiện nói ra”. Cũng có giáo viên, sau khi họ cung cấp thông tin cho chúng tôi xong, trong lòng họ đầy những phập phồng lo âu… Họ cứ nhấn mạnh mãi rằng: “Chúng em tự nguyện nộp tiền”. Một thầy giáo nói nhỏ, bâng quơ nhưng cũng đủ để chúng tôi nghe rõ: “Lương tháng vài triệu ăn còn chả đủ, phải nộp thì nói luôn là phải nộp. Tự nguyện cái con khỉ, chẳng có ai thừa tiền để tự nguyện mang cho người khác tiêu hộ”.
"Chị đừng hỏi nhiều việc nội bộ cơ quan tôi"
Thầy giáo Phạm Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Mường Toong, huyện Mường Nhé, cho biết: “Hiệu trưởng có cho họp đột xuất vào tháng 10-2011 với những giáo viên được chuyển ngạch lên dạy THCS. Trước khi họp, hiệu trưởng có điện thoại hỏi cán bộ tổ chức phòng GD-ĐT về việc nộp tiền. Sau đó giáo viên tự lên trên phòng GD-ĐT nộp tiền, không thông qua trường. Em chỉ biết lập danh sách để chứng thực cho họ là đã nộp tiền”.
16 giờ ngày 8-12, chúng tôi đã làm việc với ông Phan Văn Uyên, cán bộ tổ chức Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé, về việc thu tiền chuyển ngạch cho giáo viên được triển khai trong hội nghị giao ban tháng 10-2011, như nội dung có ghi rõ trong đơn tố cáo gửi về Toà soạn Báo Điện Biên Phủ. Với tâm trạng không thoải mái, ông Uyên trả lời: “Sau khi họp giao ban xong, chúng tôi gọi 11 hiệu trưởng ở lại là để quán triệt việc học sinh đi học chuyên cần thấp. Chị đừng hỏi nhiều việc nội bộ cơ quan tôi, có những nội dung tôi phải hỏi ý kiến lãnh đạo tôi mới trả lời chị. Hiện giờ lãnh đạo đi vắng có gì mai chị đến gặp lãnh đạo”.
Sáng 9-12, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: “Tôi cũng được nghe qua thông tin nói về việc giáo viên phải nộp tiền để chuyển ngạch. Không biết thực hư thế nào? Trước đây do thiếu, nhiều giáo viên THCS xuống dạy tiểu học, giờ quy mô trường lớp phát triển luân chuyển giáo viên lên dạy THCS là một việc làm đúng. Quy trình làm huyện giao cho phòng GD-ĐT. Huyện chỉ đạo cho phòng tiến hành rà soát. Nếu việc giáo viên chuyển ngạch mà phải nộp tiền thì đây là một việc làm sai trái, nếu sự việc có thật thì phải nghiêm tục kiểm điểm và xử lý”.
Khi trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé Pờ Diệp Sàng, cho biết: “Nếu sự việc xảy ra như vậy thì thật đáng tiếc, nhưng cũng phải nghiêm túc kiểm tra và xem xét”.
Sau khi đi điều tra sự việc của phòng giáo dục huyện Mường Nhé, chúng tôi tin rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để điều tra xác minh và làm rõ đúng sai. Hy vọng rằng việc nộp tiền để lo “ngoại giao” chuyển ngạch của Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé chỉ mới nằm ở chủ trương một suy nghĩ khác nhau.  
Theo Trần Hương – Kiên Cường
(Báo Điện Biên Phủ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)