Hàng trăm giáo viên ở tỉnh Bạc Liêu phải sống tạm bợ trong những căn… nhà chòi do trường dựng lên hoặc tá túc trong nhà dân và thuê mướn những phòng trọ hết sức ọp ẹp…
Gần 6 năm trước, thầy Nguyễn Ngọc Tiến (quê Thanh Hóa) và thầy Bùi Đức Hiến (quê Hà Tĩnh) đã tình nguyện lặn lội từ miền ngược đến trường THCS C (xã Ninh Hòa, H.Hồng Dân, Bạc Liêu) dạy học. Trong ngần ấy thời gian, tổ ấm của hai thầy giáo trẻ này là căn nhà tập thể nhỏ nhắn của trường. Theo thầy Tiến, gọi là nhà cho "oai" chứ thực chất chẳng khác gì cái chòi canh. Căn nhà được lợp bằng thiếc nên hễ trời nắng thì nóng như đổ lửa, trời mưa thì ồn ào và trời gió thì mái nhà cứ phập phồng "nhảy múa". Dãy tập thể này gồm có 4 phòng được dựng lên cùng với thời điểm thành lập trường, chưa bao giờ được tu sửa nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Dãy nhà tứ bề lộng gió, tường bong tróc, cây gỗ mục nát, cửa hư hỏng và có nguy cơ sụp đổ. Thế nhưng, theo thầy Hiến thì so với những khu tập thể ở các trường khác thì khu nhà chòi này đã là khang trang nhất!
Dãy "nhà chòi" của giáo viên trường THCS A, xã Vĩnh Lộc, H.Hồng Dân
"Chúng tôi đến đây dạy học đã nhiều năm, phải ở nhà trọ, nhà tập thể bằng cây lá, nếu có nhà công vụ để ở thì còn gì bằng."
Thầy giáo Lê Quang Thái, giáo viên trường Tiểu học D, xã Vĩnh Lộc, H.Hồng Dân (Bạc Liêu)
|
Quả thực, dù rằng thường phải chịu cảnh nắng nóng, mưa ồn, nhưng có dịp đến thị sát nhiều khu tập thể khác, mới thấy đúng là những thầy cô cùng ở dãy tập thể của thầy Hiến "hạnh phúc" hơn nhiều. Nằm khuất sau những phòng học khang trang, là dãy nhà tập thể của giáo viên trường THCS A, xã Vĩnh Lộc. Khu tập thể chỉ có 4 – 5 phòng được dựng bằng cây tràm, lợp lá dừa nước trông hết sức tạm bợ và hoang sơ. Khu nhà này có được là nhờ sự đóng góp của người dân: người giúp mớ cây, kẻ giúp mớ lá, ít ngày công để cùng các thầy cô xây cất nên. Bây giờ đang vào mùa mưa, dãy nhà tập thể được bao bọc bởi ruộng đồng trũng nước, cỏ rác um tùm khiến cho việc sinh hoạt của thầy cô hết sức vất vả.
Thầy giáo Lê Quang Thái, giáo viên trường Tiểu học D, xã Vĩnh Lộc, H.Hồng Dân cho biết, do không có nhà công vụ nên cả chục giáo viên của trường phải tá túc trong nhà dân, có 5 giáo viên gần chục năm nay phải thuê mướn chỗ trọ. Thầy Thái nói: "Nguyện ước của các thầy cô là có được nhà công vụ để yên tâm công tác. Chúng tôi đến đây dạy học đã nhiều năm, phải ở nhà trọ, nhà tập thể bằng cây lá, nếu có nhà công vụ để ở thì còn gì bằng. Chúng tôi nghe nói cấp trên sẽ cho xây nhà công vụ từ năm 2008, nhưng chờ hoài không thấy, sốt ruột lắm!".
Đến bao giờ mới được… an cư?
Hồng Dân là huyện nghèo nhất ở tỉnh Bạc Liêu. Toàn huyện có 7 đơn vị xã, thị trấn thì tất cả đều nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Mặc dù có đến hơn 600 giáo viên từ nơi khác đến công tác, nhưng hiện ở huyện này chưa có nhà công vụ nào. Hầu hết các thầy cô từ xa đến đây phải thuê nhà hoặc may mắn được bố trí chỗ ở thì đó là những căn nhà tập thể bằng cây lá ọp ẹp do nhà trường dựng nên, có chất lượng… dưới mức trung bình.
Nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc cho giáo viên, Sở GD-ĐT Bạc Liêu đã triển khai xây dựng 37 căn nhà công vụ ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa (thuộc Chương trình 135 của Chính phủ). Trong đó, có 26 căn được xây ở 9 điểm trường của H.Hồng Dân với mức đầu tư khoảng 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện các công trình này đang bị đình chỉ thi công. "Kế hoạch xây dựng nhà công vụ cho giáo viên bị trì hoãn là do việc tính toán mức đầu tư ở huyện này thì quá cao còn huyện kia lại quá thấp. Do đó, Ban chỉ đạo cho tạm dừng để thống nhất mức đầu tư cho hợp lý", ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT Hồng Dân, nói.
Có an cư thì mới lạc nghiệp. Năm học mới đã qua 1 tháng nhưng nơi ăn chốn ở còn bấp bênh thì những thầy cô khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người cao cả của mình.
Trần Thanh Phong (TNO)
Bình luận (0)