“Người làm công tác tư vấn tân lý mà không am hiểu sâu về tư vấn tâm lý là không thể chấp nhận được. Nếu chưa có nguồn lực thì trước mắt thành lập nhóm chuyên gia theo hình thức online, nhóm trong trường… sau đó tính toán lại”- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình nhấn mạnh tại Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông.
Nhiều học sinh còn e ngại khi tìm đến phòng tư vấn tâm lý (hình minh họa)
Học sinh còn e ngại khi đến phòng tư vấn tâm lý
Chia sẻ về công tác tư vấn tâm lý học sinh trên địa bàn huyện Hóc Môn, ông Mai Hồng Thanh – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho hay, công tác này trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, cấp tiểu học chỉ có 45,83% giáo viên được phân công tư vấn tâm lý được bồi dưỡng nghiệp vụ, còn lại chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. Con số này ở cấp THCS có 23,4%.
Học sinh vẫn còn ngần ngại khi đến phòng tư vấn có các thầy, cô là những người đang hàng ngày giảng dạy mình vì lo sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Học sinh có xu hướng phụ thuộc vào công nghệ, máy tính mạng xã hội hơn là dành thời gian chia sẻ, cùng người tư vấn hay người thân. “Ngoài chuyên môn, hiện giáo viên phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc, việc kiêm nhiệm thêm công tác tư vấn chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, cần có 1 biên chế riêng cho nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý để thấy tầm quan trọng của công tác này trong nhà trường”, ông Thanh đề xuất.
Cô Phạm Thị Kim Dung – giáo viên tư vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4) nhìn nhận, đối tượng học sinh THPT có những chuyển biến về tâm lý, sinh lý bắt buộc giáo viên tư vấn tâm lý phải nắm bắt và hỗ trợ các em.
Từ thực tế tại trường mình, cô Dung cho biết, hơn 1.700 học sinh song chỉ có 1 giáo viên tư vấn tâm lý, khối lượng công việc rất nhiều. Nhận thức ở một số gia đình, giáo viên về công tác tư vấn tâm lý chưa cao. Học sinh chưa nhận diện đúng chức năng của phòng tư vân tâm lý, lo ngại những vấn đề chia sẻ không được bảo mật. Nhiều em nhận định rằng có vấn đề mới đến phòng tư vấn tâm lý…
“Cần có nhìn nhận đúng vai trò của giáo viên tư vấn tâm lý, tạo điều kiện để giáo viên tâm lý thực hiện đúng công việc của mình. Cần có chính sách, chế độ phù hợp cho giáo viên tư vấn tâm lý. Về phía gia đình, lứa tuổi học sinh THPT đang là lứa tuổi ương bướng, gia đình phải nhìn nhận, khuyến khích các em, ngừng miệt thị, than phiền, mỗi ngày chỉ cần 1 lời khen dành cho con cũng giúp con thấy giá trị bản thân mình cao hơn…”, cô Dung thẳng thắn.
Cần hành tạo môi trường tinh thần, thể chất lành mạnh cho trẻ
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đánh giá, lứa tuổi nào cũng có vấn đề tâm lý, kể cả bậc mầm non. Xã hội càng phát triển thì việc chăm sóc sức khỏe tâm thần càng quan trọng, nhất là khi trẻ em chưa có kinh nghiệm sống, chưa có kỹ năng giải quyết vấn đề.
Theo ông, đã đến lúc phải hành động quyết liệt, làm sao tạo ra môi trường về tinh thần, thể chất lành mạnh cho trẻ. Điều này càng cấp bách hơn nữa khi thành phố vừa trải qua đợt dịch Covid-19 khốc liệt, tác động đến không chỉ người lớn mà còn là trẻ em.
Trong công tác tư vấn tâm lý, trước hết cần thực hiện tốt vấn đề phòng ngừa, cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường, kể cả khi chưa có cơ chế bố trí giáo viên chuyên trách về tâm lý thì cũng cần cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề cho giáo viên, gia đình. Vai trò phát hiện sớm các yếu tố tâm lý của học sinh trong trường học là hết sức cần thiết. Điều này không dễ nên phải phổ biến dấu hiện nhận biết này, căn cứ vào tính cách của trẻ để xem trẻ có dấu hiệu bất thường hay không từ đó can thiệp kịp thời.
Về các giải pháp “hóa giải” tâm lý cho học sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đề nghị: Trường học cần tăng thời gian hoạt động ngoài trời, hoạt động văn thể mỹ để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ, kéo giảm thời gian trẻ sử dụng máy tính. Kết nối giữa gia đình, nhà tường tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động này.
Thứ hai, giảm bớt căng thẳng trong học tập của trẻ. Với những đối tượng trẻ đặc biệt phải xây dựng biện pháp riêng. Các trường học có thể áp dụng mô hình tháp 3 lầu: tầng đầu là đối tượng chung; tầng kế là với những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ; cuối cùng là can thiệp chuyên biệt. Với trẻ gặp vấn đề tâm lý thì phải lập danh sách để gia đình, nhà trường thường xuyên liên hệ, tương tác, hỗ trợ trẻ.
Thứ ba, ông đề nghị phòng GD-ĐT phối hợp với phòng y tế, chi hội tư vấn tâm lý để thực hành mạng lưới các trường có giáo viên tư vân tâm lý, hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý học đường. Riêng đối với Sở GD-ĐT, ông đề xuất có khảo sát thực trạng đánh giá trong giai đoạn hiện nay thì đội ngũ giáo viên tư vấn học đường như thế nào, trình độ ra sao. Đánh giá hiệu quả thực hiện theo Thông tư 31/2017 – Bộ GD-ĐT.
Theo ông, từ những khảo sát, đánh giá này Sở Y tế và Sở GD-ĐT sẽ ngồi lại đánh giá với thực trạng như vậy thì nhu cầu sắp tới sẽ như thế nào để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh hiện nay.
Cuối cùng, ông đề nghị 2 sở sẽ có báo cáo với UBND TP để bổ sung công tác tư vấn tâm lý học sinh vào chương trình y tế học đường.
Trưởng ban văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình khẳng định, công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn hành phố, đặc biệt là công tác chăm sóc tâm lý trẻ em là vấn đề hết sức quan trọng, luôn được thành phố quan tâm, chú trọng.
TP đã tổ chức nhiều chương trình lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng trẻ em. Ban văn hóa xã hội – HĐND TP cũng đang khảo sát chuyên đề trẻ em, đi sâu vào trường học, mái ấm, nhà mở từng quận huyện, làm việc với các sở ngành liên quan tìm ra giải pháp tốt nhất, có báo cáo đầy đủ Thường trực UBND, HĐND TP để gửi Thường trực Thành uỷ, UBND TP có chỉ đạo.
Ông Bình đánh giá, công tác chăm sóc trẻ em cần nhìn nhận không chỉ đơn cử từng ngành mà phải nhìn nhận ở góc độ quản lý Nhà nước về công tác phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương… Với hơn 11.000 cộng tác viên chăm sóc trẻ em cấp phường, xã trên toàn thành phố nếu có sự hỗ trợ, phối hợp tốt thì việc phát hiện sớm trẻ em gặp vấn đề tâm lý sẽ hiệu quả.
“Người làm công tác tư vấn tâm lý mà không am hiểu sâu về tư vấn tâm lý là không thể chấp nhận được. Nếu chưa có nguồn lực thì trước mắt thành lập nhóm chuyên gia theo hình thức online, nhóm trong trường…, sau đó tính toán lại. Người tư vấn tâm lý cho các em mà không am hiểu, không tâm huyết thì tư vấn không những không hiệu quả mà còn nguy hại lớn”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện công tác tư vấn tâm lý nhà trường theo tinh thần Thông tư 31, để hoạt động tư vấn tâm lý đi vào chiều sâu, phục vụ tốt nhất cho học sinh. Để làm được điều này thì yếu tố con người là quan trọng nhất, muốn vậy phải có chính sách giữ chân, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý học đường hiện nay…
Yến Khương
Bình luận (0)