Được trải nghiệm với kiến thức và kỹ năng của mình là hạnh phúc – Những thầy cô giáo như chúng tôi cảm nhận được điều này thông qua những hoạt động học tập của học sinh nơi ngôi trường mình đang giảng dạy.

Bốn năm học trôi qua (bậc THCS), với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn để người học phát huy năng lực và phẩm chất của chính mình là mục tiêu quan trọng để hướng đến việc tiếp cận tương lai. Những buổi trò chuyện cùng đồng nghiệp, dù không cùng bộ môn nhưng ai cũng có nhận định tương đồng như thế qua những minh chứng sống động là các hoạt động trải nghiệm được học sinh của mình ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Độc đáo hơn nữa là có những hoạt động lại tích hợp được kiến thức liên môn dàn trải ở khắp chương trình trong kế hoạch dạy học. Với mục đích để học sinh vận dụng những gì đã học vào thực tế cuộc sống thông qua những sản phẩm do chính các em thực hiện nên các thầy cô đã định hướng và tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh, đầy ắp tiếng cười và khuyến khích học sinh tham gia. Những kiến thức đã học ở bộ môn công nghệ, khoa học tự nhiên… học sinh ứng dụng các sắc tố tự nhiên trong đời sống như lá, củ, quả để chế biến thực phẩm với sự tư vấn, hướng dẫn của giáo viên. Những món ăn dân dã kết hợp với hiện đại và quan trọng hơn hết là lan tỏa động lực tích cực kết nối việc học và hành đến học sinh. Một góc sân trường thật sôi động với hoạt động trải nghiệm ngày cuối tuần. Thật sáng tạo để có được những sản phẩm đẹp về nội dung cùng với hình thức và phong cách giới thiệu sản phẩm đến với công chúng. Không quá lời để nói rằng: Những sản phẩm hoàn hảo là sự kết hợp liên môn – kiến thức nền là môn sinh học, trang trí và sắp đặc sản phẩm là môn mỹ thuật, giới thiệu sản phẩm là kỹ năng thuyết trình của môn ngữ văn… Trong các tiết dạy giáo dục địa phương, bên cạnh những kiến thức nền từ sách giáo khoa, các thầy cô đã thổi hồn vào bài giảng thông qua những nguồn kênh chính thống để giúp học sinh hiểu được vùng đất mình đang sinh sống với bề dày lịch sử, văn hóa… Quan trọng hơn nữa là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động học tập được thầy và trò phối hợp thật hiệu quả thông qua phiên bản của các trò chơi “Ai là triệu phú” hay “Đấu trường 100”… Có dịp tham gia những tiết học như thế này, tôi cảm nhận được rằng: Học sinh của mình hay thật khi vận dụng sáng tạo công nghệ vào hoạt động học tập thông qua sản phẩm mà nhiều khi đã đưa giáo viên từ bất ngờ này sang bất ngờ khác! Tham gia những hoạt động trải nghiệm cùng các môn học sẽ giúp học sinh tự tin với việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cũng như có thêm nhiều kỹ năng hơn như: Phối hợp làm việc nhóm, thuyết trình… Những kiến thức trong sách giáo khoa chỉ phát huy tác dụng và năng lực, phẩm chất người học chỉ phát triển đúng hướng thông qua các hoạt động, những hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức vào thực tiễn là minh chứng rõ nét và chân thật nhất. Các hoạt động sư phạm được thiết kế theo tính chất vừa học vừa chơi liên kết giữa lý thuyết và thực hành chính là những hoạt động trải nghiệm ít tốn kém mà nhà trường có thể thực hiện được trong điều kiện, bởi kỹ năng sống chính là những việc làm bình thường hàng ngày và được thẩm thấu dần ở từng bậc học theo tâm sinh lý lứa tuổi với sự năng động và sáng tạo của các thầy cô. Ở góc độ cảnh quan sư phạm, khung cảnh ngoài bốn bức tường lớp học đôi khi học sinh có thể hiểu sâu hơn những vấn đề mà thầy cô đề cập đến và cảm thấy thân thiện, tự tin, thoải mái để bắt đầu những câu chuyện của mình.

Dạy học trong thời đại 4.0 hiện nay, giáo viên phải “đu trend” với học sinh. Rất nhiều thầy cô đồng ý với nhận định này vì dù thế nào đi nữa phải tiếp cận, tập làm quen dần với công nghệ và những kỹ năng tích hợp, và nghề dạy học cũng không ngoại lệ. Đã qua rồi cái thời mà giáo viên đến lớp với quyển giáo án viết tay dầy cộm và được bổ sung dần dần theo năm tháng để cập nhật những kiến thức và phương pháp mới. Trong những bộ sưu tập tư liệu giảng dạy của mình, tôi còn giữ lại những bài viết, hình ảnh sưu tập trên báo, tạp chí, tài liệu… của một thời để đôi lúc hoài niệm lại những gì gọi là ngày xưa. Trong môi trường sư phạm, theo thời gian giáo viên dần làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học. Những trang giáo án viết tay ngày xưa dần được thay thế bởi những trang in vi tính đẹp và sắc sảo. Với những quy định hiện hành, nhiều trường cho phép giáo viên không cần in giáo án mà chỉ cần đăng tải lên một ứng dụng thống nhất chung cho toàn trường để tổ trưởng hay bộ phận chuyên môn duyệt là xong. Việc giảng dạy trực tuyến đã nâng tầm ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên rất nhiều. Không chỉ đơn thuần là soạn giảng với PowerPoint, giáo viên còn biết lồng ghép hình ảnh, âm thanh, video vào bài giảng để mang lại sức sống cho những con chữ khi truyền tải kiến thức đến học sinh. Trên nền tảng kiến thức chung, người thầy có thể thiết kế nên những bài giảng của riêng mình với những hoạt động học tập phù hợp với tình hình thực tế – trình độ người học, dữ liệu và thiết bị dạy học được cung cấp hay sưu tầm. Việc tổ chức những hoạt động học tập bên ngoài lớp học không còn là điều xa lạ với học sinh và giáo viên. Đảm bảo kiến thức và kỹ năng theo chương trình, điều kiện trải nghiệm những hoạt động an toàn, tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và phụ huynh đó là những tiêu chí cần phải có để tổ chức những không gian học tập bên ngoài phòng học truyền thống và xa hơn nữa là bên ngoài nhà trường. Với sự hỗ trợ của thầy cô và sự sáng tạo của học sinh, những hình thức như Talkshow, sân khấu hóa, thuyết trình… không những cung cấp thêm kiến thức mà còn là dịp để các em thể hiện kỹ năng của mình. Không gian bên ngoài lớp học chính là sự thay đổi để học sinh có thêm động lực học tập.
Giáo viên phải “đu trend” với học sinh để tiếp cận các em và có những phương pháp thích hợp trong việc truyền tải kiến thức, kỹ năng đến học sinh. Bên cạnh đó, người thầy phải tận dụng những khả năng mới mẻ và ưu việt của công nghệ 4.0 trên nền tảng tri thức của mình để phục vụ cho công việc dạy học và để tự làm mới mình trong mắt học sinh chứ đừng nên ứng dụng công nghệ thông tin mang tính hình thức, chưa phát huy trọn vẹn tính tích cực và tính hiệu quả của công nghệ.
Lê Tấn Thời
(Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn,
Chợ Mới, An Giang)
Bình luận (0)