Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo viên phải học cách trừng phạt

Tạp Chí Giáo Dục

Hỏi han, tâm tình cũng là một trong những cách trừng phạt học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: T.An

Có phải người lớn cũng có khuyết điểm, tội lỗi nhưng vì khéo che đậy, ngụy biện nên không ai biết? Có một thầy, cô giáo nào đã từng đưa ra câu hỏi này để học sinh tranh luận chưa? Chúng ta thử làm như vậy và đón nhận những quan điểm, có thể đó là những ý kiến sẽ là những bài học quý giá phục vụ công tác dạy học cho chính mình. Không thể cứ để học sinh mãi là người chỉ biết lắng nghe, còn thầy cô giáo là cái máy phát ra âm thanh trách mắng liên hồi. Đối với học sinh hư, khen thưởng và trừng phạt không phải là phương pháp giáo dục bình thường. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, đối với một số học sinh hư, quen với tình huống dữ dằn, bạo lực thì chỉ khi nào “xứng đáng” mới được quyền “hưởng” sự khen thưởng hay trừng phạt. Về mặt tâm lý và thái độ, nếu học sinh chưa hiểu hết ý nghĩa, tác dụng của phương pháp, tỏ ra xem thường hình phạt, không ăn năn hối lỗi thì tốt hơn là không vội trừng phạt.
Trừng phạt phải được đối tượng nhận thức, tiếp thu như là hình thức đặc biệt của yêu cầu chung đối với hành vi học sinh qua: phê phán, chỉ trích việc làm sai trái, lời chỉ dẫn sửa chữa để khắc phục sai phạm đó; cảnh báo, răn đe sự việc tái diễn để có cách phòng ngừa. Chúng ta phải hiểu rằng, trừng phạt được áp dụng để sửa những lỗi lầm của trẻ nhưng trừng phạt phải thích đáng, tránh tạo cơ hội để học sinh bộc lộ sự ranh mãnh, đối phó. Mức độ, hình thức trừng phạt phải nhằm mục đích giáo dục vì quyền lợi của tập thể, của gia đình, lớp học. Khi trừng phạt, phải vạch rõ lý do thích đáng, đảm bảo cho việc trừng phạt đạt hiệu quả mong đợi, làm cho đối tượng chuyển biến thái độ và hành vi.
Trước khi thực hiện việc trách phạt học sinh phải được cả lớp đồng tình, ủng hộ. Người giáo viên phải nhạy bén, linh hoạt thay đổi hình thức khi cần thiết, không nên trừng phạt một cách hình thức, phạt hàng loạt học sinh với cùng một hình phạt là điều tối kỵ. Khi học sinh hiểu rõ được cách thức phạt của giáo viên (thường quen dùng một loại hình phạt) dễ dẫn đến thái độ “lờn thuốc”. Khi đó, học sinh sẽ dùng tiếng lóng, dùng ám hiệu để thông tin cho nhau, làm trò cười vì chúng cho rằng như vậy là không khách quan, chưa thuyết phục. Với mỗi học sinh, giáo viên phải nắm sát và cá biệt hóa cả cách trách phạt thì mới đạt hiệu quả giáo dục cao. Có học sinh, khi trừng phạt phải dùng áp lực của dư luận tập thể, có em phải hỏi han, tâm tình, có em phải kiên quyết… Không nên hấp tập, vội vàng khi trừng phạt, tránh tình trạng để trẻ có lỗi chưa đủ thời gian tự xem xét lại hành vi sai trái của mình.
Khi giáo viên trực tiếp xung đột với học sinh thì tốt hơn là nên tránh, không dùng uy quyền để trừng phạt học sinh vì giáo viên dễ mắc sai lầm, không tránh được thái độ chủ quan. Về phía học sinh cũng dễ nảy sinh thái độ tiêu cực, hoài nghi động cơ của người trừng phạt chúng.
Nhà giáo Nguyễn Bá Tổng
Kinh nghiệm cho thấy, khi học sinh phạm lỗi, chúng biết chắc là sẽ bị trừng phạt thì chính sự chờ đợi hình phạt cũng đã là một sự trừng phạt nặng nề. Vì thế trừng phạt đúng lúc, đúng đối tượng, đúng mức, đúng chỗ sẽ có tác dụng giáo dục.
 

Bình luận (0)