Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên phải là người đầu tiên học phòng chống tham nhũng

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, HSSV sẽ phải tăng tiết để học thêm nội dung này. Liệu chương trình có quá tải? Dạy tham nhũng trong nhà trường bắt đầu từ đâu?

Tiến sĩ Đỗ Gia Thư

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Gia Thư – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (nơi xây dựng Đề án), ông Thư cho biết: “Mục đích của đề án phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục đào tạo, bồi dưỡng là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời xây dựng ý thức cho cán bộ công chức trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì tham nhũng chủ yếu tập trung ở các đối tượng thực hiện quyền lực của nhà nước, các cán bộ công chức, để từ đó nâng cao ý thức, phát huy các vai trò của các tổ chức xã hội, tạo ra một phòng trào, một thói quen văn hoá chống tham nhũng.
Riêng đối với đối tượng là cán bộ công chức, nội dung chỉ đưa vào các lớp chương trình bồi dưỡng chính trị quản lý nhà nước. Còn phạm vi áp dụng đề án này chủ yếu thực hiện ở các trường học và các cơ sở đào tạo như các trường THPT, Học viện, ĐH,CĐ, TCCN, trường nghề và các trường quản lý sự nghiệp hành chính thuộc các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các trường thuộc lực lượng vũ trang và các trường thuộc các tổ chức quản lý xã hội mà có đào tạo công chức”.
Học sinh hiện đang bị quá tải, không chỉ các chương trình học chính mà các em phải học quá nhiều các môn lồng ghép, tích hợp như Luật giao thông, môi trường, tiết kiệm năng lượng điện… nay lại thêm nội dung phòng chống tham nhũng. Khi xây dựng Đề án, Thanh tra Chính phủ có tính đến yếu tố này không?
Tôi cũng thấy rằng chương trình dạy học hiện nay của chúng ta đang rất quá tải nên trong quá trình xây dựng đề án chúng tôi cũng đã tính toán đến điều này. Đối với học sinh THPT thì mức độ chỉ để các em nhận biết thế nào là chống tham nhũng, chủ yếu lồng ghép vào các môn giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn và không tạo thành các môn học riêng.
Còn đối với bậc ĐH,CĐ, TCCN… thì mục đích nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân về phòng chống tham nhũng. Qua đó, giúp cho các đối tượng này phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Riêng đối với các trường chuyên về Luật, Học viện Hành chính, hoặc liên quan trực tiếp đến công tác nội chính như Toà án, Kiểm sát, Công an thì bổ sung thêm nội dung cơ bản của Pháp luật về phòng chống tham nhũng, kỹ năng phòng chống tham nhũng và kinh nghiệm nước ngoài về phòng chống tham nhũng.
Thời lượng dạy nội dung này thì được tính thế nào thưa ông?
Ở các trường ĐH,CĐ thì nội dung phòng chống tham nhũng được lồng ghép vào môn Pháp luật đại cương với thời lượng là 5 tiết cho tất cả các ngành đào tạo, các trường trung cấp thì thời lượng là 4 tiết. Nhưng đối với các trường chuyên về luật hoặc liên quan đến công tác nội chính thì nội dung này cũng được tích hợp trong môn học Pháp luật nhưng với thời lượng khoảng 15 tiết. Trong đó có ít nhất 5 tiết tự nghiên cứu.
Ngoài ra, các trường chủ động lựa chọn nội dung hoạt động ngoại khoá để đưa để đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào như báo cáo chuyên đề trong sinh hoạt HSSV hàng năm, thi tìm hiểu pháp luật, văn hoá, văn nghệ, xây dựng chuyên mục phòng chống tham nhũng trên các trang thông tin điện tử của trường … Tôi cho rằng như thế cũng không quá tải.
Để truyền tải kiến thức này tới HSSV thì đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Vậy, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên như thế nào?
Đây là một trong những nội dung rất quan trọng của Đề án. Chúng tôi sẽ tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho giáo viên. Dự tính là tổ chức thời gian ít nhất 5 ngày cho các giáo viên.
Về tài liệu chúng tôi nghiên cứu phối hợp với các cơ quan có liên quan để biên soạn luật phòng chống cho phù hợp với từng đối tượng và tăng cường trang thiết bị, giáo trình, tài liệu … đảm bảo học tập có hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng một ngân hàng về tư liệu giáo dục phòng chống tham nhũng tại thư viện của các trường, các trang thông tin điện tử để học sinh, giáo viên truy cập. Đặc biệt, sẽ triển khai công tác nghiên cứu khoa học về phòng chống tham nhũng để làm cơ sở cho giảng dạy. Coi nó là một môn khoa học vì công tác phòng chống tham nhũng là công tác lâu dài nên phải bài bản, khoa học và đi vào nề nếp. 

Phòng chống tham nhũng là nội dung học bắt buộc đối với sinh viên

 Theo ông, trong giáo dục thì những hành động như thế nào bị coi là tham nhũng?

Tham nhũng là tham ô, hối lộ, móc ngoặc, nhận phong bì, chạy điểm, dạy thêm… Tức là bằng những dẫn chứng cụ thể như thế để học sinh hiểu. Chúng ta không giáo dục tham nhũng là gì, phòng chống tham nhũng như thế nào … mà xây dựng ý thức coi tham nhũng là cái gì đó xấu xã hội cần phải lên án bằng những hành động cụ thể .
Nhưng chống tham nhũng trong nhà trường, trước hết bắt đầu từ giáo viên. Giáo viên phải là tấm gương đạo đức về phòng chống tham nhũng. Tôi thấy, ngành giáo dục cũng đang chống tham nhũng tiêu cực như là chống dạy thêm, học thêm, gian lận trong thi cử, chống bệnh thành tích, phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực… nhưng tất cả những nội dung đó chưa đưa được bài bản, chưa thống nhất. Khi đưa Luật phòng chống tham nhũng này vào thì những vấn đề đó trở thành một nguyên tắc chung xuyên suốt. Đối với các giáo trình, giáo án của Luật phòng chống tham nhũng phải thường xuyên đổi mới để đưa vào một cách nhẹ nhàng mà có hiệu quả. Không chỉ giáo dục đối với HSSV thậm chí đối với cả giáo viên, cán bộ quản lý, công chức.
Kỳ vọng của Thanh tra Chính phủ khi xây dựng Đề án này?
Ý nguyện của chúng tôi rất lớn lao nhưng rõ ràng vấn đề phòng chống tham nhũng cũng rất khó khăn. Về lâu dài chúng tôi muốn nâng cao ý thức của người dân để người dân biết hành vi tham nhũng là xấu. Và với cán bộ công chức, đối với người dân, với xã hội, cần phải lên án. Nó có tác hại như thế nào đối với xã hội, an ninh chính trị, phát tiển kinh tế, trước mắt tập trung vào những đối tượng nhạy cảm nhất là người nắm và thực thi quyền lực của nhà nước, dễ tham nhũng nhất để giáo dục. Một mặt khác, cần tiếp tục thực hiện minh bạch hoá các hoạt động của nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh/Dan tri

Bình luận (0)