Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên phải là nơi các em gửi niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Những hoạt động tập thể như thế này sẽ thắt chặt tình đoàn kết giữa học sinh với học sinh, giữa thầy và trò. Ảnh: T.L

Có những trường hợp giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đã làm thay đổi những ý nghĩ và hành động tiêu cực, những hành vi ứng xử bạo lực trong học sinh, và cũng có những trường hợp ngược lại cũng do một phần trách nhiệm của GVCN. Vậy làm cách nào để “thu phục” các em tránh đi những hành động bạo lực ấy?
Cách đây gần 30 năm, khi tôi còn là một giáo viên, tôi được phân công dạy lớp và làm công tác chủ nhiệm. Các em trong lớp mà tôi được phân công gồm rất nhiều thành phần khác nhau: giỏi có, khá có, yếu có và thành phần cá biệt cũng không phải là hiếm. Ngày đầu tiên nhận lớp, các em thể hiện thái độ rất bất cần đời, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Thú thật, những ngày đầu khi nhận lớp, tôi rất nản lòng và chỉ muốn xin ban giám hiệu không nhận lớp nữa. Nhưng suy nghĩ cho cùng, ai cũng như tôi sẽ từ chối công việc GVCN thì lớp học này sẽ thế nào? Tôi nhớ đến lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, và thế là tôi quyết tâm làm một điều gì đó cho lớp học đầy cá biệt này.
Hòa mình vào những hoạt động của học sinh
Tôi bắt đầu tìm hiểu lý lịch gia cảnh của từng em một cách tỉ mỉ để hiểu rõ về các em hơn. Sau đó, tôi trở vào lớp với một nét mặt rạng rỡ, không giống như những ngày trước. Thái độ này cũng đã làm cho các em có một cái nhìn khác. Khác vì chính nét mặt của cô sao hôm nay có vẻ tươi hơn, vui hơn? Tôi và các em chào nhau một cách thoải mái, vui vẻ. Khi các em ngồi xuống, còn chưa hiểu tiếp việc gì sẽ diễn ra. Tôi đi một vòng quanh lớp, nhìn các em với vẻ trìu mến khiến cả lớp lặng người để dõi theo cô. Cuối cùng, tôi yêu cầu các em đứng lên, chạy ra khỏi chỗ ngồi và nắm tay nhau đứng thành vòng tròn. Tôi và cả lớp bắt đầu những trò chơi tập thể trong một tiết học đầu tiên. Các em được chơi, được hòa mình vào các trò chơi một cách say mê. Trong quá trình chơi, tôi và các em cùng hòa vào nhau thành một tập thể, không phân biệt cô – trò và cùng chơi với các em. Quá trình chơi, tôi khéo léo tìm hiểu thêm cá tính của từng em bộc lộ qua những trò chơi khác nhau để rồi từ đó, tôi có hướng “cảm hóa” các em. Ngày hôm sau, và suốt một tuần như vậy, tôi đều dành một tiết học để cùng sinh hoạt, cùng hòa mình vào những hoạt động của các em. Lúc thì chơi trò chơi tập thể, lúc thì tổ chức thi đua làm sản phẩm, hay trang trí lớp… thi đua theo nhóm. Thật sự, một tuần lễ trôi qua thật nhanh, tôi và các em đã hòa với nhau thật thân thiết. Dần dần, những em cá biệt được tôi nhẹ nhàng uốn nắn theo gương của các bạn tốt, giỏi trong lớp. Các em không những nghe theo mà còn tích cực hơn để học tốt như các bạn. Tôi còn nhớ rất rõ, những em cá biệt lại là những em hay đến hỏi thăm chuyện và cùng chơi với tôi nhiều nhất (trong giờ chơi). Các em đã tự nhận ra những tồn tại của mình và qua cách dạy nhẹ nhàng của tôi, các em đã sửa lỗi sai.
Chỗ dựa vững chắc của các em
Với một vài dẫn chứng qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, tôi muốn chia sẻ về kinh nghiệm khi làm GVCN lớp. Muốn thành công, muốn tạo cái nếp cho các em để cảm hóa những em học sinh cá biệt, để giúp các em loại bỏ ngay tư tưởng hành xử theo kiểu “xã hội đen” thì người GVCN phải là chỗ dựa vững chắc cho các em. Thái độ thể hiện của GVCN rất quan trọng. Nó sẽ là con dao hai lưỡi. Tại sao vậy? Khi thấy những em cá biệt, hoàn cảnh gia đình các em không mấy thuận lợi, nhiều GVCN đã bỏ mặc các em, buông xuôi cho các em muốn học thì học, muốn chơi thì chơi. Như vậy, thái độ “tiêu cực”, một chiều ấy của GVCN đã “đẩy” các em đi xa hơn, tạo một khoảng cách xa hơn với các bạn khác cùng lớp. Và các em sẽ dễ dàng hành xử nhau theo kiểu “xã hội đen” mà chẳng cần biết hậu quả về sau sẽ như thế nào, vì các em đã mất hết chỗ dựa từ nhà trường, từ môi trường học tập mà các em được tiếp xúc hàng ngày với những người được các em gọi bằng “thầy”, với các bạn bè trong lớp. Tôi cho rằng, cách quản lý của những GVCN như vậy sẽ không những không kéo các em trở về với con người “thiện”, mà lại đưa các em xuống “đáy” của những hành vi tiêu cực. Còn nếu thái độ của GVCN thể hiện một cách bình đẳng, thiện cảm với tất cả các em không phân biệt đối xử, không tạo khoảng cách và luôn luôn hòa mình với các em trong bất kỳ hoạt động nào dù lớn hay nhỏ, thì các em sẽ gần gũi với GVCN hơn, sẽ bày tỏ tâm sự, những khúc mắc mà các em không biết giải tỏa cách nào để GVCN là “quan tòa” phân xử và hướng các em đi theo hướng chân, thiện, mỹ, hướng các em học và đi theo cái tốt của rất nhiều bạn xung quanh. Từ đó, những hành vi ứng xử theo kiểu xã hội đen chắc chắn sẽ được loại bỏ ngay từ trong tư tưởng của các em.
Qua đây, một điều gửi gắm và nhắn nhủ với các bạn đồng nghiệp, với những giáo viên trẻ là phải kiên nhẫn để giáo dục, để cảm hóa các em, phải là chỗ dựa thật vững chắc để các em tin tưởng, gửi gắm tất cả những khó khăn cho GVCN để GVCN sẽ cùng các em vượt qua những khó khăn ấy, để vươn tới những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.
NGƯT Nguyễn Thị Hồi
(Nguyên Hiệu trưởng Trường TH Trung Nhất, Phú Nhuận, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)