Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên phải thực sự tự học!

Tạp Chí Giáo Dục

Báo Giáo dục TP.HCM ngày 3-6 có bài viết rất đáng chú ý là Giáo viên phải làm gương tự học của tác giả Thạch Hoàng Sa. Bài viết nhấn mạnh: “Muốn học sinh tự học có hiệu quả, trở thành niềm đam mê thì trước hết, giáo viên phải tự học, phải đam mê để các em làm theo, noi theo”.

Người giáo viên phải tự học liên tục để bài giảng thuyết phục học sinh hơn (ảnh minh họa).  Ảnh: Anh Khôi

Đây có thể nói là một vấn đề rất đáng quan tâm của ngành giáo dục hiện nay, mà giáo viên là những người góp phần quan trọng để tạo nên thành công của ngành.

Việc tự học phải thực sự, thường xuyên, liên tục và không có giới hạn. Kiến thức rộng, phương pháp truyền đạt hợp lý thì bài giảng càng thuyết phục hơn, càng ấn tượng tốt hơn với học sinh, làm chất lượng giờ học được nâng cao.

Với mỗi người, thường có thể tiếp thu qua các con đường sau: học ở trường lớp, học ở sách báo, học ở mọi người xung quanh, học qua công việc thực tiễn… Nhiều người quá chú trọng đến việc học ở trường lớp mà ít quan tâm đến các hình thức học tập khác nên sau khi tốt nghiệp và lấy một số bằng cấp (cử nhân, thạc sĩ…) thì coi như đã “học đủ”. Đối với họ, các hình thức học tập khác phần nhiều dừng lại ở việc tích lũy kinh nghiệm mà ít xem đó là để tích lũy kiến thức.

Với giáo viên, một số người quan niệm rằng, nếu không thay đổi môn dạy, không thay đổi khối dạy thì với bài giảng đã chuẩn bị sẵn, có thể dạy lớp này qua lớp khác, năm này qua năm khác, nhất là ở các môn ít có đổi mới với kiến thức (như toán, vật lý, hóa học…). Trong trường hợp này, “trăm hay không bằng tay quen”, người giáo viên có thể dễ dàng trình bày bài giảng của mình một cách trôi chảy. Từ đó, có người có thể ngộ nhận rằng bản thân thực sự nắm bắt được toàn bộ bài giảng, toàn bộ chương trình của môn học mà không cần trau dồi thêm nữa. Nếu chương trình học có bổ sung kiến thức gì mới thì đã có các đợt tập huấn của ngành nên cũng không lo sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Trên thực tế, kiến thức ở trường lớp không chỉ gói gọn trong chương trình, trong sách giáo khoa mà còn tổng hợp nhiều loại kiến thức khác và có sự thay đổi theo thời gian. Đó là kiến thức thực tiễn liên quan trực tiếp đến môn học; kiến thức liên quan đến lĩnh vực của môn học và kiến thức xã hội liên quan đến lứa tuổi, thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ… Chẳng hạn, với môn văn, những thông tin mới về tác giả, tác phẩm (nhất là các tác phẩm cổ) cần được cập nhật; nhu cầu tìm hiểu về tác phẩm đó (những vấn đề gì cần quan tâm, góc độ tiếp cận…); các vấn đề xã hội liên quan đến tác phẩm đó (tính thời sự của tác phẩm, ý nghĩa thực tiễn rút ra từ tác phẩm)… Như vậy, với một tác phẩm, năm học trước đã dạy như thế thì không có nghĩa là năm sau cũng dạy tương tự, bởi có những thông tin, kiến thức, vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những điều đó đòi hỏi giáo viên phải luôn suy nghĩ, tìm hiểu thêm để bổ sung kiến thức cho mình. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, khi tác giả, tác phẩm có sự nhìn nhận mới hơn, khác hơn thì bản thân giáo viên phải nắm bắt được điều đó để truyền đạt cho học sinh.

Học cả đồng nghiệp và học sinh

Có thể nói việc học tập lẫn nhau giữa các giáo viên là rất cần thiết và có ý nghĩa. Mỗi người nên tránh để cái tôi mình quá lớn mà không dung nạp những cái hay của người khác, nhất là với các đồng nghiệp trẻ hơn. Việc học lẫn nhau cần quan tâm cả kiến thức lẫn phương pháp cũng như các kinh nghiệm (cả hay và chưa hay) của người khác. Ngoài ra, giáo viên cũng nên chú ý học cả ở học sinh. Không ít trường hợp, trong suy nghĩ, trong phát biểu, trong bài làm, học sinh có những ý hay, những cách tư duy độc đáo hoặc những phương pháp mới lạ thì giáo viên cần động viên để học sinh đó phát huy điểm hay, điểm mới đó, đồng thời bản thân nên học tập để bổ sung vào bài giảng của mình.

Không ít trường hợp khác, giáo viên lấy được bằng cấp cao hơn thì coi như bản thân đã có ý thức học tập tốt. Thực sự thì bằng cấp chỉ là một phần của việc học tập, bởi có bằng cấp cao mà không thực học hoặc không gắn kiến thức học được với bài giảng, nhất là không liên hệ được vấn đề thực tiễn vào bài giảng, thì bằng cấp đó thực ra không có nhiều ý nghĩa cho việc dạy học.

Do đó, bản thân mỗi giáo viên phải hết sức chú trọng việc tự học bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, hàng ngày đọc báo, đọc thông tin trên mạng không phải để giải trí, để nắm bắt thời sự mà còn để tích lũy những kiến thức liên quan đến môn mình dạy, đến những bài giảng, từ đó đưa vào các buổi giảng, đưa vào bài kiểm tra. Ngoài ra, giáo viên phải thường xuyên đọc sách, bởi sách là nguồn cung cấp kiến thức quan trọng, có hệ thống và bổ ích, nhất là những sách có nội dung gần với môn mình dạy. Khi đọc sách, cần có phương pháp tích lũy kiến thức, như phải ghi chép những chi tiết cần thiết, có cách làm dấu khi cần tra cứu, biết “lẩy” ra những chi tiết phù hợp để phục vụ cho việc giảng dạy.

Minh Tâm (TP.HCM)

Bình luận (0)