Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên phải xác định đúng mục tiêu bài dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Xuống trường dự các tiết dạy chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy là một hoạt động chuyên môn Phòng GD-ĐT Phú Nhuận thường xuyên tổ chức (ảnh do Phòng GD-ĐT cung cấp)
Đó là chia sẻ của ThS. Võ Cao Long – Phó trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận khi nói về vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường hiện nay. Có thể nói, việc đổi mới phương pháp giảng dạy luôn đòi hỏi ở sự nỗ lực của mỗi giáo viên và từng đơn vị giáo dục, trong đó, phòng GD-ĐT luôn đóng vai trò “đầu mối” để định hướng công tác này.
Ông Võ Cao Long cho biết: Phương pháp giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình dạy học. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì thế, phương pháp dạy học là một trong những yếu tố cơ bản của một nền giáo dục tiên tiến, bắt kịp xu thế thời đại. Đó là phương pháp dạy học phải phát huy tính tích cực của người học. Nó được áp dụng xuyên suốt cho quá trình giáo dục phổ thông từ tiểu học lên THCS, THPT. Tuy nhiên, mỗi bậc học đều có đặc thù riêng nên việc khai thác, sử dụng là nghệ thuật sư phạm của người thầy.
PV: Đối với bậc THCS, theo ông, giáo viên cần tập trung vào những vấn đề mấu chốt nào?
– Theo tôi, việc đổi mới phương phápgiảng dạy ở bậc THCS hiện nay cần tập trung vào các vấn đề mấu chốt sau: Chúng ta phải xác định đúng mục tiêu bài dạy. Mục tiêu đó sẽ “soi đường dẫn lối” cho cả về phương pháp và nội dung bài học cụ thể cho từng khối lớp. Từ đó lượng hóa và giảm tải kiến thức trong từng bài dạy (theo chuẩn kiến thức, kỹ năng) để tránh tình trạng dạy nhồi nhét và ôm đồm. Đưa ra hệ thống câu hỏi, kết hợp hiệu quả các phương pháp tổ chức hoạt động trên lớp (chú trọng tổ chức hoạt động theo nhóm – sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực) một cách phù hợp và khoa học cũng cần được chú trọng. Cuối cùng là định lượng thời gian hợp lí cho từng phần kiến thức trong bài để tránh lạm dụng kiến thức quá nhiều không cần thiết.
Còn với bậc tiểu học thì sao? Ông có thể cho biết thêm chủ trương “học mà chơi, chơi mà học”?
– Phương pháp dạy học là sợi chỉ đỏ được áp dụng xuyên suốt cho giáo dục phổ thông, nhưng do đặc thù từng bậc học mà người giáo viên sử dụng làm sao cho phù hợp đối tượng và có hiệu quả nhất. Ở bậc tiểu học, đặc điểm tâm lý của trẻ không tập trung lâu, thời gian cho một tiết học chỉ vỏn vẹn 35 phút, lượng kiến thức căn bản không phải hàn lâm. Do đó giáo viên cần tập trung chú ý tổ chức hoạt động dưới hình thức vui học để lượng hóa kiến thức, đó là cách “học mà chơi, chơi mà học” phát triển tư duy cụ thể (lớp 1, 2 và 3) hướng đến tư duy trừu tượng (lớp 4, 5) lên các bậc THCS, THPT sau này. Hình thành thói quen có íchcho học sinh tiểu học thì “sẽ rất tốt cho cả giáo viên lẫn học sinh. Trẻ con sẽ luôn cảm thấy an toàn hơn khi chúng có được thói quen” như nhà sư phạm Pamela Shannon (San Diego) từng khuyên. Ví dụ, khi sinh hoạt nhóm là phải có ý kiếnhoặc nêu chính kiến. Tôi nhớ có lần nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, NGƯT Đặng Huỳnh Mai trao đổi: “Thói quen có ý kiến để giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và rèn kỹ năng giao tiếp. Còn thói quen nêu chính kiếnsẽ góp phần đào tạo lớp người dám nghĩ và dám chịu trách nhiệm”.
Được biết, những năm gần đây, ngành GD-ĐT Phú Nhuận có nhiều hoạt động chuyên môn nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Để tránh sa vào phong trào và chạy theo thành tích thì ngành đã có chủ trương gì?
– Ngành GD-ĐT Phú Nhuận đã đưa ra chủ trương “Dạy thật, học thật, chất lượng thật”. Mỗi giáo viên phải ý thứcviệc đổi mới phương pháp dạy học khi soạn giảng, khi tổ chức hoạt động trên lớp có như vậy mới tạo chuyển biến thật sự về chất lượngcủa việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây là năm học thứ 2 quận Phú Nhuận thực hiện chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy học” đến 100% giáo viên. Nói một cách cụ thể là chủ trương phải đến từng giáoviên, mỗi cá nhân ý thức việctự đăng ký bài dạy, thực hiện đổi mới phương pháp mỗi tổ/ khối chuyên môn, nhà trường cùng ngành cùng dự để trao đổi, phân tích ưu, khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, chúng tôi xác định đây là công việc thường xuyên, liên tục chứ không phải làm theo phong trào, xong rồi thì thôi. Có như thế mới đem lại lợi ích lớn nhất phục vụ cho chính học sinh, giúp các em hình thành sự tự tin và kỹ năng hợp tác của người lao động mới.
Ông có thể cho biết thêm về phương hướng sắp tới trong hoạt động chuyên môn của ngành GD-ĐT Phú Nhuận? 
– Khai thác và sử dụng CNTT để phục vụ cho dạy và học là rất cần thiết. Tuy nhiên trách nhiệm của phòng GD-ĐT là phải giúp giáo viên định hướng rõ hơn vấn đề này. Không được bài trừ nhưng cũng không nên lạm dụng không cần thiết ảnh hưởng đến phương pháp và hiệu quả dạy học theo hướng đổi mới. Chúng tôi đang mong muốn tạo nhiều hơn nữa sản phẩm để làm phong phú tài nguyên giảng dạy và cùng nhau chia sẻ để giàu thêm kinh nghiệm và tri thức với mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học.
Xin cám ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)

“Mỗi bậc học đều có đặc thù riêng nên việc khai thác, sử dụng là nghệ thuật sư phạm của người thầy”, ThS. Võ Cao Long nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)