Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên phấp phỏng lo mất việc vì bằng tại chức

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 30 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở thành phố Nam Định đang bị "dọa" cho thôi việc vì bằng tại chức, hầu hết trong số đó đã học liên thông đại học và chuẩn hóa đại học chính quy.

Một giáo viên tiếng Anh (xin được giấu tên) đang công tác tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Nam Định) chia sẻ, năm 1996, Sở GD&ĐT Nam Định liên kết với Viện ĐH Mở Hà Nội mở lớp Cao đẳng Anh văn cấp bằng chính quy. Chị hào hứng theo học.

Đây là khóa học tập trung 6 ngày/tuần, mỗi năm học 11 tháng (nghỉ hè 1 tháng). Nhưng phải đến khi gần tốt nghiệp các sinh viên mới biết bằng mình được nhận không phải chính quy mà là tại chức. Tuy nhiên, lúc này giáo viên tiếng Anh tiểu học đang rất cần nên đa số sau tốt nghiệp đều được đi dạy với hợp đồng 3 tháng.

"Đã hơn chục năm giảng dạy nhưng chúng tôi vẫn là giáo viên hợp đồng, cứ 3 tháng lại tái ký một lần. Tiền lương nhận được thì rất bèo bọt, 300.000 đồng một tháng năm 2009 và 700.000 đồng năm 2010. Tiền này được lấy từ quỹ lương do phụ huynh học sinh đóng góp (10.000 đồng mỗi cháu một tháng)", nữ giáo viên nói và cho hay, năm học này chưa được ký hợp đồng và cũng chưa biết lương được nhận bao nhiêu.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nhiều giáo viên tiếng Anh tiểu học ở TP Nam Định đang bị dọa mất việc vì bằng tại chức. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.

Chị cũng tâm sự, tiền lương tháng ít ỏi nhưng các chị phải tự đóng bảo hiểm và khoảng 2, 3 tháng mới được nhận một lần. Sau khi trừ các khoản thì còn lại chẳng đáng là bao. Để đảm bảo cuộc sống, chị phải đi làm gia sư, một vài giáo viên khác thì xin làm cấp dưỡng, công nhân hay đi chợ buôn bán…

Nghĩ rằng mình cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, chị và nhiều đồng nghiệp cùng cảnh đã học thêm 2 năm tại chức ngành tiếng Anh sư phạm tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Sau đó nhiều người học thêm lớp chuẩn hóa 8-10 tháng để có Chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ đại học chính quy.

"Thế mà giờ lại nghe thông tin sắp mất việc vì bằng tại chức khiến chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Nếu không nhận chúng tôi thì ngành giáo dục nói không từ đầu, giờ đã hơn 10 năm làm giáo viên, bắt chúng tôi bỏ dạy thì làm việc gì để sống. Tuổi cao, xin vào các công ty không ai nhận, mà ra chợ bán hàng thì bôi bác cho ngành giáo viên quá”, nữ giáo viên bày tỏ.

Cùng chung tâm trạng, chị Kim Hoa (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi) cho biết, nhà trường chưa có thông báo chính thức cho nghỉ việc, nhưng đã bóng gió sau cuộc họp với ủy ban. Nguyên nhân mà mọi người được biết là UBND tỉnh không cho thu tiền Tin học và tiếng Anh (đồng nghĩa với không có khoản thu để trả lương cho các chị), còn Sở Nội vụ thì không đồng ý nhận người có bằng dân lập, tại chức.

Chị Hoa cho biết, những năm qua, dù cố gắng đi học nâng cao, chuẩn hóa đại học chị vẫn chỉ được ký hợp đồng 3 tháng với tiền lương vài trăm nghìn, trong khi đó bạn bè chị trong biên chế nhận được khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng.

“Đại học Ngoại ngữ đã công nhận chúng tôi đạt chuẩn đại học chính quy, thế mà bây giờ thành phố lại dọa đuổi vì bằng tại chức. Bảo hiểm xã hội đã đóng được vài năm, rồi chúng tôi biết làm gì để sống”, chị Hoa than thở.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục Nam Định cho biết, về việc hơn 30 giáo viên có thể mất việc ông đã nắm được. Tuy nhiên, hệ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được tỉnh phân cấp cho các huyện, nên việc điều động, đề bạt, luân chuyển cán bộ là do cấp huyện quản lý.

Trước đó, trong đợt thi công chức diễn ra vào ngày 16-17/10, tỉnh Nam Định đã loại những người tốt nghiệp trường dân lập ra khỏi danh sách được dự thi. Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho hay, ở những vị trí này cần tuyển người giỏi, còn những người học dân lập chưa tạo được lòng tin.

Hoàng Thùy (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)