- 1 Giáo viên Quảng Bình ấn tượng với giáo dục STEM của học sinh THCS Trần Văn Ơn
Đoàn cán bộ quản lý giáo dục huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vô cùng ấn tượng với cách thức tổ chức giáo dục STEM của Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) qua chuyến giao lưu trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhà trường, chiều 28-3.

Đoàn công tác gồm 35 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý và triển khai Chương trình GDTP 2018 tại một số Trường THCS trên địa bàn quận 1, TP.HCM.
Tại Trường THCS Trần Văn Ơn, khi tận mắt chứng kiến các mô hình STEM của học sinh, trực tiếp quan sát giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các sản phẩm STEM, bà Trương Thị Thúy Vân – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết bà và các thành viên cán bộ quản lý trong đoàn vô cùng ấn tượng.

Theo bà, những sản phẩm STEM dù đơn giản như tạo pin từ trái cây, từ nước ngọt, các sản phẩm mô hình bằng vật liệu tái chế từ chính kiến thức bài học môn khoa học tự nhiên được học sinh vận dụng tạo thành đã khiến đoàn công tác đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhên khác. Học sinh được học gắn với trải nghiệm thực tế, phát huy năng lực, phẩm chất theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là cách nhà trường tổ chức ngày hội STEM đã thay đổi tư duy, suy nghĩ của nhiều cán bộ quản lý trong đoàn…
“Trước giờ chúng tôi luôn nghĩ ngày hội STEM phải rất lớn lao nhưng khi trực tiếp trải nghiệm cách thức tổ chức của Trường THCS Trần Văn Ơn, chúng tôi đã có thêm những hình dung rõ ràng hơn về việc đưa STEM vào trường học. Đôi khi chỉ đơn giản là bắt đầu từ những vấn đề đơn giản, xuất phát từ chính trải nghiệm của học sinh. Từ kinh nghiệm thực tế tại trường, địa phương sẽ nghiên cứu để vận dụng một cách hiệu quả, trước hết là triển khai bộ môn tích hợp, đẩy mạnh giáo dục STEM, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị…” – bà Trương Thị Thúy Vân chia sẻ.

Thông tin về việc triển khai giáo dục STEM tại trường, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn cho hay, giáo dục STEM được nhà trường đưa vào kế hoạch giáo dục, thực hiện trong các môn học, nhất là môn khoa học tự nhiên.
Giáo viên sẽ lựa chọn các chủ đề thích hợp, xây dựng kế hoạch giáo dục STEM trong chương trình môn học. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai đến học sinh, đưa ra tiêu chí đánh giá sản phẩm. Các sản phẩm STEM của học sinh làm ra trong môn học, hoạt động giáo dục sẽ được nhà trường tổ chức ngày hội STEM để trưng bày. Trong ngày hội, học sinh các lớp, các khối đều được tham gia…

“Việc xây dựng ngày hội STEM theo hình thức này đã tạo ra không gian lớp học mở, đưa STEM đến gần hơn với mỗi học sinh, giúp cho các em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, STEM được thể hiện, trải nghiệm…” – thầy Khánh đánh giá.
Theo thầy Khánh, tại TP.HCM, giáo dục STEM đã được triển khai từ rất sớm, giáo viên đã có kinh nghiệm khi tổ chức. Tuy nhiên, để thúc đẩy STEM, trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường thì cần cách tổ chức nhất quán, tạo điều kiện để giáo viên chủ động đưa vào trong tiết học, tạo sân chơi chung cho toàn trường…
Trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM hỗ trợ rất tốt để phát triển phẩm chất năng lực người học. Có thể sản phẩm STEM do học sinh tạo ra chưa tròn trịa, có thể chưa thành công nhưng chính quá trình các em làm thì các em sẽ rút ra kinh nghiệm, học hỏi và hoàn thiện kiến thức cho bản thân, hình thành kỹ năng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo. Đặc biệt là hỗ trợ tốt bộ môn khoa học tự nhiên theo định hướng của chương trình mới.
Trong chuyến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các trường THCS trên địa bàn quận 1, đoàn cán bộ quản lý giáo dục Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thăm, làm việc với Trường THCS Minh Đức, Trường THCS Trần Văn Ơn.
Theo bà Trương Thị Thúy Vân – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phong cách quản lý giáo dục cởi mở, đội ngũ giáo viên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, xử lý các tình huống sư phạm linh hoạt và sự tự tin của học sinh là những kinh nghiệm quý báu để mỗi thành viên trong đoàn học hỏi, nghiên cứu vận dụng vào thực tế đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường, tạo môi trường học sinh hạnh phúc. |
“Tới đây, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM, không chỉ dừng ở môn khoa học tự nhiên mà mở rộng ra các môn toán, công nghệ, tin học, thậm chí là các môn khoa học xã hội cũng sẽ được tổ chức theo định hướng STEM, xem STEM như một mô hình, phương pháp dạy học…” – thầy Nguyễn Công Phúc Khánh nói thêm.
Thầy Bùi Trung Đỉnh – giáo viên khoa học tự nhiên, Trường THCS Trần Văn Ơn cho hay, qua việc đưa STEM vào môn khoa học tự nhiên giúp cả thầy và trò đều nhẹ nhàng khi tiếp cận môn học. Học sinh được phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học, dễ dàng hình dung kiến thức mới. Với STEM, các em rất hứng thú trong bài học, môn học, giáo viên thiết kế chủ đề phù hợp với nội dung khối lớp, lứa tuổi. Học sinh vận dụng kiến thức vào tình huống cuộc sống cụ thể…
Yến Hoa
Bình luận (0)