Bài cuối: Phương pháp rèn chữ cho học sinh lớp 1
Làm thế nào để rèn chữ cho học sinh (HS) lớp 1 là vấn đề được nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục quan tâm. Với 18 năm đứng trên bục giảng, cô Phạm Thị Hồng Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Hanh Thông (Q.Gò Vấp) đã “đúc kết” được phương pháp rèn chữ cho HS lớp 1 và đã áp dụng hiệu quả ngay tại lớp học của mình trong ba năm qua.
Cô Phạm Thị Hồng Thảo với bản tóm tắt đề tài của mình |
Lớp 1 có nên dạy các em viết đẹp?
Trong những giờ lên lớp, cô Thảo luôn trăn trở với câu hỏi: “Ở lớp 1 có nên dạy các em viết đẹp hay không?”. Bởi một thực tế mà cô nhận thấy là, đối với HS lớp 1, những ngày đầu tiên đi học các em còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó, việc làm quen với chữ viết đối với các em thật sự khó khăn, bởi đôi bàn tay các em còn vụng về, lóng ngóng. Trong khi đó, hiệu quả dạy học phân môn tập viết vẫn còn hạn chế. Qua một thời gian tìm tòi, cô Thảo nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc rèn chữ cho HS lớp 1 là phương pháp dạy học mang tính hiện đại, đảm bảo tính chuẩn mực, hình thức thể hiện hấp dẫn, nâng cao hiệu quả trong việc rèn chữ ở tiểu học. Với suy nghĩ đó, cô Thảo đã đưa ra kết luận: “Đối với HS lớp 1, nếu cùng lúc đòi hỏi các em viết đúng đồng thời viết đẹp là một điều khó có thể thực hiện được”. Đưa ra kết luận như vậy nhưng cô vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo qua từng tiết học và mạnh dạn sử dụng những thiết bị dạy học hiện đại để phục vụ cho việc rèn chữ cũng như đưa ra những phương pháp riêng của mình để áp dụng cho từng HS. “Làm giáo viên dạy lớp 1 đã 18 năm, khi rèn chữ cho HS, tôi luôn chọn mục tiêu trọng tâm của môn học phù hợp với lứa tuổi và tình hình lớp học để sử dụng những thiết bị dạy học hiện đại phục vụ cho việc rèn chữ. Không những giáo viên, mà ngay cả HS, phụ huynh cũng có thể sử dụng được, bởi nó đơn giản: công nghệ phần mềm tập viết rất dễ sử dụng, giao diện thân thiện, cấu trúc hợp lí; cách thể hiện chữ mẫu đảm bảo tính chuẩn mực và luôn kích thích hứng thú học tập cho HS, nhất là HS lớp 1”, cô Thảo diễn giải về phương pháp dạy của mình.
Sau ba năm học được áp dụng, đề tài đã đạt được những hiệu quả rất ấn tượng. Cụ thể, lớp cô Thảo chủ nhiệm đã đạt giải nhất tập thể cấp trường về vở sạch chữ đẹp năm học 2008-2009; giải nhất cấp quận và cấp TP vở sạch chữ đẹp năm học 2009-2010. Bên cạnh đó, nhiều HS của cô còn đạt nhiều giải A cá nhân qua các kỳ thi vở sạch chữ đẹp cấp quận và TP. |
Trong đề tài “Ứng dụng CNTT trong việc rèn chữ cho HS lớp 1”, cô Thảo đã nêu lên được những phương pháp hữu ích như sau: Để những phương pháp rèn chữ đạt hiệu quả, ngoài những điều kiện tác động như bàn ghế phải đúng quy cách lớp 1 cùng máy vi tính và màn hình LG… ở giai đoạn viết, bút chì là một công cụ rất quan trọng. Theo cô, đầu bút chì phải hơi nhọn, nếu nhọn quá dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, nếu đầu bút chì quá “tù” thì nét chữ sẽ rất to. Còn ở giai đoạn viết bút mực: bơm sẵn mực tím, trên thị trường hiện nay có bút nét thanh nét đậm, ngòi bút đã được mài… Ngoài ra, cô còn đưa ra những hình ảnh minh họa về ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng quy cách; các lỗi cần tránh về tư thế ngồi viết để HS nhìn. Tiếp đến, hướng dẫn HS tư thế ngồi viết (tư thế ngồi một cách thoải mái nhất, không gò bó. Tuyệt đối không quỳ, nằm, ngồi viết tùy tiện: Lưng thẳng, ngực không tì vào bàn, đầu hơi cúi, mắt cách vở khoảng 25-30cm, tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ, hai chân để song song); cách cầm bút (cầm bút bằng ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Khi viết, dùng ba ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cầm bút nghiêng về bên phải. Cổ tay, khuỷu tay và cánh tay cử động mềm mại, thoải mái…). Sau đó cho HS rèn viết đúng trọng tâm từng nhóm chữ. Cô Thảo giải thích: “Nếu cùng một lúc đòi hỏi HS viết đúng và đẹp ngay là điều rất khó thực hiện, mặt khác căn cứ vào đặc điểm cấu tạo và mối quan hệ cách viết các chữ cái để HS viết đúng kỹ thuật. Ví dụ đối với nhóm 1 gồm các chữ: m, n, i, u, t thì các nét móc thường bị đổ nghiêng, khi hất lên thường choãi chân ra. Còn với nhóm 2, gồm các chữ: l, h, k, b, g, y thì các nét khuyết trên khuyết dưới thường viết sai điểm giao nhau, chữ viết còn cong vẹo và bị bị đổ nghiêng …”.
Hiệu quả bất ngờ từ phần mềm tập viết
Thay vì sử dụng bìa chữ mẫu (thiết bị dạy học đơn giản) hoặc chữ viết trên bảng (do giáo viên viết sẵn), cô Thảo sử dụng phần mềm dạy học tập viết – chỉ cần “nhấn chuột” máy tính là có thể tổ chức các hoạt động dạy theo tinh thần phát huy tính tích cực học tập của HS. Ở phần mềm tập viết này, mô tả đặc điểm hình dạng chữ cái viết thường trong khung chữ (độ cao – rộng); cách viết chữ cái viết thường (mô tả quy trình viết chữ cái, từ điểm đặt bút đầu tiên đến điểm dừng bút khi viết xong). Phần này được mô tả bằng nét chạy tự động trên màn hình. Chỉ cần “nhấn chuột” vào chữ thì màn hình sẽ hiện lên các quy trình viết của chữ đó. Do nét chữ chạy tự động nên có thể điều khiển nhanh – chậm hay dừng lại, phóng to, thu nhỏ tùy ý người sử dụng. Nét viết được thể hiện màu đỏ (sáng nhấp nháy) để HS dễ theo dõi, có kèm theo lời thuyết minh đảm bảo tính chuẩn mực. Trước khi cho HS tập viết theo từng yêu cầu (viết chữ cái, viết chữ ghi tiếng mới, hay tô chữ hoa), giáo viên có thể “mở” từng cửa sổ tương ứng để các em quan sát lại về cách viết được mô tả trên màn hình (chỉ lưu ý chỗ khó viết, không cần giảng lại). Sau đó có thể viết mẫu từng chữ cái, chữ cái viết hoa trên bảng có nét thanh đậm để nâng cao thêm cho HS và yêu cầu các em viết vào vở theo mẫu trên dòng kẻ.
Không chỉ áp dụng có hiệu quả trên lớp, với đề tài này, cô Thảo còn chỉ ra giải pháp cho phụ huynh có thể giúp con rèn chữ, tập viết ở nhà. Qua đó phụ huynh nắm bắt được những yêu cầu cần đạt và có cách dạy thống nhất với giáo viên…
Đề tài “Ứng dụng CNTT trong việc rèn chữ cho HS lớp 1” được ban giám khảo hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM” lần thứ 21 đánh giá cao với những ưu điểm như đảm bảo tính chuẩn mực, hình thức thể hiện có tính hấp dẫn, phương pháp dạy học mang tính hiện đại, kích thích tính tích cực học tập của HS, làm cho giờ dạy tập viết nhẹ nhàng, hứng thú và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, đề tài này còn giúp cường độ lao động của giáo viên được giảm nhẹ (trong việc soạn giáo án và chuẩn bị đồ dùng) nhưng năng suất lại nâng cao (thể hiện ở hiệu quả dạy học).
Với những ưu điểm trên, đề tài “Ứng dụng CNTT trong việc rèn chữ cho HS lớp 1” đã đạt giải khuyến khích của hội thi.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)