Cô Nguyễn Thị Lộc (thứ hai từ trái qua) trong ngày nhận giải thưởnghội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM” lần thứ 21
|
Đến với hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM” lần thứ 21 do UBND TP.HCM tổ chức, cô Nguyễn Thị Lộc – Hiệu phó Trường Mầm non Hoa Mai (Q.3) đã trình làng một phương pháp rất ấn tượng giúp trẻ luyện tập với chữ cái, chuẩn bị cho trẻ năm tuổi vào lớp 1. Đó là phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ”.
Trẻ được vui chơi trực tiếp trên máy tính
Có thể nói, việc phát triển các giác quan cho trẻ là điều rất cần thiết ở lứa tuổi mầm non, nhưng muốn thực hiện được điều này cần phải có các giáo cụ trực quan. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non còn thiếu thốn giáo cụ trực quan dành cho giáo viên. Vậy, làm thế nào để phát huy tính năng của công nghệ thông tin trong giảng dạy? Từ băn khoăn đó, cô Nguyễn Thị Lộc đã mày mò sáng tạo ra phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ”, với hình thức thiết kế trên đĩa CD. Ưu điểm về chuyên môn của phương pháp này chính là kích thích sự hứng thú và không gây nhàm chán cho trẻ, bởi hình thức được thay đổi liên tục, đa dạng, phong phú. Theo đó, trẻ được lựa chọn nhiều hình thức vui chơi khác nhau, không trùng lắp giúp cho các em không ngừng suy nghĩ, phán đoán và tư duy. Sản phẩm này chủ yếu được làm từ các nguyên vật liệu đơn giản kết hợp với việc sử dụng phần mềm PowerPoint, trên Slide Show có hiện cửa sổ đặc biệt nhằm mục đích phục vụ việc thuyết trình, minh họa văn bản cho các bộ projector. Tác giả đã vận dụng bộ công cụ này để cho trẻ được hoạt động trực tiếp trên máy vi tính mà không phải sử dụng thêm loại đồ dùng nào nữa. Nói về bản chất của phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ”, cô Lộc giải thích: “Phương pháp này được ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non, sử dụng phần mềm PowerPoint biên soạn bài tập trò chơi với hình thức trắc nghiệm hình ảnh. Cách thức chơi là cho trẻ dùng công cụ trên Slide Show để viết, vẽ, điền vào chỗ trống. Sau đó trẻ tự quan sát và đánh giá hành động đúng – sai hoặc đánh dấu theo yêu cầu trò chơi. Sau đó trẻ click vào tranh, ảnh nào đúng theo câu hỏi để có điều bất ngờ xảy ra. Ví dụ: Khi được thưởng hoa thì trẻ sẽ nghe có tiếng vỗ tay tán thưởng… Yêu cầu của trò chơi trắc nghiệm là chọn 1 trong nhiều ảnh đúng (chỉ 1 đúng), chọn 2 trong nhiều ảnh đúng (2/3 đúng), chọn hết (cả 2 đều đúng) và trẻ cũng có thể chọn theo ý thích – để đo lường suy nghĩ các em”.
Với phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ” giáo viên có thể sử dụng trong hoạt động dạy trẻ làm quen chữ cái hoặc cho trẻ năm tuổi tự chơi, ôn luyện trên máy tính. Vì có lời thuyết minh hướng dẫn cách chơi nên trẻ có thể tự chơi, tự giải quyết bài tập một cách nhẹ nhàng, không nhất thiết phải có người lớn kèm cặp. Tuy nhiên, trong các bài tập trò chơi ôn tập cuối chương trình thì cần có sự trợ giúp của cô giáo hoặc người lớn, do nội dung bài tập yêu cầu đọc cho trẻ nghe từ.Phương pháp này kích thích khả năng suy luận ở trẻ thông quacác kỹ năng xã hội gần gũi (có thể chơi trong lớp hoặc ở nhà); phát triển óc phán đoán, khả năng suy luận và phương pháp loại trừ…
“Bé vui chơi chữ cái”
Năm 1979, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lộc tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Mầm non TP.HCM, về công tác tại Trường Mầm non Hoa Lư (Q.1) một thời gian, sau đó cô chuyển về làm chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.3 – phụ trách Tổ mầm non và bây giờ là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Q.3). Từ đó đến nay, trải qua hơn nửa đời người, cô Lộc vẫn “nặng lòng” với những đứa trẻ như một cái duyên với nghề. 32 năm công tác trong ngành, cô Lộc được nhiều người biết đến không chỉ vì tình yêu nghề, yêu trẻ mà cô còn “nổi tiếng” với những sản phẩm tự chế để phục vụ cho công việc của mình. Ngoài ra cô còn tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp dạy mới sao cho đạt hiệu quả nhất.
Phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ” không chỉ được nhiều giáo viên trong ngành đánh giá cao về mặt chuyên môn do tính hiệu quả khi sử dụng mà còn tạo ra một phương pháp mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hiện phương pháp này đã được cô Lộc cho sử dụng tại Trường Mầm non Hoa Mai với hệ thống máy vi tính được trang bị đầy đủ, mỗi phòng một máy. “Trước khi đưa phương pháp này vào áp dụng, tôi đã mở một lớp học về ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả giáo viên trong trường” – cô Lộc nói. Cô Lộc cho biết thêm, sau khi cho áp dụng phương pháp “Bé vui chơi chữ cái” trong các lớp học một thời gian, kết quả thu được rất tốt khi trẻ có hứng thú hơn, hiểu được nhiệm vụ và nội dung các trò chơi. Từ đó trẻ ghi nhớ và hình thành thói quen tốt. Còn giáo viên có thêm vật liệu mới trong tổ chức hoạt động, giúp họ giáo dục trẻ kỹ năng xã hội đơn giản, gần gũi và thiết thực.
Với những hiệu quả đạt được, phương pháp “Trắc nghiệm vui cho trẻ” đã đạt giải khuyến khích tại hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM” lần thứ 21 năm 2011.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)