Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên sáng tạo khoa học kỹ thuật: Bài 2: “Mềm hóa” môn học đạo đức

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Minh Khánh trong tiết dạy áp dụng phương pháp mới của mình
Những bài học đạo đức trong sách giáo khoa chưa gây hứng thú cho học sinh; làm sao để biến những giờ dạy đạo đức sinh động hơn để học sinh không cảm thấy nhàm chán, đơn điệu. Đó là câu hỏi mà cô Nguyễn Minh Khánh – giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) đã tìm ra lời giải qua đề tài khoa học “Cá thể hóa trong dạy học môn đạo đức”.
Phát huy tính sáng tạo của học sinh
Trong một lần được đọc bức thư của Bác Hồ gửi cho giáo viên (5-10-1946), cô Nguyễn Minh Khánh rất “thấm” với lời khuyên của Bác: “Vì trình độ người học không đồng đều nhau, cần có tài liệu thích hợp cho từng hạng, tài liệu không thích hợp thì học không có lợi gì”.
Từ đó, cô Minh Khánh đi tìm một phương pháp dạy mới, làm sao “biến” những giờ dạy đạo đức của mình không nhàm chán, tạo được sự hứng thú cho học sinh trong giờ học; đồng thời tạo điều kiện cho những học sinh giỏi tích cực hơn trong việc khám phá kiến thức. Nhưng để thực hiện được điều đó thật không dễ dàng. Từ những kinh nghiệm một thời tự làm đồ dùng dạy học khi còn là giáo viên mầm non ở huyện Cần Giờ, cuối cùng cô Minh Khánh cũng giải được bài toán này với nhiều phương pháp như: Cho mỗi học sinh trình bày cách giải quyết vấn đề của mình bằng cách ghi trên phiếu, thẻ từ. Các ý kiến của học sinh đều được ghi nhận, tạo được tâm lý tích cực khi tham gia bài học; chia nhóm theo ngẫu nhiên; chia nhóm theo trình độ; lập bảng thi đua; ghi nhật ký lớp. Cô Minh Khánh giải thích: Ví dụ với bài 5 về tình bạn (tiết 9), khi kể chuyện về Đôi bạn (sách Đạo đức trang 17), giáo viên dùng tranh như hình trong sách giáo khoa nhưng có thay đổi: tranh thứ ba, giáo viên xóa đi câu nói của người bạn giả chết nói: “Ai bỏ bạn trong lúc hiểm nguy là kẻ tồi tệ”. Và để kết thúc câu chuyện, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh trình bày ý kiến riêng của mình, giáo viên cho học sinh đoán câu nói mà Gấu đã nói với người giả chết. Mỗi học sinh sẽ ghi câu trả lời trên thẻ từ (lớp có nhiều thẻ từ đủ kích cỡ và đủ cho tất cả học sinh trình bày). Rồi thu kết quả và hướng dẫn cho các em. Hay như phương pháp chia nhóm: Chia nhóm ngẫu nhiên trong giờ học tập bài hát: Cô Minh Khánh lại dùng bộ bông hoa đủ màu sắc mà cô đã làm trước đó để phát ngẫu nhiên cho mỗi em. Vừa hát, cô vừa cho học sinh di chuyển đến vị trí nhóm, học sinh được đeo hoa trên đầu kết hợp với lời bài hát. Sau khi tiết học kết thúc, cô nhận thấy học sinh của mình có ý thức hơn về trách nhiệm với tập thể, đồng thời còn tạo được tình đoàn kết thân ái, xóa bỏ những hiềm khích vốn có trước đó đối với một số em.
Tạo hứng thú trong mỗi tiết học
Chia sẻ về đề tài của mình sau khi được áp dụng và được theo dõi trong hai năm học tại Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, cô Minh Khánh cho biết từ sự tự tin, năng lực chủ động, phát huy tính tích cực của mình trong giờ đạo đức, các em học sinh đã coi mỗi tiết học đạo đức như một ngày hội, một cuộc thi nhỏ để thu thập thêm kiến thức mới hay một câu chuyện kể đầy thú vị về cuộc sống xung quanh. Vì thế chất lượng học tập của lớp và tình cảm cô trò, bạn bè ngày càng được nâng cao. Phát huy tinh thần tập thể, nâng dần khả năng giao tiếp cho học sinh là giúp các em hòa nhập tốt, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh sau này. Đặc biệt, đề tài “Cá thể hóa trong dạy học môn đạo đức” sẽ giúp học sinh tăng cường khả năng và kỹ năng vận dụng bài học vào thực tế; tiết kiệm được thời gian nhưng thu được lượng kiến thức nhiều; đem lại nguồn vui, tạo hứng thú học tập và đạt hiệu quả cao. Cô Minh Khánh cho biết thêm, đối với phương pháp “lập bảng thi đua, ghi nhật ký lớp”, giáo viên làm một bảng thi đua, cuốn nhật ký để ghi lại, theo dõi và tuyên dương những việc tốt mà hằng ngày các em thực hiện được. Vì tâm lý trẻ rất thích và thường có hướng chuyển biến tích cực khi được giáo viên khen. Cho nên, khi các em làm những việc đơn giản như bỏ rác vào thùng, nhận lỗi khi làm sai, hay đỡ một em nhỏ bị ngã đứng dậy… được giáo viên và các bạn ghi nhận thì chắc chắn rằng nhu cầu “làm việc tốt” của trẻ ngày càng tăng.
Để hình thành và đúc kết nên sản phẩm “Cá thể hóa trong dạy học môn đạo đức” ngày hôm nay, cô Minh Khánh đã trải qua bao nhiêu thử thách từ khi còn là giáo viên mầm non ở huyện Cần Giờ. Lúc ấy, cô phải thường xuyên “tự chế” nhiều loại đồ chơi cho các em học sinh nghèo, rồi khi về dạy ở Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, nhiều em học sinh lại không “mặn mà” với môn đạo đức… Để hoàn thành được đề tài, ngoài chuyện tập hợp cơ sở lý luận, còn là những đêm thức khuya một mình cặm cụi dùng những tờ giấy lịch xin được để “chế” ra bộ sản phẩm đầy ý nghĩa trên. Sản phẩm “Cá thể hóa trong dạy học môn đạo đức” của cô thực sự thu hút tất cả giáo viên trong trường, được các bạn đồng nghiệp thường xuyên mượn để dạy cho học trò của mình.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Đề tài khoa học “Cá thể hóa trong dạy học môn đạo đức” của cô Nguyễn Minh Khánh đã đoạt giải khuyến khích hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM” lần thứ 21. Ngoài ra, đề tài này còn đạt giải A cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2008-2009.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)